Đọc lại 'Quân khu Nam Đồng'

Nếu hiểu rộng hơn về thuật ngữ văn học thiếu nhi thì có thể xem Quân khu Nam Đồng là một tài sản của bộ phận văn học này.

Năm 2015, Quân khu Nam đồng ra mắt độc giả và đã thổi không khí lạ lẫm vào văn học thiếu nhi đương đại. Với tư cách là một “tự truyện tập thể” - hình thức mà độc giả nhỏ tuổi đã từng được tiếp xúc với Tuổi thơ dữ dội của Phùng Quán, Bình Ca gây ngạc nhiên bởi lối kể chuyện muôn phần đặc biệt về đoạn đời đáng nhớ nhất trong cuộc đời mỗi người. Bạn đọc tò mò đi tìm chân dung nhà kể chuyện nhưng điều đó không hề dễ dàng. Nhưng, dù cho những thông tin ngoài văn bản về Bình Ca rất đỗi mơ hồ thì nhiều độc giả vẫn tự phác họa Bình Ca từ chính cảm nhận của họ về những gì nhà văn đã thể hiện trong tác phẩm.

Có thể gọi Bình Ca là người kể chuyện thật thà, thẳng thắn. Hồi ức về thời bao cấp gắn với những đứa trẻ ở khu tập thể quân đội Nam Đồng quay về như chưa từng được gạn lọc. Những câu chuyện lớn, nhỏ trong và ngoài không gian học đường của gần nửa thế kỷ trước quay về và gây “sốc” với nhiều người. Đặc biệt, xúc cảm giới tính – một phần sinh động làm nên đời sống tâm hồn trẻ trong những năm 60, 70 đã hiện diện rõ ràng với đầy đủ những biểu cảm của nó. Chủ nhân của tập hợp biểu cảm đa chiều đó là những đứa trẻ khu tập thể quân đội Nam Đồng.

Bình Ca không vì cảm tình vốn có, nên có với các ông bố quân nhân mà tiếp tục biến những “đứa con của lính” thành những hình tượng toàn mỹ. Lần đầu tiên trong văn học nước nhà xuất hiện hình tượng tập thể trẻ con nổi loạn và quậy phá. Tác giả không giấu diếm những góc khuất tâm hồn của tập thể nhí này mà cho độc giả hiểu đó là hệ quả của một giai đoạn lịch sử. Ông nhìn thấy sự mạnh mẽ, tính cộng đồng, tình cảm chân thành của chúng và cũng đồng thời nhìn thấy hiện tượng những đứa trẻ bị lưu ban hoặc làm bạn với nhà tù khi các “ông bố quân nhân” biền biệt chiến trường xa và các bà mẹ phải thức khuya dậy sớm để theo kịp nhịp sống thời bao cấp, để mặc chúng lớn lên bằng cách tự giáo dục.

Men theo con đường của tự truyện, những tình huống thật như bịa đã được nhà văn kể lại. Ký ức trở nên bi hài với bao trò nghịch dại lẫn những “hận thù trẻ thơ”. Với Quân khu Nam Đồng, sự thật của hoài niệm còn nằm ở ngôn ngữ và tâm trạng nhân vật. Nhiều phen độc giả giật mình khi gặp những phát ngôn có khả năng làm mờ tuổi tác và các mối quan hệ của chủ thể giao tiếp.

