E-magazine Thiếu nhi trải nghiệm dịp hè
Mỗi dịp hè về, Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh trở thành địa chỉ quen thuộc được nhiều phụ huynh tin tưởng đăng ký cho con tham gia các chương trình kỹ năng sống bổ ích. Từ ngày 24 đến 27-6, tại đây, 47 thiếu nhi đến từ TP. Pleiku và các huyện: Chư Sê, Chư Prông, Ia Grai, Đak Đoa, Ia Pa đã có những trải nghiệm bổ ích khi tham gia chương trình kỹ năng “Tôi trưởng thành”.
Nấu ăn, rửa chén bát, xếp quần áo gọn gàng… là những việc làm tưởng như đơn giản nhưng lại khiến nhiều em bỡ ngỡ. Đây là bài học đầu tiên được các điều phối viên của Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh hướng dẫn cho các em khi tham gia chương trình. Ngoài tính tự lập, các em được thử thách kỹ năng làm việc nhóm, tinh thần đoàn kết để hoàn thành các nội dung do Ban tổ chức đưa ra. Các em còn được học bơi, kỹ năng sơ cứu người bị đuối nước; thử thách dập tắt đám cháy nhỏ bằng bình cứu hỏa; cách thoát nạn khi có đám cháy trên nhà cao tầng; kỹ năng thoát hiểm khi bị bỏ quên trên xe ô tô. Mỗi hoạt động đều có những thử thách khác nhau, song các học viên đều tham gia với tinh thần hăng hái, nụ cười tươi luôn thường trực trên môi.
Với chuyên đề “Tôi trưởng thành”, các học viên được giảng viên Trường Cao đẳng Gia Lai chia sẻ về tâm lý lứa tuổi dậy thì, những điều nên và không nên nói ở lứa tuổi này; những hành vi giao tiếp, ứng xử có văn hóa. Các thông tin trên giúp học viên có thêm kiến thức cần thiết trước sự thay đổi về tâm sinh lý. Ngoài ra, học viên còn được tham gia dã ngoại, tìm hiểu về công tác quản lý, bảo vệ rừng ở Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh. Trong môi trường học tập trực quan và sinh động, các em được thực hành kỹ năng sinh tồn, dựng lều, nhóm lửa và thoát hiểm. Buổi dã ngoại giúp các em thêm yêu thiên nhiên, nâng cao trách nhiệm trong việc gìn giữ, bảo vệ môi trường.
Sôi nổi, bổ ích chính là cảm nhận chung của 66 học viên ở huyện Kbang khi tham gia chương trình kỹ năng sống “Ước mơ em-Tương lai em” do Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh phối hợp với Huyện Đoàn Kbang tổ chức từ ngày 1 đến 3-7. Như chủ đề của chương trình, qua sự khơi gợi và định hướng của điều phối viên, các em chia sẻ về mơ ước của bản thân để từ đó có kế hoạch học tập, rèn luyện, chuẩn bị hành trang kỹ càng cho mục tiêu trong tương lai.
Các học viên còn được tham gia các trò chơi dân gian vô cùng vui vẻ và bổ ích như: bịt mắt đập niêu, bịt mắt bắt vịt, kéo co, nhảy bao bố… Song song với đó, các học viên vô cùng thích thú khi được trải nghiệm các hoạt động: cắt cỏ, tát mương bắt cá… Thông qua hoạt động thực tế này, các em đã có cái nhìn cận cảnh hơn về cuộc sống của người nông dân để từ đó biết quý trọng giá trị sức lao động.
Đến với chương trình, 2 anh em ruột Nguyễn Chí Vịnh và Nguyễn Chính Thuận (tổ 8, thị trấn Kbang) đã tích lũy được những kỹ năng cần thiết cho bản thân. Vịnh cho hay: “Các hoạt động trong chương trình giúp em rèn luyện thể chất, các kỹ năng để tự tin, tự giác, tự lập. Những ngày tham gia chương trình, em được vui chơi trải nghiệm những điều mới lạ. Khi trở về nhà, em sẽ tiếp tục trau dồi thêm kỹ năng sống để hoàn thiện bản thân”.
Không chỉ học viên, các bậc phụ huynh cũng cảm thấy yên tâm với những hoạt động do tổ chức Đoàn triển khai. Chị Tạ Thị Kim Chi-mẹ em Vịnh và Thuận-chia sẻ: “Tôi cho con tham gia chương trình như món quà trong dịp hè, vừa được vui chơi, vừa học những điều bổ ích. Thời gian không dài những với cách thức khơi gợi của Ban tổ chức, các con có bước đệm để hoàn thiện hơn các kỹ năng của bản thân”.
