Độc giả tham gia khảo sát nhu cầu đọc qua tin nhắn SMS
Bộ Thông tin và Truyền thông đã đưa ra khảo sát về nhu cầu đọc sách của người dân phục vụ việc xây dựng và hoạch định các chính sách phát triển văn hóa đọc.
Mới đây, trên nền tảng sách nói Mydio, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đưa ra bảng khảo sát về nhu cầu đọc sách của người Việt. Kết quả khảo sát nhằm mục đích hoạch định và xây dựng chính sách phát triển lĩnh vực xuất bản và thúc đẩy văn hóa đọc.
Khảo sát gồm ba phần. Phần đầu tiên về nhân khẩu học để người tham gia cung cấp các thông tin cơ bản như độ tuổi, giới tính, trình độ học vấn. Phần thứ hai về thói quen tiêu thụ sách như địa điểm đọc/nghe sách, số giờ đọc/nghe sách, số cuốn sách độc giả nghe/đọc trong một năm và một số chủ đề độc giả quan tâm. Phần thứ ba hướng đến việc khảo sát xu hướng tiêu dùng của độc giả hiện tại, chẳng hạn mua sách ở đâu, trung bình số tiền bỏ ra cho việc mua sách hàng năm.
Người thực hiện khảo sát có thể chọn một hoặc nhiều phương án trả lời về thói quen đọc sách, xu hướng mua sắm của bản thân đối với ba hình thức sách: sách nói, sách giấy và sách điện tử. Thông qua khảo sát các kết quả sẽ được tổng hợp để đánh giá nhu cầu đọc của người Việt hiện tại.
Nguyễn Minh Ngọc (25 tuổi, trú tại Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết đây là lần đầu tiên bản thân làm một khảo sát về văn hóa đọc. Bạn trẻ này chia sẻ rằng các câu hỏi trong bảng khảo sát được làm khá bao quát từ loại hình sách cho đến thời gian đọc sách. "Là một độc giả mình mong kết quả của khảo sát có thể phản ánh chân thực sức đọc của giới trẻ hiện nay và có thêm nhiều hoạt động khuyến đọc".
Theo Ngọc, hiện nay việc đọc sách đang trở nên thú vị hơn vì có nhiều buổi talkshow với các diễn giả, tác giả trong và ngoài nước. Nhờ đó, Ngọc có thể hỏi và thảo luận thêm về những cuốn sách bản thân đã đọc.
Bùi Minh Anh (24 tuổi, trú tại Long Biên, Hà Nội) cũng cho biết khảo sát này khá thú vị. Sau khi nhận được tin nhắn thông báo qua số điện thoại, Minh Anh đã tò mò và bấm vào xem. Bạn trẻ này chỉ mất khoảng năm phút để hoàn thành bảng khảo sát. "Mình thấy khảo sát về việc đọc là cần thiết nhưng mình có thêm góp ý rằng với đối tượng trên 60 tuổi hoặc trên 50 tuổi nên khảo sát bằng giấy thay vì sử dụng hình thức online bởi nhiều người độ tuổi này chưa thông thạo về công nghệ", Minh Anh chia sẻ.
Theo nghiên cứu của công ty Digital Marketing tại Anh, tỷ lệ mở tin nhắn SMS là khoảng 98% trong khi mail là 20%. Vì vậy các khảo sát đang dần chuyển hướng sang thông báo qua SMS. Mức độ tương tác tăng lên do SMS cung cấp cũng có thể mang lại lợi ích to lớn cho tỷ lệ phản hồi khảo sát qua SMS. Trên thực tế, nghiên cứu cũng cho thấy văn bản SMS có tỷ lệ phản hồi cao hơn 209% so với email và các nền tảng mạng xã hội. Trung bình 95% tin nhắn văn bản được mở trong vòng 3 phút.
Khảo sát về văn hóa đọc là công cụ để phản ánh sức đọc hiện tại của người dân Việt Nam. Kết quả có thể làm cơ sở cho nhiều hoạt động nghiên cứu thương mại khác cũng như đề xuất một số chính sách ở tầm vĩ mô.
Trước đó, tại ngày Sách và Văn hóa đọc Quốc gia 2024, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: "Muốn xuất bản phát triển, cần tăng cường truyền thông, quảng bá về sách và văn hóa đọc". Để có thể đưa văn hóa đọc phát triển, các bộ ban ngành cần chung tay đưa ra những biện pháp, chính sách cụ thể.
Độc giả thực hiện khảo sát tại đây
Nguồn Znews: https://znews.vn/nhu-cau-doc-sach-cua-nguoi-viet-post1475293.html