Bê nguyên giọng điệu lấm láp mùi đời, thiếu sự trong sáng, lễ phép vào trang viết, Bình Ca cho người đọc thấm thía hơn sự vấp váp, trượt ngã của những đứa trẻ quân khu khi những ông bố bà mẹ bận rộn của chúng giao phó nhiệm vụ giáo dục trẻ cho nhà trường nhưng nhà trường thì lại bế tắc trong việc tìm con đường giáo dục phù hợp. Sự phát triển lệch lạc của chúng cũng được hiểu từ vấn đề đó. Như Bình Ca từng tâm sự: “Tôi muốn kể cho mọi người câu chuyện về một giai đoạn có vẻ bị văn chương nước nhà bỏ quên: Tuổi thơ trong các khu gia binh những năm đất nước chưa thống nhất. Và qua đó, tôi muốn chia sẻ với các bạn trẻ ngày nay một điều: Dù các bạn có sống bao lâu đi chăng nữa, hai mươi năm đầu chính là nửa đời tươi đẹp và quan trọng nhất của bạn. Hãy cố gắng sống sao cho vui vẻ, hạnh phúc, và đừng để mình trượt ngã ngay từ vạch xuất phát. Mong các bạn coi câu chuyện của chúng tôi như một sự trải nghiệm, để giúp cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn”.

Quả thực, đến với tác phẩm, bạn đọc đã có một trải nghiệm mới mẻ và thú vị. Bình Ca dõi theo nhân vật trong tính quá trình của đường đời và tâm lý. Hồi ức về khu tập thể quân đội Nam Đồng bắt đầu khi những “cư dân” của khu tập thể đang là những cô cậu học trò lớp tám. Sau những ngày về quê sơ tán để lại một Hà Nội vắng tanh; sau những giờ học và trận đánh sặc mùi “quân khu” với nhiều trò quậy phá; sau những lá thư giả mạo ra đời từ “chiến thuật” yêu đương; sau cả những đêm lạnh nằm trong nhà đá... Hà Tư, Anh Sơn, Giang cận, Việt, Hoàng, Khanh, Ngọc... đã khoác lên người những bộ áo lính, bước chân vào cuộc đời quân ngũ. Một số người khác thay vì nhập ngũ đã vào đại học. Giữa điểm bắt đầu và kết thúc ấy, hoài niệm chảy qua rất nhiều sự kiện, gọi tên những cá tính khác nhau trong một tập thể ngỡ như không còn gì là riêng biệt.

Nhiều người cầm bút lâu năm hẳn sẽ chạnh lòng vì Bình Ca. Chỉ một lần chạm ngõ với văn chương, Trần Hữu Bình đã vững vàng với nhân xưng nhà văn. Tác giả kể rất có duyên về những chuyện rất vụn, rất quen. Đặc biệt là cách Bình Ca viết về vấn đề xúc cảm giới tính trẻ. Viết hay một đề tài vốn vẫn được xem là nhạy cảm đâu phải là chuyện dễ. Thế nhưng Bình Ca dễ dàng làm người đọc cười cùng, thương cùng nhân vật. Chuyện tình yêu của những đứa trẻ làm tiếng cười xôn xao trong tác phẩm. Lần đầu yêu, những đứa trẻ này “lớ ngớ và không biết giữ bí mật”. Có đứa trở thành “kẻ chép bài không công cho bạn gái, biến mình từ đế quốc thành thuộc địa”. Chúng hỗ trợ nhau dàn dựng màn “anh hùng cứu mỹ nhân” để Việt làm quen với Mai Hương, cô gái xinh đẹp và có giọng hát hay. Và đây là mối tình được Bình Ca nhắc đến nhiều nhất trong tự truyện của mình. Đó là mối tình gắn với nhiều lá thư viết hộ, những cái cầm tay và nụ hôn vụng dại, gắn với cả những trận đánh. Nó kéo dài từ những năm ngồi trên ghế nhà trường cho đến lúc Việt cùng một số người bạn của mình khoác lên người bộ áo lính. Bình Ca dành một vài trang viết để nói tới ngày về rợp bóng cờ hoa và cũng vắng bóng nhiều người. Cô thanh niên xung phong Mai Hương không về sau những ngày cất tiếng hát trong trẻo mang niềm vui cho bao người lính, những mong gặp người mình thương ở cuối mỗi con đường. Máu và xương đã hòa vào lòng đất mẹ. Việt đã lặn lội đi tìm và xây cho Mai Hương một ngôi mộ gió. Xúc cảm con trẻ ngày xưa đã vụt lớn theo thời gian. Kiểu yêu phong trào của thời vụng dại đã nhường chỗ cho những sâu lắng thiêng liêng mà Việt nặng gánh mang theo suốt cuộc đời.

