Đọc để hiểu và thương

'Chuyện Chó Rơm' (NXB Lao Động, 2025) của tác giả Lê Hoài Đăng kể về hành trình lưu lạc của Rơm - chú chó Cỏ có bộ lông vàng rộm, được 'nhân cách hóa' khi mang trong mình lòng yêu thương trắc ẩn, biết tin yêu và luôn nỗ lực tìm cách bảo vệ những điều tốt đẹp.

Với sức viết sáng tạo và giàu suy tư, sau hai tập thơ được yêu thích “Trời này quá đẹp để buồn - Đời này quá đẹp lại buồn” và “Đến cuối ngày ai cũng cần một điều để tin”, tác giả trẻ Lê Hoài Đăng (sinh năm 1994) chuyển hướng ngòi bút sang mảng đề tài thiếu nhi với truyện dài "Chuyện Chó Rơm" để lại ấn tượng đẹp trong lòng người đọc.

Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê yên bình, từ khi còn là một chú chó con, Rơm đã có một sự gắn kết và thân mật với con người, thích quẩn quanh chơi cùng bà, biết quan sát và lắng nghe những tâm sự của loài người. Những ngày tháng êm đềm chốn thôn dã cứ thế trôi qua cho tới một ngày với biến cố Rơm bị những gã trộm tóm lên thành phố.

Từ đây, Rơm phải kinh qua khắp các hang cùng ngõ hẻm, từ quán nhậu, đến bãi rác, gầm cầu, rồi khu chung cư cũ, ngôi miếu ven đường, spa chăm sóc thú cưng... Rơm đã gặp nhiều số phận và hoàn cảnh rất đỗi oái oăm, vừa đáng thương vừa đáng ghét. Song qua những cảnh huống đó lại thể hiện rõ nét “nhân cách” của Rơm như dù đói lả nhưng Rơm vẫn không ăn cắp đồ ăn của quán nhậu; Rơm gom đủ dũng cảm giải cứu các bạn chó khỏi kho tập kết của bọn “cẩu tặc” dẫu cận kề hiểm nguy; Rơm giúp đỡ mẹ con Mèo Tam Thể chống lại băng đảng Hắc Miêu ở khu chung cư cũ; giúp bạn Sẻ cứu “người nhà” khỏi các lồng chim bán trước chùa để phóng sinh theo hình thức...

"Chuyện Chó Rơm" được viết bằng thứ ngôn ngữ trong sáng giản dị, giọng văn tự nhiên, dí dỏm sẽ khiến độc giả bật cười không ít lần. Mỗi chương sách được tác giả thể hiện như một truyện ngắn độc lập có đủ mở đầu, cao trào và cái kết lắng đọng... có những điều không khó đoán định, nhưng lại được kể cuốn hút.

Chính trong hành trình bôn ba, Rơm đã hiểu ra nhiều điều về loài mình, loài người, cũng như các giống loài khác... Và đó cũng chính là hành trình để “người và vật” từ hiểu tới thương, qua từng trang viết.

Lê Hoài Đăng chia sẻ về hành trình sáng tác: “Mình thích viết truyện thiếu nhi vì đơn giản mình thích trẻ em, và muốn các em có truyện để đọc, nó giản dị và dễ chịu như ăn cái bánh, uống hớp nước mát hay hóng làn gió mát mùa hè. Mỗi khi nghĩ đến hình ảnh độc giả đọc cuốn sách này, mình hay tưởng tượng đó là một em bé theo phụ mẹ bán bánh mì, hủ tiếu, phụ cha bán kẹo kéo, phụ bà dọn bày gánh xôi hay những em bé vừa đi học vừa phải phụ giúp cha mẹ công việc ở nhà nữa, mình luôn mong các em được đọc những mẩu truyện mà các em có thể thấy chính mình trong đó, giúp các em thấy quý trọng những điều bé nhỏ bé về muôn vật muôn loài... để qua đó, các em biết trân trọng và yêu thương, dám tin tưởng và bảo vệ những điều tốt đẹp. Mình tin rằng mỗi bạn nhỏ giàu lòng yêu thương sẽ lớn lên thành những người lớn hiền hòa và tử tế”.

Một điểm cộng sáng tạo cho "Chuyện Chó Rơm", đó là sự chỉn chu ở khâu minh họa với loạt hình vẽ sinh động khắc họa rõ hình ảnh của từng nhân vật, bám sát theo diễn tiến, không gian của từng chương truyện.

Trần Duy Thành

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/doc-de-hieu-va-thuong-701309.html