Độc đáo tục kể chuyện của các dân tộc miền núi Quảng Nam

Đối với đồng bào các dân tộc ở miền núi Quảng Nam, lịch cổ truyền thường chỉ có 10 tháng. Đó chính là lịch tiết của mùa vụ theo kinh nghiệm lao động nông nghiệp nương rẫy. Tháng cuối cùng là tháng kết thúc một chu kỳ sản xuất nương rẫy, từ lúc đó cho tới khi phát lại rẫy để chuẩn bị cho một mùa rẫy mới là thời gian nghỉ ngơi, tổ chức các lễ hội như lễ mừng lúa mới, lễ cúng máng nước, lễ mừng Gươl mới, lễ hội đâm trâu và đặc biệt là lễ Tết đầu năm mới... Đây cũng là thời điểm thích hợp nhất để kể chuyện - nghe kể chuyện của đồng bào các dân tộc miền núi Quảng Nam...

Những buổi kể chuyện thường thu hút rất đông bà con đến dự nghe. Ảnh: Tư liệu

Những buổi kể chuyện thường thu hút rất đông bà con đến dự nghe. Ảnh: Tư liệu

Các câu chuyện thường được kể vào những đêm hơmon (của người Xơ Đăng, Ca Dong), tabol (của người Cor), Bhmon (của người Cơ Tu), Kamonmon (của người Bnong)... hay những đêm trong lễ hội như: Lễ đâm trâu, lễ mừng Gươl mới, lễ mừng lúa mới, lễ kết nghĩa giữa các làng, lễ cúng máng nước... hoặc vào những ngày đầu Xuân và cũng có khi vào những dịp cưới hỏi, hay lễ bỏ mả cũng tổ chức kể chuyện và đặc biệt là những buỗi lễ đầu năm mới...

Vào những đêm ấy, dân trong bản làng tụ tập đông đảo bên bếp lửa hồng của Gươl, nhà sàn, nhà dài hay nhà sinh hoạt cộng đồng của làng để nghe kể về những truyền thuyết, những câu chuyện cổ tích của dân tộc mình. Người kể chuyện thường là các già làng cao tuổi, có trí nhớ tốt và đặc biệt là giọng nói rõ ràng, truyền cảm và có tài kể truyện. Nội dung của các câu chuyện thường xoay quanh truyền thuyết giải thích về việc sinh ra trời đất, núi sông, cây cỏ; giải thích về sự xuất hiện của con người; nguồn gốc các dòng họ; những truyền thuyết về những cuộc đấu tranh với thiên nhiên khắc nghiệt để xây dựng bản làng và đấu tranh xã hội để giành quyền sống chính đáng của con người; về Yàng, về thần linh, thần Suối, thần Núi, thần Rừng...

Già làng người Cơ Tu - PơLoong Nhành (ở thôn 3, xã Lăng, huyện Tây Giang) cho biết: “Người Cơ Tu rất thích nghe kể chuyện và trong kho tàng văn hóa dân gian của người Cơ Tu có rất nhiều câu chuyện cổ chia làm 3 loại chính là truyện cổ tích thần kỳ, truyện cổ tích về sinh hoạt, truyện cổ tích về loài vật. Sau những tháng ngày lao động, sản xuất vất vả thì vào những đêm đầu Xuân, những đêm lễ hội, người Cơ Tu thường quây quần lại với nhau để nghe các già làng kể chuyện. Đây là dịp để nghỉ ngơi, tìm hiểu về nguồn cội, về bản sắc văn hóa của dân tộc mình...”.

Người kể chuyện (thường là những già làng có uy tín với cộng đồng) lúc này ngồi ở vị trí trung tâm của đám đông dân làng. Câu chuyện thường được bắt đầu bằng một làn điệu dân ca nào đó của dân tộc mình do người kể chuyện hát. Đám đông im lặng lắng nghe một cách chăm chú. Giọng kể có lúc đều đều, có khi sôi nổi, có khi chợt lên cao, lại có khi trầm hẳn xuống. Người kể chuyện có khi tư lự, có khi tươi cười, có lúc giận giữ, lại có khi đau buồn theo những tình tiết trong câu chuyện mình kể. Cũng có khi người kể chuyện diễn tả câu chuyện bằng động tác, thể hiện những hành động của nhân vật như bắn ná, đâm lao, hoặc vung tay, ôm ngực... Thi thoảng người kể chuyện ngưng kể uống một ngụm rượu cần, khơi bếp lửa, đun thêm vài thanh củi cho bếp lửa cháy đượm.

Một đêm kể chuyện, nhất là trong những đêm lễ hội, thường kéo dài có khi đến sáng. Nhiều truyện cổ phải kéo dài trong nhiều đêm và đêm nào cũng đông kín người quây quần lắng nghe. Khung cảnh của những đêm kể chuyện như vậy được coi như một hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng, một truyền thống văn hóa đặc sắc mang yếu tố bản địa lâu đời của đồng bào các dân tộc thiểu số ở miền núi Quảng Nam cần được nhân rộng, giữ gìn và phát huy.

Những đêm kể chuyện như vậy, một năm có thể chỉ có một lần, đặc biệt thường được tổ chức vào những dịp lễ, Tết. Được tham dự một đêm kể chuyện của đồng bào miền núi, bên bếp lửa hồng bập bùng ấm áp nơi nhà Gươl, như được tắm mình trong bầu không khí hoang sơ của núi rừng đại ngàn. Cảm giác đặc biệt đó sẽ khiến ta không bao giờ quên được. Và cũng sẽ không bao giờ quên được cả cái mùi khói bếp cay xè, hình ảnh những tàn tro trắng bé li ti từ bếp lửa lững lờ, chập chờn trên không trung, không quên được cái không khí rộn ràng đầu Xuân trong những đêm nghe kể chuyện...

Có lẽ, chính vì thế mà cho tới tận hôm nay, truyện cổ dân gian của các dân tộc miền núi Quảng Nam vẫn còn tồn tại cùng năm tháng, vẫn được lưu truyền qua bao thế hệ như là một nghệ thuật dân gian sinh động của đồng bào các dân tộc miền núi Quảng Nam.

Một mùa Xuân nữa đang tràn về khắp các bản làng của đồng bào Cơ Tu, Cor, Giẻ Triêng, Xơ Đăng giữa Trường Sơn đại ngàn. Những câu chuyện và những mùa kể chuyện của đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi Quảng Nam vẫn được tiếp diễn và sẽ sống mãi trường tồn với biết bao thế hệ con cháu mai sau...

Lâm Đăng Khoa

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/doc-dao-tuc-ke-chuyen-cua-cac-dan-toc-mien-nui-quang-nam-post436961.html