Đọc 'Lực lượng võ trang Trảng Bàng 9 năm chống Pháp'
Sách được viết theo thể loại hồi ký do các cựu chiến binh thị xã Trảng Bàng chấp bút, chỉ lưu hành nội bộ, nhưng phải mất 6 năm mới hoàn thành.
Nội dung trong cuốn sách có thể được xem là nguồn sử liệu khá tin cậy, như lời khẳng định của ông Nguyễn Đình Soái- nguyên Bí thư Huyện ủy Trảng Bàng thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp ghi ở những trang đầu: “Là những nhân chứng sống làm ra lịch sử thời đó nhưng không có điều kiện thể hiện lại việc làm của mình một cách chính thức, tôi và nhiều anh em tâm huyết không yên lòng, khi biết rằng tư liệu còn sai sót và người ngoài cuộc được giao cho viết lại lịch sử một cách chung chung. Vậy nên cần thiết phải cho ra quyển hồi ký và những mẩu chuyện người thật, việc thật này. Cũng nhằm để lại cái gì đó đáng tin, đáng trân trọng và đáng suy nghĩ cho thế hệ mai sau”.
Trong hơn 200 trang sách là những mẩu chuyện, tự truyện sinh động của các cựu binh thời chống thực dân Pháp ở Trảng Bàng, như: Nguyễn Đình Soái, Kiều Phan, Lâm Quang Vinh, Trịnh Bá Tùng, Nguyễn Xuân Ngà, Huỳnh Thị Châu, Tô Tín Thiệu, Trần Nam Hùng, Trần Thắng Lợi, Lưu Duy Khánh, Lê Nguyên…
Từ những bài viết của các tác giả trên, thế hệ sau này có thể hiểu được tính chất đặc thù của Lực lượng vũ trang (LLVT) Trảng Bàng thời kháng chiến, đó là: - Từ trong lòng dân, cơm áo do dân lo, vũ khí tự trang bị/ - Đánh nhỏ ăn chắc, không có ngày ngưng tiếng súng, tạo thế chiến trường cho chủ lực cùng địa phương ngày càng đánh thắng lớn hơn.
Đặc biệt, trong hồi ký “Chiếc máy bay bị bắn rơi đầu tiên ở chiến trường miền Đông” của tác giả Trần Thắng Lợi đã mô tả từng chi tiết chiến công bắn rơi một chiếc máy bay trinh sát (thường gọi là máy bay đầm già) của các chiến sĩ LLVT Trảng Bàng tại Bàu Nhái thuộc căn cứ Bời Lời sáng ngày 20.5.1952. Trên xác máy bay ta thu được 1 bản đồ hành quân, 1 súng lục, 1 súng tiểu liên, bên chiến lợi phẩm là xác 2 tên Pháp xâm lược. Có lẽ đây là chiếc máy bay bị bắn rơi đầu tiên trên chiến trường Trảng Bàng, miền Đông Nam bộ.
Thời kháng chiến chống Pháp, ở chiến khu không chỉ có chuyện đấu tranh bằng võ trang súng đạn. Trong hồi ký “Những mẫu chuyện vui buồn thời 9 năm”, tác giả Lê Nguyên đã kể lại nhiều giai thoại vui về việc học tập sinh hoạt chính trị của LLVT Trảng Bàng như “chiếu phim miệng”, “đêm lửa trại và bài nhảy ngựa”, “chuyện con chó tróc”…
Vui nhất có bài “Lớp dạy nhạc, làm thơ, viết bích báo trong rừng Bời Lời”. Chuyện kể vào năm 1950, Phòng Chính trị khu 7 về Bời Lời mở lớp đào tạo bồi dưỡng hạt nhân văn nghệ cho các đơn vị trong tỉnh. Lớp học có 30-40 học viên. Riêng LLVT Trảng Bàng được gửi đến 3 học viên gồm Lê Nguyên, Trần Thanh Tòng, Đặng Thị Hạnh. Phụ trách lớp là các nhạc sĩ Văn Cử, Văn Lương, nhà văn U Đa, nhà thơ Xuân Miễn.
Ở giờ học viết bích báo, học làm thơ thật là khó cho các anh lính nông dân trình độ lớp 3, lớp 4 trường làng. Niêm luật thơ lục bát, thơ ngũ ngôn, thơ song thất lục bát, thơ Đường đều được các thầy tận tình hướng dẫn.
Nhưng kết quả chỉ có thể thơ lục bát là còn ở lại với các học trò, còn các thể thơ khác thì như vịt nghe sấm. Nào là “bằng bằng trắc trắc, trắc trắc bằng bằng” rối tung đầu óc. Bài thơ lục bát khai tâm của chiến sĩ Lê Nguyên thuộc LLVT Trảng Bàng sáng tác nộp cho thầy gồm 4 câu ghép vần tuy ngô nghê trúc trắc mà rất có chất thơ và ý nghĩa như sau: Thái dương rọi sáng khu rừng/ Rọi đi cho sáng nhưng đừng quá nung/ Rọi cho sáng cả lòng trung/ Rọi đi cho đẹp thêm khung cảnh nầy.
Tối 16.8.1954, LLVT Trảng Bàng rời quê hương đi xuống Cao Lãnh (Đồng Tháp) tập kết chuyển quân ra Bắc. Lực lượng tập hợp tại ấp Rỗng Tượng, xã Thanh Phước với trang phục tự chế, nón nan bọc vải kaki kéo cờ đỏ sao vàng ra ngã tư Gia Bình rồi qua cầu Quan để xuống Bàu Trai vào Đồng Tháp Mười. Một số đồng chí ở lại hòa nhập cùng bà con xóm làng bước vào cuộc đấu tranh gay go quyết liệt mới.
Trang cuối của cuốn hồi ký “LLVT Trảng Bàng 9 năm chống Pháp”, tác giả Lê Nguyên viết: “Công lao to lớn trong cuộc kháng chiến trước hết thuộc về dân về Đảng và tiêu biểu là nhiều họ tộc, gia đình, cá nhân, của người bốn phương đến với Trảng Bàng để đổ máu xương, để trở thành người đồng hương Tây Ninh, mà có biết bao người không ai biết rõ quê quán nơi nào?”.
Cuốn hồi ký “LLVT Trảng Bàng 9 năm chống Pháp” là một tư liệu quý. Thiết nghĩ cần được ngành chức năng, các nhà nghiên cứu lịch sử ở Trảng Bàng đầu tư tái bản vì sách in đã lâu nhưng chỉ ghi “lưu hành nội bộ” nên ít bạn đọc biết đến.