Đọc Hữu Châu - Chiếc nôi vàng giông bão: Nghiệp đời sân khấu cay đắng và vinh quang
Nghệ sĩ Hữu Châu có buổi chia sẻ chủ đề: 'Một đời sân khấu - Thắp lửa đam mê' với sinh viên tại Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) ngày 12-7, nhân dịp bút ký chân dung Hữu Châu - Chiếc nôi vàng giông bão của ông ra mắt.

Nghệ sĩ Hữu Châu trong vở Ngôi nhà trong mây.
“Nghiệp sân khấu thật cay đắng” - đó là một phần hồi ức từ chính nghệ sĩ ưu tú Hữu Châu (tên đầy đủ là Nguyễn Hữu Châu, sinh năm 1966) trong cuốn sách Hữu Châu - Chiếc nôi vàng giông bão (trang 192), do tác giả Thanh Thủy chấp bút, Nhà xuất bản Dân trí và Phan Books ấn hành.
Một đời sân khấu
Cuốn bút ký chân dung Hữu Châu - Chiếc nôi vàng giông bão tái hiện ký ức của một gia tộc nghệ thuật trứ danh, một cuộc đời của người nghệ sĩ “con nhà nòi” sớm bộc lộ được tài năng và khả năng diễn xuất thượng thừa. Nghệ sĩ Hữu Châu là thành viên của đại gia đình Đoàn cải lương Thanh Minh Thanh Nga một thời lẫy lừng (bà nội anh là bà bầu Nguyễn Thị Thơ, chủ đoàn hát Thanh Minh) - dù có nhiều thăng trầm song đó là “đại gia đình vui vẻ” của ông.
Là hậu duệ của nhiều “huyền thoại nghệ sĩ Sài Gòn” (ba má là nghệ sĩ Hữu Thình - Thanh Lệ), Hữu Châu cũng trở thành danh hài kiệt xuất với hàng ngàn vai diễn đa năng “một mình cân cả bi lẫn hài” trong nhiều vở sân khấu, tác phẩm nổi tiếng để đời rất được khán giả ái mộ.

Sức cuốn hút đặc biệt của sách đến từ những câu chuyện mà chỉ có thành viên ruột rà, người trong cuộc gạo cội như Hữu Châu mới có thể kể lại với phong cách tự truyện chân tình, chân thật, gần gũi. Cách chấp bút của người viết Thanh Thủy đan xen, hòa quyện ngọt lành vào hồi ức Hữu Châu làm thành bản song tấu “lấp lánh như giấc mộng kê vàng”. Ở đó không chỉ có chiếc nôi êm ấm tuổi thơ cho chàng công tử phong lưu, mà còn là cuộc sống bao la, khắc nghiệt và trần trụi đã hun đúc cho công chúng có một nghệ sĩ Hữu Châu như “viên ngọc quý đa sắc màu”.
Hữu Châu đứng trên sân khấu biểu diễn khi mới 3 tuổi. Ông gia nhập Đoàn kịch Kim Cương cuối những năm 1980 với vai diễn đầu tiên trong vở Hoàng tử và con gái lão chăn cừu. Ông có nhiều vai diễn trong tác phẩm cải lương, kịch nói như: Lá sầu riêng, Người tình trễ xe, Nhơn danh công lý, Âm mưu và tình yêu, Đừng nói lời vĩnh biệt, Đời luận anh hùng, Lôi Vũ, Thầy đồ, Ba giai tứ xuất, Sống giả chết giả, Dạ cổ hoài lang, gần 40 vai diễn trong loạt Ngày xửa ngày xưa kéo dài suốt 23 năm…
Thắp lửa đam mê Hữu
Châu viết rất thật về những cuộc ly tao khánh kiệt chìm nổi của đoàn hát gia tộc, thời mưu sinh “quay mòng mòng”, những “nỗi đau trời giáng” sinh ly tử biệt của những người thân. Nhiều trang hồi ức rất xúc động như những năm cải lương lao dốc, Hữu Châu nhớ ba má rong ruổi lên Long Khánh (Đồng Nai) mua bắp rẫy về thành phố lột vỏ nấu bán. Cả nhà gồm cả bà nội (bầu Thơ) cũng xắn tay áo làm với con cháu. Rồi 2 anh em: Hữu Châu, Hữu Lộc đi bán báo từ 4 giờ sáng hàng ngày để phụ giúp mẹ - cô đào xinh đẹp Thanh Lệ lừng lẫy một thời có giai đoạn đi làm mướn, tảo tần bán cà phê lúc được, lúc ế…
Hữu Châu kính thương cô Hai Kim Cương (kỳ nữ Kim Cương) trả lương “tăng vù vù” cho Hữu Châu làm đời đẹp như mơ. Ông viết về “chú Sáu Bảo Quốc” hiền lành, vui tính. Những bạn diễn đồng nghiệp tri âm tri kỷ của Hữu Châu được tái hiện từ nghệ sĩ Hồng Đào “tay hòm chìa khóa” giữ tiền cát-xê giúp ông, Hữu Nghĩa - người bạn hiền cùng lớp kết hợp với Hữu Châu trở thành “cặp đôi hoàn hảo” trên sàn diễn hài kịch, đến Hồng Vân, Kim Xuân, Chí Hiếu, Hồng Loan, em trai ruột Hữu Lộc… Và dĩ nhiên không thể thiếu nghệ sĩ Thành Lộc (Hữu Châu hoạt động tại Sân khấu kịch Thiên Đăng cùng Thành Lộc từ tháng 7-2023 đến nay).

