Trong thời khắc dịch chuyển từ năm cũ sang năm mới, hàng trăm người dân ở thôn Đằng Chương, xã Yên Tiến, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định tập trung ở đình làng Đằng Chương.
Người dân ở đây không đốt pháo, cũng không làm công việc gì khác, mọi người đều sẵn sàng cho một nghi thức đặc biệt: rước lửa thánh về nhà để lấy may.
Theo dân gian lưu truyền, lễ xin lửa thánh này có từ thời vua Đinh Tiên Hoàng, khi nhà vua từ cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) kéo quân về miền đất Ý Yên, tỉnh Nam Định để luyện binh đánh giặc.
Nghi lễ này không chỉ có ý nghĩa mong một năm mới ấm no hạnh phúc, an khang thịnh vượng, may mắn mà nó còn thể hiện tấm lòng thành kính với người có công lao to lớn trong việc dựng nước, giữ nước.
Xin “lửa thánh” đêm giao thừa là một phong tục truyền thống có từ lâu đời của người dân làng nghề mây tre đan ở đây.
Đúng 12h đêm, trong tiếng chuông vang vọng, người chủ tế châm lửa ở vạc dầu. Lửa bừng sáng trong sân đình.
Người dân xin “lửa thánh” chen nhau đưa cây đuốc của mình vào lấy được lửa sau đó chạy nhanh về nhà.
Theo quan niệm, gia đình nào có người lấy được lửa Thánh đưa về nhà nhanh nhất, sớm nhất làng thì được coi như cả năm mới sẽ gặp nhiều may mắn trong cuộc sống.
Mỗi người dân cầm đuốc lửa mang về sẽ khua khắp nhà để đuổi đi những điều đen đủi của năm trước.
Ngoài ra, tục xin lửa đêm Giao thừa ở làng Cát Đằng còn để tưởng nhớ đến người đã có công mang nghề mới đến cho dân.
Những ngọn lửa rực sáng cả con đường làng.
Những người lấy lửa sớm sẽ nhanh chóng di chuyển về nhà
Ngọn lửa xin được sẽ dùng để thắp hương ở ban thờ gia tiên và nhóm lửa đó ở bếp gia đình, đồng thời cầm đuốc lửa khua khắp nhà để đuổi những xúi quẩy của năm trước.
Những gia đình không có người đi xin “lửa Thánh” thì hàng xóm láng giềng đem lửa của nhà mình lấy từ đình làng sang xông nhà, mừng tuổi cho gia đình để có “lửa Thánh” thắp hương bàn thờ và nổi lửa ở bếp.
Quang Phong