Độc đáo tục hát Quan họ trùm đầu ở làng Viêm Xá, Bắc Ninh
Làng Viêm Xá còn gọi là làng Diềm, thuộc xã Hòa Long (TP Bắc Ninh, tỉnh Bác Ninh) mang dáng cổ kính nằm ven sông Như Nguyệt – Nguyệt Đức – Sông Cầu. Nơi đây có đền thờ Vua Bà - Thủy tổ Quan họ.
Làng Diềm xưa có hình thức sinh hoạt Quan họ rất đặc biệt, không thể tìm thấy ở bất kỳ một làng Quan họ gốc nào khác, đó là tục hát trùm đầu. Đến nay thế hệ các liền anh, liền chị của làng vẫn luôn trân trọng và tự hào mỗi khi nhắc đến.
Các nghệ nhân cao tuổi của Viêm Xá kể lại rằng, những năm cuối của thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, nơi đây vẫn còn tục hát Quan họ trùm đầu. Vào những đêm thu trăng sáng, các liền anh Quan họ từ nhà chứa của mình rủ nhau sang nhà chứa của các Quan họ nữ trong làng. Khi đến bờ rào, họ thường trùm kín đầu bằng khăn hoặc áo rồi đứng bên ngoài bờ rào hát vọng vào. Khi ấy, các liền chị trong nhà chứa nghe được cũng trùm khăn, áo lên đầu ra đứng ở thềm nhà hát đáp lại.
Họ hát những bài Quan họ và cũng hát đối giọng như mọi canh hát Quan họ thông thường. Nếu thềm không có ánh trăng thì họ đứng xuống sân nơi có ánh trăng rọi sáng để hát. Hát trùm đầu chỉ cần ca những câu giao duyên nam nữ giọng vặt, không phải hát những câu thuộc giọng lề lối. Quan họ trùm đầu không cần hát đôi mà thường là cả bọn nam ca với cả bọn nữ nhưng vẫn phải theo đúng giọng đối giọng.
Trong làng có thời điểm có tới 5 bọn Quan họ nam và 5 bọn Quan họ nữ với hàng trăm liền anh, liền chị gồm các lứa tuổi, thường xuyên sinh hoạt ở các nhà chứa khác nhau. Vì thế, vào những đêm trăng sáng mùa thu sẽ có tới 5 điểm hát Quan họ trùm đầu, tạo nên những buổi sinh hoạt Quan họ rất sôi động. Đặc biệt hơn nữa trong hình thức sinh hoạt Quan họ trùm đầu là người dân trong xóm trong làng đến nghe, xem và cổ vũ rất đông chứ không giống ở hình thức hát canh Quan họ, người hát đồng thời là người nghe, người thưởng thức và thường là không có khán giả…
Nhà nghiên cứu Quan họ Lê Danh Khiêm (nguyên cán bộ Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh Bắc Ninh) từng phân tích: Sinh hoạt Quan họ diễn ra quanh năm, suốt tháng song thời điểm tập trung, đậm đặc nhất vẫn là vào mùa xuân, trong dịp lễ hội của các làng xóm. Sinh hoạt văn hóa Quan họ gắn bó hữu cơ với mùa lễ hội cho nên có thể nói mùa xuân chính là mùa Quan họ cũng giống như mùa của hát Trống quân là mùa Trăng (mùa thu).
Vậy nhưng, hát Quan họ trùm đầu lại có thời điểm sinh hoạt trái với tính phổ biến chung, chỉ diễn ra vào mùa thu - mùa của hát Trống quân và cũng chỉ sinh hoạt vào những đêm tràn ngập ánh trăng nên rất có thể tục hát Quan họ trùm đầu vừa là dấu ấn của hát Ghẹo vốn xa xưa có ở làng Diềm vừa chịu ảnh hưởng của nghệ thuật hát Trống quân - một loại hình dân ca phổ biến ở Bắc Ninh nói riêng, vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, sông Mã nói chung. Cũng bởi vậy mà có không ít bài Quan họ với lối ca bốn tiếng sau trước rồi mới hát cả câu, đó là sự ảnh hưởng của lối hát Trống quân.
Là người có kinh nghiệm hát Quan họ nhiều năm, Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Thềm cho biết: hát Quan họ trùm đầu là để phân biệt với hát canh, hát hội, hát chúc, hát thờ. Sinh hoạt văn hóa Quan họ bao gồm một hệ thống các chuẩn mực được phát triển, giao lưu ngày càng mở rộng giữa các bọn Quan họ, các làng Quan họ với nhau. Song, ngoài những nét chung thì mỗi làng sẽ có những lối chơi Quan họ độc đáo, tạo nên bản sắc riêng cho làng mình.
Hát Quan họ trùm đầu là nét đặc trưng của làng Viêm Xá, đây được coi là bước khởi đầu của một liền anh, liền chị trong quá trình tập chơi và ngủ bọn Quan họ. Từ khi được đi ngủ bọn, thì các liền anh, liền chị được thế hệ trên truyền dạy cho vốn liếng từ câu hát đến lời ăn tiếng nói. Suốt những năm tháng ngủ bọn, đi hát trùm đầu như một bước tích lũy vốn liếng để các anh Hai, chị Hai trở thành những liền anh, liền chị tham gia các canh hát chuẩn mực để ca “đủ lối, đủ câu”.
Dân ca Quan họ phổ biến và có quá trình giao lưu ngày càng mở rộng giữa các bọn Quan họ, giữa các làng Quan họ với nhau. Nhưng ở mỗi làng lại có những nét riêng được kết thành từ nhiều yếu tố văn hóa đặc trưng, khác nhau trên cơ sở ảnh hưởng từ vốn văn hóa dân ca, nhạc cổ truyền thống của mỗi địa phương. Chính vì vậy, ngoài những nét chung thì hầu hết ở mỗi làng Quan họ gốc lại có những hình thức sinh hoạt văn hóa Quan họ độc đáo, riêng có của làng mình.
Ngày nay, Viêm Xá không còn tục hát Quan họ trùm đầu, nhưng với những nghệ nhân gạo cội ở Viêm Xá từng đi chơi Quan họ, tục hát trùm đầu đã và mãi tồn tại trong tâm thức của họ để kể lại cho thế hệ sau với niềm trân trọng, nhắn nhủ trong việc gìn giữ, khôi phục những nét sinh hoạt văn hóa Quan họ riêng có của quê hương.