Đọc Hồn người lính để hiểu lính nhiều hơn

Tập ký và thơ Hồn người lính với hơn một trăm trang của tác giả Nguyễn Bá Thuyết vừa được NXB Hội Nhà văn ấn hành. Quyển sách nhỏ xinh là tập hợp của năm bài bút ký, ghi chép về chủ đề người lính trong thời chiến và thời bình với 34 bài thơ cũng là tình yêu của một người lính dành cho gia đình, đồng đội, quê hương, đất nước.

Bìa tập ký và thơ của Nguyễn Bá Thuyết

Bìa tập ký và thơ của Nguyễn Bá Thuyết

Ấn tượng đầu tiên đối với người đọc đó chính là những bài bút ký ở phần đầu của cuốn sách như: Tiếng vọng từ những tượng đài, Huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển và món nợ cuộc đời, Những chuyện kể về mặt trận B3 - Tây Nguyên… Chiến tranh, vốn đã khốc liệt với bất kỳ ai khi rơi vào vòng xoáy của nó. Và cơn lốc chiến tranh hãy còn để lại đâu đó những tàn tích mà đến nhiều thế hệ con cháu của chúng ta vẫn phải vật lộn với những nỗi đau khó có bút mực nào tả hết được. Là một người lính, từng trực tiếp cầm súng tham gia chiến trường Campuchia rồi đến chiến trường biên giới phía bắc, cho đến lúc về hưu, Nguyễn Bá Thuyết có ba mươi sáu năm phục vụ trong quân đội - khoảng thời gian đủ để anh trải nghề và trải đời, thấu suốt những bi, hùng của chiến tranh. Thế nên, những trang bút ký của anh không chỉ ghi chép lại, kể lại một cách chân thực nhất những câu chuyện về chiến tranh mà ở đó còn là những đồng cảm, cảm xúc rất thật của một người từng trải qua đời lính. Đó là sự kết hợp hài hòa giữa hai giọng điệu sử thi và trữ tình đậm chất thơ. Đọc Tiếng vọng từ những tượng đài, chúng ta sẽ bất giác cúi đầu trước căn gác nơi thờ hai Bà mẹ Việt Nam anh hùng và 28 liệt sĩ là thân nhân nội tộc. Trong số những người nằm xuống đó, nổi bật là câu chuyện về Mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Điền lúc hy sinh dưới làn đạn của quân xâm lược. Kẻ thù dã tâm cắt đôi vú và một bên tai của mẹ hòng uy hiếp tinh thần cách mạng của đồng bào ta. Ta như được sống lại không khí hào hùng của những giây phút sinh tử vì Tổ quốc của những cán bộ, chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn 12, Trung đoàn 10 (Trung đoàn Ngô Quyền) vào ngày 30/1/1968. Gần 200 cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 12 hy sinh trong trận đánh đó. Rồi chúng ta lại cùng với tác giả của bài bút ký, như cảm nhận được, nghe được “Trong sâu thẳm gió chiều không chỉ có tiếng xào xạc của lá, trong lòng đất không chỉ có tiếng của giun, dế mà đâu đó còn tiếng rì rầm của những con người, những linh hồn... Một chiều muộn, bạn cứ đến đó đi, không phải ảo giác hay tưởng tượng đâu. Trong không gian thật vắng lặng, tâm hồn thật yên tĩnh, nghiêm trang, bạn sẽ nhận ra những tiếng vọng về như thế”.

