Đọc là một quá trình
Sau khi tâm sự về việc liệu 'giáo viên Toán có thiếu nguồn tư liệu tham khảo không', tôi nhận được khá nhiều ý kiến phản hồi.
Có người bình luận rằng nhiều tài liệu khó đọc, không phù hợp. Có người inbox nhờ tôi chỉ dẫn cách mua sách. Tôi đã có niềm vui nho nhỏ từ những phản hồi đó.
Nhưng tôi muốn nói thêm rằng: Không phải đọc trực tiếp để lấy thông tin dùng ngay, đọc là một quá trình tích lũy, như là tự ngấm (dù lúc đó chưa hiểu), là một thử thách (như kiểu vì sao phải tập thể dục trong khi mình vẫn khỏe, mình đang lao động toát mồ hôi đây).
Rèn rũa từ thú đọc
Tôi nhớ hồi nhỏ, tôi cặm cụi sưu tầm để đọc những bản cũ của báo Văn nghệ, tạp chí Văn học trẻ. Đến khi theo dõi một cuộc tranh luận giữa 2 nhà phê bình văn học, tôi cảm thấy nuối tiếc khi mình đã không đọc lúc bài nóng hổi hơn. Thế là, tôi dành tiền để đặt báo thường kì. Những lúc đó, bố tôi còn nói: Con đọc có hiểu gì không mà đọc?.
Vì vốn liếng ít ỏi không thể giúp tôi đọc hết những gì người ta nhắc đến trong những dòng tranh luận, và thực tình tôi cũng chẳng mấy hiểu gì. Nhưng cứ đọc, đọc cũng đến hết cả tuổi thanh xuân (bên cạnh sách khoa học tự nhiên, sách toán, sách lịch sử, triết học…).
Vậy thì nó cho tôi điều gì? Chẳng nhiều nhặn gì, là thói quen đọc, biết chút ít gì đó về cách tranh luận, biết chút ít gì đó về những cái gì hay (vì người giỏi hơn đã giới thiệu cho mình qua những trang báo, trang sách ấy), biết sàng lọc, biết cái thú đọc cũng là một thú bên cạnh 4 thứ người xưa nhắc. Nên nếu được chọn mắc phải “thú” gì, thì tôi thấy may cho ai chọn thú đọc.
Hôm trước, VTV1 lại nhắc về chuyện người dân mắc virus tin giả. Tôi biết khó cho nhiều người, vì mắc virus này rất dễ. Vì sao ư? Vì muốn tránh nó thì phải có năng lực sàng lọc tin, cũng là một thành phần của năng lực đọc. Cũng như sức đề kháng ấy. Vì cần luyện tập, cần rèn luyện để dẻo dai. Nhiều người khỏe nhưng sức đề kháng thì chưa chắc tốt. Thế nên nếu nghĩ dài, thì sự học, sự an toàn thông tin phải bắt đầu từ rèn nếp đọc.
Làm thầy phải ham đọc
Cách đây không lâu, tôi có dịp làm việc với nhóm chuyên gia về đánh giá môn học. Tôi có hỏi chuyên gia lĩnh vực giáo dục ngôn ngữ, rằng vì sao gần đây nhiều đề thi ngữ văn khiến dư luận bức xúc vì ngữ liệu không đạt? Họ nói: Chúng tôi cũng khuyến nghị rằng việc lấy ngữ liệu phải chuẩn xác, rõ nguồn uy tín. Tuy nhiên, rất tiếc, một vài người đã không để ý, chỉ bằng cảm xúc, bằng kinh nghiệm cá nhân nên lựa chọn không chuẩn.
Và họ cũng nói, giống như môn Toán, những tư liệu cho nhà trường thuộc về Ngữ văn, Tiếng Việt đang ít được đọc. Không nhiều giáo viên đọc thường xuyên các loại báo như: Thiếu niên Tiền phong, Văn nghệ, Tạp chí Văn học, Tuổi trẻ và Báo GD&TĐ,… chưa nói đến những tác phẩm chuyên sâu khác mà đáng lẽ giáo viên phải đọc (vì thuộc lĩnh vực chuyên môn).
Đến đây tôi lại lấy làm tiếc khi nhớ lại kỉ niệm cách đây đã 4 - 5 năm, khi tôi “huấn luyện phương pháp” cho một giáo viên dạy giỏi văn ở một tỉnh. Chúng tôi nói về tiết dạy “Chữ người tử tù”, sau khi trao đổi, cô ấy nắm tay tôi và nói: Chị lấy làm hối hận vì đã không đọc nhiều hơn về Nguyễn Tuân, về Lịch sử, những phê bình về tác phẩm và những chuyển thể khác như điện ảnh, như sân khấu; trong khi chị không thiếu thốn, chị chưa biết cách.
Ở trên tôi nói về thú, còn bây giờ tôi nói đọc là một trách nhiệm với những ai làm nghề giáo. Những người bạn làm sách của tôi, rồi anh Vũ Trọng Đại cũng nhắc lại cho tôi hôm trò chuyện về chủ đề “Sách tìm gì ở chúng ta” từng nói: Giáo viên Việt Nam ít đọc sách khoa học, kể cả khoa học giáo dục. Trong khi ngay cả kiến thức về nghề cũng đã phát triển, khiến cho cứ 5 năm chúng ta sẽ cảm thấy lạc hậu. Mà thực tế, giáo dục không chỉ là dạy học một môn học nào đó, là quá trình mang thế giới đến cho đứa trẻ một cách chân thực, trong đó có cả cách sống, chân dung của người Thầy…
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/doc-la-mot-qua-trinh-post608590.html