Dịp hè năm 2024, các tổ chức Đoàn trong toàn tỉnh phối hợp với các đơn vị tổ chức nhiều chương trình kỹ năng cho thiếu nhi như: Học kỳ quân đội, Học làm chiến sĩ Công an, Vượt qua chính mình, Thiếu nhi 5.0… Mỗi chương trình được thiết kế khác nhau nhưng vẫn đảm bảo các nội dung rèn luyện cần thiết.
Sáng 4-7, tuy thời tiết không ủng hộ nhưng tinh thần của trại sinh tham gia Trại hè “Tìm về di sản” năm 2024 không vì thế mà kém hồ hởi. Những lều bạt, cổng của 7 tiểu trại được dựng lên nhanh chóng tại khuôn viên Bảo tàng tỉnh. Các trò chơi tập thể vẫn diễn ra sôi nổi. Đây là năm thứ 2 Bảo tàng tỉnh phối hợp với Thành Đoàn Pleiku tổ chức trại hè nhằm giáo dục di sản lồng ghép với giáo dục kỹ năng sống cho 147 thanh-thiếu niên trên địa bàn thành phố.
Trong thời gian 2 ngày (4 và 5-7), trại hè diễn ra với chuỗi hoạt động sôi nổi, đậm chất trẻ trung gồm: đêm lửa trại, liên hoan trò chơi dân gian (kéo co, nhảy bao bố tiếp sức, bịt mắt bắt vịt), thi đồng diễn dân vũ, thi trang phục dân tộc, trò chơi lớn. Bên cạnh đó, trại sinh còn tham gia sân chơi kiến thức theo hình thức “Rung chuông vàng” với chủ đề “Hành trình di sản” lồng ghép tìm hiểu kiến thức phòng-chống tai nạn thương tích, đuối nước, phòng-chống tác hại của thuốc lá điện tử. Nhằm nêu cao ý thức bảo vệ môi trường thông qua các hoạt động tập thể, Ban tổ chức đã đề nghị các đơn vị quán triệt trại sinh hạn chế tối đa việc sử dụng rác thải nhựa, đồng thời khuyến khích mỗi tiểu trại chuẩn bị 1 bình nước lớn bố trí tại lều trại để sử dụng.
Chị Nguyễn Thị Hồng Lực-Bí thư Chi Đoàn tổ 14 (phường Yên Đỗ), phụ trách tiểu trại Võ Thị Sáu-cho biết: Năm ngoái, tiểu trại không có giải cao toàn đoàn nên năm nay quyết “lên dây cót” tinh thần. Tham gia “Liên hoan ẩm thực dân gian” với yêu cầu chuẩn bị ít nhất 1 món ăn theo vùng miền, các trại sinh của tiểu trại Võ Thị Sáu đầu tư cho món xôi ngũ sắc, một đặc trưng ẩm thực của các dân tộc phía Bắc. Trong phần thi trang phục dân tộc, các em đảm nhận phần trình diễn trang phục vùng trung du và miền núi Bắc Bộ.
Đêm lửa trại khai mạc hội trại vào tối 4-7 có lẽ là kỷ niệm đáng nhớ nhất đối với trại sinh. Mở đầu là màn nhảy zumba sôi động do các em nhỏ sinh hoạt tại Nhà Thiếu nhi TP. Pleiku biểu diễn, tiếp đó là phần hòa tấu nhạc cụ dân tộc của Câu lạc bộ Cồng chiêng thanh thiếu nhi thành phố. Không khí càng “nóng” khi lửa trại cháy lên trong phần giao lưu cồng chiêng mang chủ đề “Thanh thiếu nhi với di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” và giao lưu kết nối “Vòng tay bè bạn”. Bằng cách đó, vẻ đẹp trường tồn của di sản đã được quảng bá hết sức tự nhiên, gần gũi.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Hải Bình-Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh, Trưởng ban tổ chức trại hè “Tìm về di sản” năm 2024-khẳng định: Chương trình nhằm tạo sân chơi lành mạnh và ý nghĩa, giúp thanh thiếu nhi có những trải nghiệm lý thú trong dịp hè, tăng sự hiểu biết và nâng cao ý thức bảo tồn di sản văn hóa dân tộc. “Thông qua hoạt động “chơi mà học, học mà chơi”, các em được hướng dẫn tham quan, tìm hiểu về Bảo tàng tỉnh-nơi đang bảo tồn, lưu giữ và tổ chức nhiều hoạt động để phát huy di sản văn hóa Hồ Chí Minh trên mảnh đất Tây Nguyên. Cùng với đó, hiểu sâu sắc hơn các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của địa phương. Đây cũng là dịp để các em giao lưu, học hỏi với tinh thần đoàn kết, thân ái”-Trưởng ban tổ chức trại hè chia sẻ.
Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/thieu-nhi-trai-nghiem-dip-he-post283928.html