Dịu Dàng Màu Nắng gây tranh cãi cho khán giả
Phim Việt giờ vàng Dịu Dàng Màu Nắng vướng tranh cãi vì loạt chi tiết khó hiểu, đặc biệt liên quan đến nữ chính.
Trong bối cảnh phim truyền hình Việt đang dần lấy lại vị thế trong khung giờ vàng, Dịu Dàng Màu Nắng được kỳ vọng sẽ mang lại làn gió mới với đề tài hiện đại, gần gũi và những mối quan hệ gia đình, tình yêu, tình bạn nhiều cảm xúc. Tuy nhiên, càng phát sóng dài tập, bộ phim lại rơi vào vòng xoáy tranh cãi vì nhiều chi tiết thiếu logic, đặc biệt là hàng loạt "hạt sạn" liên quan đến kiến thức y tế cơ bản khiến khán giả không khỏi lắc đầu ngao ngán.

Dịu Dàng Màu Nắng khiến khán giả bức xúc vì hạt sạn (Ảnh: VFC).
Ngay từ những tập đầu tiên, nhân vật Xuân (do Ngọc Huyền thủ vai) được xây dựng là một cô gái hiền lành, chịu thương chịu khó, hiện vướng vào những khó khăn công sở và mối quan hệ đầy éo le với hai người đàn ông: Nghĩa - con trai bà chủ trọ, và Phong - cấp trên nơi công sở. Tưởng chừng tuyến nhân vật này sẽ khơi gợi sự đồng cảm nhưng càng về sau, chính cách hành xử và tính cách không nhất quán của Xuân lại trở thành nguyên nhân khiến người xem khó chịu.
Đỉnh điểm là ở những tập phim Dịu Dàng Màu Nắng gần đây, khi Xuân liên tiếp mắc lỗi trong công việc, làm việc thiếu khoa học, bỏ bữa và rồi ngất xỉu ngay trong giờ làm. Dù ở vị thế là nạn nhân của môi trường làm việc áp lực, khán giả vẫn không thể dành trọn sự cảm thông bởi chính thái độ buông xuôi và thiếu trách nhiệm của nhân vật đã góp phần đẩy mọi chuyện đi xa hơn.

Khán giả phát hiện ra ống truyền dịch đang khóa van trong phân cảnh Xuân đang nằm ở phòng y tế (Ảnh: VFC).
Cụ thể, sau khi ngất, Xuân được đưa đến trạm y tế của công ty để cấp cứu và truyền dịch - một phân cảnh tưởng như đơn giản nhưng lại khiến cả mạng xã hội dậy sóng. Bởi lẽ, dù không quay cận, người xem vẫn nhanh chóng phát hiện ra ống truyền dịch trong phân cảnh này vẫn đang bị khóa van. Một lỗi sơ đẳng trong khâu đạo cụ nhưng lại đủ khiến khán giả cảm thấy tức giận và khó chịu thay cho những ai làm ngành y hoặc đơn giản là có kiến thức cơ bản về chăm sóc sức khỏe.
Cư dân mạng lập tức để lại những bình luận đầy ngán ngẩm: "Làm phim mà không tra nổi kiến thức sơ đẳng về sức khỏe thì thật sự quá cẩu thả", "Đây là khung giờ vàng quốc gia chứ không phải phim nghiệp dư nên khán giả có quyền đòi hỏi sự chính xác", "Đóng phim giờ vàng mà để van khóa truyền dịch đóng như vậy thật khó chấp nhận", "Không cần diễn viên phải truyền thật, nhưng làm ơn hãy dựng cảnh cho chỉn chu một chút". Không thể phủ nhận, sự thiếu cẩn trọng trong chi tiết y tế không chỉ làm giảm tính chân thật của phim mà còn khiến khán giả mất đi cảm xúc vốn cần có ở một phân cảnh có thể gây sự đồng cảm.

Xuân khuyên Phong uống trà gừng dù anh đang lên cơn đau dạ dày dữ dội (Ảnh: VFC).
Sự thiếu chính xác tiếp tục lặp lại ngay trong phân cảnh kế tiếp, khi sếp Phong - người từng thể hiện sự chán ghét với Xuân bất ngờ lên cơn đau dạ dày và không thể xin thuốc do y tá vắng mặt. Trong lúc nguy cấp, Xuân "nhanh trí" lấy một ly trà gừng nóng mang đến tận nơi và ca ngợi đây là "bài thuốc gia truyền", tốt cho người bị dạ dày.
Nhưng tiếc thay, tình tiết tưởng như dễ thương ấy lại bị phản bác kịch liệt. Theo ý kiến từ không ít khán giả có hiểu biết y học, người đang lên cơn đau dạ dày cấp tính không nên dùng gừng vì có thể khiến tình trạng viêm loét trở nên trầm trọng hơn. Trà gừng, nếu có tác dụng tích cực thì cũng chỉ nên dùng ở trạng thái ổn định, không phải lúc bệnh nhân đang đau dữ dội.

Vai diễn của Ngọc Huyền trở thành yếu tố khiến Dịu Dàng Màu Nắng trở nên kém hấp dẫn (Ảnh: VFC).
Bản thân những lỗi như van truyền dịch hay ly trà gừng không làm thay đổi cốt truyện nhưng lại đủ để khiến người xem mất thiện cảm với Dịu Dàng Màu Nắng. Trong một bộ phim truyền hình dài tập, những chi tiết nhỏ nhưng thiếu thực tế, đặc biệt là liên quan đến kiến thức sức khỏe phổ thông, sẽ dễ dàng bị soi xét và làm suy giảm mức độ tin tưởng của khán giả. Nhất là khi các sai sót đều xoay quanh nhân vật chính đang bị ghét như Xuân, khán giả lại càng khó tính hơn, sẵn sàng "ném đá" ngay cả những tình huống vốn dĩ được dàn dựng để lấy nước mắt.
Điều đáng tiếc là mọi lỗi sai kể trên đều hoàn toàn có thể tránh được nếu ekip làm phim chịu đầu tư thêm một chút công sức trong khâu dựng cảnh, lựa chọn đạo cụ hoặc đơn giản là tham khảo ý kiến chuyên gia y tế trong những cảnh liên quan.
Dịu Dàng Màu Nắng không phải bộ phim đầu tiên và chắc chắn cũng không phải bộ phim cuối cùng của truyền hình Việt mắc lỗi chi tiết. Nhưng trong bối cảnh khán giả ngày càng khó tính, có khả năng tiếp cận và kiểm chứng thông tin chỉ sau vài cú click chuột thì việc để lọt những lỗi sơ đẳng - dù là nhỏ nhất - sẽ làm tổn hại nghiêm trọng đến hình ảnh bộ phim và cả sự chuyên nghiệp của ekip sản xuất.
Từ một tác phẩm nhiều kỳ vọng, Dịu Dàng Màu Nắng đang dần trở thành minh chứng cho sự thiếu đầu tư về tiểu tiết trong phim Việt. Những "hạt sạn" tưởng như nhỏ nhoi lại đủ để khán giả quay lưng, nhất là khi chúng liên tục lặp lại và bị phát hiện bởi chính những người từng đặt niềm tin vào phim.