Hay đọc Huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển và món nợ cuộc đời cũng thế, cái không khí hào hùng của một thời khói lửa được tái hiện cùng với lời kể của anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Đắc Thạnh, thuyền trưởng tàu Không số. Rồi đến Những chuyện kể về mặt trận B3 - Tây Nguyên mới thấy chiến tranh đáng sợ đến mức nào. Trên con đường đấu tranh vì độc lập, những chiến sĩ ngã xuống không chỉ vì đạn bom mà còn vì rừng thiêng nước độc, vì thú dữ, như chuyện anh Trữ bị cọp vồ, chuyện về cái chết của anh Thành, chuyện anh Cát hy sinh... Ta cứ tưởng những đau thương ấy chỉ là chuyện của thời chiến. Nhưng không, khi đất nước đã im tiếng súng, vết thương vẫn chưa thể lành hẳn mà đôi khi nó cứ âm thầm rỉ máu rồi loét mãi ra, đau gấp bội. Họ “bị thương, bị di chứng chất độc da cam…, có người có đứa đầu bị dị tật, hi vọng đứa thứ hai nhưng trời không cho, có người đời con chưa sao mà đời cháu mới bị…thuốc men chạy chữa, tan gia, bại sản, khổ vô cùng tận”.

Chiến tranh thực sự rất tàn khốc. Thế nhưng, những người lính được nhắc đến trong những bài bút ký của Nguyễn Bá Thuyết luôn sáng ngời tinh thần đấu tranh anh dũng, quên mình vì quê hương, xứ sở. Và tình đồng đội cũng luôn lấp lánh theo từng bước đi của họ trong thời chiến cũng như thời bình.

Có thể nói với bốn bài bút ký, ghi chép về chủ đề người lính, số lượng chưa nhiều nhưng tác giả cũng đã phần nào ghi lại được hình ảnh người lính - những người con ưu tú của quê hương đã dành cả tuổi xuân cả máu xương của mình vì quê hương mà tranh đấu. Đó sẽ là những trang viết giúp mỗi người đọc chúng ta hiểu hơn về một thời oanh liệt của cha anh mình.

Phần thứ hai của cuốn sách là 34 bài thơ mà nội dung chủ yếu xoay quanh các chủ đề tình cảm gia đình, tình đồng đội, tình yêu quê hương đất nước. Phải chăng vì tác giả Nguyễn Bá Thuyết là một quân nhân nên chất lính cũng ngấm vào văn chương của anh như một lẽ tự nhiên vậy. Dù viết ký hay thơ thì trong tác phẩm của anh vẫn mang khẩu khí, tinh thần của người lính, mang dáng dấp của một anh Bộ đội Cụ Hồ.

Dù trong hoàn cảnh nào, thời chiến hay thời bình thì hình ảnh người lính trong thơ của Nguyễn Bá Thuyết luôn luôn đẹp với vẻ đẹp kiên cường, biết chiến đấu hy sinh vì quê hương và cũng biết yêu thương say đắm. Người lính ngoài chuyện súng đạn binh đao cũng tươi trẻ, cũng yêu đời và hồn nhiên, tếu táo. Vẻ đẹp ấy đã được chính tác giả đúc kết lại trọn vẹn bằng bốn câu thơ “Hồn người lính nghĩa là không sợ chết/ Là yêu thương trong sáng đến tuyệt trần/ Hồn người lính là cả một mùa xuân/ Là bản hùng ca không bao giờ kết thúc”.

Lời thơ mộc mạc, không trau chuốt, ngôn ngữ giản dị, trong sáng nên mỗi bài thơ như một lời tâm tình, một sự giãi bày giữa những người bạn lính với nhau. Cái thật thà, chân chất chính là cái cốt của mạch cảm xúc trong từng bài thơ và vì thế cái nghĩa cái tình mà nó chuyển tải cũng trở nên có sức nặng hơn bao giờ hết.

Tập ký Hồn người lính chính là kết tinh của lòng yêu văn chương và sự say mê lao động sáng tạo nghệ thuật của Nguyễn Bá Thuyết. Đặc biệt, đó là kết tinh của hình ảnh người lính với tất cả vẻ đẹp vốn có mà mỗi người dân Việt Nam luôn yêu mến. Và người viết những dòng này tin rằng khi đọc Hồn người lính, chúng ta sẽ hiểu lính nhiều hơn.

LÝ THỊ THỦY

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/93/235902/doc-hon-nguoi-linh-de-hieu-linh-nhieu-hon.html