Bình Ca kể lại hồi ức không bằng giọng điệu quen thuộc của các tự truyện trước đó. Quân khu Nam Đồng không có chất trữ tình thông thường của những hồi ký được viết khi tác giả ở xa thời thơ dại. Phải tinh ý lắm mới nhận ra tiếng thở dài và cả những thương nhớ, xót xa mà Bình Ca gửi về quá khứ. Giọng điệu chủ âm dễ làm nhiều người khó chịu vì ngỡ nhà văn đang công khai cổ xúy cho những đứa trẻ cá biệt, coi thường kỷ luật, “hỗn xược” với thầy cô, say sưa với chiến tích đánh lộn. Tuy nhiên, nếu như đám thanh thiếu niên khu Nam Đồng “tìm ra phép thắng lợi tinh thần theo kiểu AQ” làm chúng ta không đành lòng ghét thì mấy chục năm sau Bình Ca cũng gây ngạc nhiên về nghệ thuật “vay mượn” diễn ngôn của mình. Ngôn ngữ nhà binh khô khan sóng đôi tồn tại cùng ngôn ngữ bay bổng sướt mướt của văn chương Tự lực văn đoàn cho thấy những trẻ em khu tập thể Nam Đồng không bình yên mà lớn. Không khí tinh thần của thời đại đã đi vào chúng, kể cả trong vô thức. Dòng máu nhà binh chảy tràn trong huyết quản, lặng lẽ điều phối cách sống và cả cách yêu thương. Với riêng Bình Ca, viết Quân khu Nam Đồng ở một điểm lùi khá xa so với bối cảnh trong tác phẩm, hình thức “vay mượn” diễn ngôn đã giúp tác giả vui vẻ “chào quá khứ”. Với văn học thiếu nhi, đấy là một thái độ mới mà cũng phải nhờ độ lùi của thời gian mới đĩnh đạc xuất hiện đầy cá tính trên từng trang viết của Bình Ca. Trải nghiệm sau tuổi hoa niên cho người cầm bút sự trầm tĩnh, thẳng thắn để kể lại chuyện cũ với tâm thế đối thoại lại. Hiện thực được nhìn nhận một cách đa chiều nên nhiều khi trở nên bất ngờ, thú vị.

Có thể nói, Quân khu Nam Đồng vừa là sự cổ vũ, vừa là thách thức cho những người đang và sẽ cầm bút vì trẻ em. Hình thức tự truyện không phải là chiếc áo quá rộng cho các sáng tác thiếu nhi. Sự trân trọng dành cho độc giả nhí không nằm ở việc chăm chăm tô vẽ, ngợi ca hình tượng để nêu gương và cũng không bằng cách viết giản đơn để chiều theo năng lực nhận thức hiện có của trẻ. Quân khu Nam Đồng dù viết về thanh thiếu niên nhưng lại gửi được thông điệp đến với những đối tượng độc giả khác. Cách kể chuyện của Bình Ca cũng giúp tác phẩm đứng vào đội ngũ không nhiều những sáng tác có khả năng “lớn lên cùng với người đọc”. Như một giấc mơ, lần đầu tiên cầm bút, Trần Hữu Bình đã rất thành công. Và thành công lớn nhất chính là tác giả đã rất thủy chung với ký ức, biết nhân danh ký ức mà lên tiếng về một mảng hiện thực bị văn học nước nhà bỏ quên và khái quát lên một thông điệp không bị giới hạn nghĩa: gia đình, nhà trường, xã hội đều phải gánh một phần trách nhiệm trong sự phát triển của trẻ.

NGUYỄN THANH TÂM

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/nghe-doc-xem/item/32926902-doc-lai-%e2%80%9cquan-khu-nam-dong%e2%80%9d.html