Khi đến nhà một người Mông Cổ ngày đầu năm mới, món đầu tiên họ mời bạn chính là trà sữa. Loại đồ uống này vốn rất phổ biến, được người Mông Cổ uống nhiều trong những ngày đông. Sữa được lấy từ dê, cừu hoặc lạc đà hoặc bò. Vào sáng sớm, người phụ nữ trong nhà pha trà sữa để dâng lên thần linh. Sau đó, cô ấy mới pha cho bố, chồng và con. Ảnh: Discover Mongolia.
Tsagaan Sar hay "Trăng trắng" là ngày đầu tiên trong năm theo lịch Mông Cổ. Đây cũng là Tết Âm lịch của nước này, gần như trùng với Tết Nguyên Đán ở một số nước châu Á như Việt Nam, Trung Quốc, Triều Tiên... Ảnh: Look Mongolia.
Vào ngày này, người Mông Cổ tổ chức nghi thức cúng tế thần Lửa. Nghi thức diễn ra long trọng vì vị thần này có vị trí quan trọng trong tín ngưỡng của họ. Các lễ vật cúng thần gồm thịt dê, khăn hada, mỡ bò, rượu. Người Mông Cổ sẽ châm 9 ngọn đèn nhỏ và đưa tế phẩm vào trong để cúng thần, cầu phúc. Ảnh: Discover Mongolia.
Bánh Ul boov với hình dạng như đế giày là loại đồ ăn không thể thiếu ở Mông Cổ trong dịp Tết. Món bánh ngọt này thường được ghép thành nhiều lớp và có đóng dấu bằng khối gỗ riêng của gia đình. Số lượng lớp trong bánh thể hiện địa vị của gia đình. Vào dịp Tết, người Mông Cổ xếp lớp bánh Ul boov theo số lẻ, tượng trưng cho hạnh phúc, ấm no. Ảnh: Random Times.
Trong 3 ngày Tết, người Mông Cổ chỉ mặc đồ dân tộc và trắng là màu được ưu tiên. Màu này đại diện cho sự thuần khiết, may mắn. Ảnh: Deete.
Vào dịp Tết, gia đình người Mông Cổ sẽ tụ họp ở nhà người lớn tuổi nhất. Khi gặp người gia, họ sẽ chào kiểu zolgokh - một kiểu chào truyền thống. Với kiểu này, người chào sẽ nắm lấy khuỷu tay người đối diện để thể hiện sự đỡ đần, tôn trọng. Ảnh: Go go.
"Chúc đàn cừu béo tốt" là lời chúc mà người Mông Cổ thường dành cho nhau dịp Tết. Lý do là người Mông Cổ nuôi rất nhiều cừu. Loài này được xem trọng vì là nguồn lương thực chính. Ảnh: Medium.
Theo Hoài Anh/ Zing