Nhiều học trò sân khấu chúc mừng Hữu Châu ra mắt sách.
Đến nay, Hữu Châu vẫn hết mình với nghiệp diễn trên tất cả lĩnh vực ông tham gia, từ sân khấu đến nhiều phim điện ảnh chiếu rạp. Qua bao thăng trầm, ở tuổi 59, Hữu Châu thừa nhận: “Từ hiếu thắng và đôi lúc nóng nảy, tôi đã trầm tĩnh và nhẹ nhàng. Nhẹ cho đến khi biết mình nhỏ bé”.
Ông tiết lộ mình chịu ảnh hưởng, tác động lớn khi hóa thân vào vai diễn Nguyễn Trãi trong vở Bí mật vườn Lệ Chi (với 150 suất diễn trong 12 năm). Điều thú vị là ngôi nhà ấm áp Hữu Châu cư ngụ lâu nay cũng nằm trên con đường mang tên Nguyễn Trãi tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Tự nhận vui là đã ở độ tuổi “xế trưa” (trang 242), Hữu Châu hiện còn là giảng viên cho nhiều học viện đào tạo diễn xuất với tâm huyết truyền lửa nghệ thuật tới lớp hậu sinh. Nhiều thế hệ diễn viên trẻ, ngôi sao sân khấu là học trò của Hữu Châu, được ông chắp cánh ước mơ bay lên trên vùng trời nghệ thuật. Quan niệm về truyền nghề, truyền kiến thức lẫn cái tâm thiện lương trong sứ mệnh làm nghề của Hữu Châu chính là: “Xin hãy hết mình, dọn đường cho hậu sinh”.
Hữu Châu chia sẻ cuốn sách Hữu Châu - Chiếc nôi vàng giông bão là “món quà mọn dâng lên bàn thờ tổ tiên và phần mộ của Má Ba”. “Má Ba” là tiếng gọi thương yêu của Hữu Châu và bao con cháu khác gọi Thanh Nga cô nương - người nhà tuyệt đẹp của cả gia tộc giúp ông kiêu hãnh, là “bà tiên tuổi thơ” khởi nguồn cho “chuyện đời tôi”. Nghệ sĩ Thanh Nga tài hoa qua đời khi Hữu Châu mới hơn 10 tuổi, nhưng vẫn để lại cho ông món quà to lớn về thiên mệnh nghề nghiệp và “những hạnh phúc bao la bát ngát đời thường” (trang 87). Hữu Châu chép lại dòng thơ khán giả ái mộ từng làm về Thanh Nga: “Trên trời có vạn vì sao/Thế gian chỉ có một nàng Thanh Nga” và thốt lên: “Tôi yêu Thanh Nga - tình yêu lớn mãi mãi của tôi”.