Độc lạ loài cây càng bị sét đánh càng khỏe, tiêu diệt đối thủ
Trong khi nhiều loài cây nhiệt đới bị sét đánh sẽ chết, cây đậu tonka vẫn sống khỏe và sử dụng cú sốc điện cực mạnh để tiêu diệt đối thủ cạnh tranh và dây leo ký sinh.

Trong rừng mưa ở vùng đất thấp của Panama, một loài cây nhiệt đới ra hoa có thể tiến hóa để sử dụng sét theo hướng có lợi. Theo nghiên cứu công bố trên tạp chí New Phytologist, đậu tonka (Dipteryx oleifera) có thể hưởng lợi từ việc bị sét đánh. Các nhà khoa học phát hiện những cây này không chỉ sống sót khi bị sét đánh mà còn sử dụng các tia sét để làm tổn thương đối thủ cạnh tranh và dây leo ký sinh bám trên thân của chúng. Ảnh: pawopa3336/Getty Images.

"Chúng tôi bắt đầu nghiên cứu này cách đây 10 năm. Rõ ràng, sét giết chết nhiều cây, đặc biệt là cây lớn. Thế nhưng, cây đậu tonka luôn không bị hư hại", trưởng nhóm nghiên cứu Evan Gora, nhà sinh thái học rừng ở Viện nghiên cứu hệ sinh thái Cary, cho biết. Ảnh: Evan Gora.

Trong rừng mưa nhiệt đới, sét là nguyên nhân chính làm nhiều cây chết, đặc biệt đối với những cây to và lâu năm nhất, đóng vai trò chủ chốt trong lưu trữ carbon và hỗ trợ đa dạng sinh thái. Ảnh: Evan Gora.

Sử dụng một hệ thống chế tạo riêng bao gồm cảm biến điện trường và camera để theo dõi sét, nhà sinh thái học rừng Gora và các đồng nghiệp đã nghiên cứu gần 100 lần sét đánh ở Di tích thiên nhiên Barro Colorado tại Panama. Nhóm nghiên cứu cũng phát triển một hệ thống dò độ phân giải cao để theo dõi vị trí chính xác mà tia sét giáng xuống. Bộ ăngten đặt rải khắp miền trung Panama giúp phát hiện sóng vô tuyến từ sét đánh. Ảnh: Evan Gora.

Thông qua phân tích mô hình năng lượng mỗi cảm biến trong hệ thống ghi nhận, các chuyên gia có thể lập lưới tam giác đo đạc tia sét với độ chính xác cao. Khi kết hợp với khảo sát trên mặt đất và ảnh chụp từ drone, nhóm nghiên cứu có thể xác định vùng rừng bị sét đánh và theo dõi tình trạng cây cối theo thời gian. Ảnh: iNaturalist.

Từ đó, nhóm nghiên cứu nhận thấy loài cây đậu tonka khác biệt với nhiều loài thực vật nhiệt đới khác. Đó là loài cây đậu tonka bị hư hỏng rất ít hoặc không tổn thương chút nào sau khi sét đánh trúng. Để hiểu rõ tác động lâu dài của sét đánh lên cây đậu tonka và hàng xóm của chúng, nhóm chuyên gia tiến hành phân tích ghi chép biểu đồ cây trong hàng thập kỷ. Ảnh: iNaturalist.

Theo kết quả phân tích, trung bình, mỗi tia sét giết chết hơn 2 tấn sinh khối cây lân cận và gần 80% cây liana (dây leo ký sinh) bám trên tán cây đậu tonka. Điều này giúp chuyên gia Gora suy đoán điểm mấu chốt phía sau khả năng chịu sét của cây đậu tonka đến từ cấu trúc của chúng. Ảnh: iNaturalist.

Nghiên cứu trước đó chỉ ra đậu tonka là loài cây có độ dẫn điện trong thân cao, cho phép dòng điện chạy xuyên qua mà không tích tụ nhiệt gây hư hỏng, giống như một loại dây điện cách nhiệt tốt. Ảnh: dominicagardens.

Do có xu hướng mọc lớn, cao tới 40m và tồn tại nhiều thập kỷ nên ước tính mỗi cây đậu tonka bị sét đánh ít nhất 5 lần trước khi trưởng thành. Mỗi lần sét đánh lại giúp phát quang dây leo ký sinh và đối thủ của cây đậu tonka, mở ra khoảng rừng giúp cây sinh trưởng. Ảnh: dominicagardens.

Nhóm nghiên cứu ước tính bị sét đánh có thể dẫn tới sản sinh hạt giống trong suốt vòng đời của cây đậu tonka tăng gấp 14 lần, mang lại lợi thế sinh sản cực lớn. Họ sẽ mở rộng nghiên cứu sang những khu rừng khác ở châu Phi và Đông Nam Á nhằm tìm hiểu xem sét có mang lại lợi ích cho các loài cây khác giống cây đậu tonka hay không. Ảnh: inaturalist.
Mời độc giả xem video: Ngắm những loài cây có hình thù kỳ quái đến khó tin.