Dọc miền Tổ quốc gỡ nút thắt về bảo vệ môi trường
Từ năm 2022, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 chính thức có hiệu lực. Để đưa Luật Bảo vệ môi trường đi vào cuộc sống, nhiều địa phương đã có những cách làm, mô hình điểm hiệu quả để từ đó rút kinh nghiệm nhân rộng, theo hướng phát triển an toàn, bền vững.
Từ khi Luật Bảo vệ môi trường 2020 được Quốc hội thông qua vào ngày 17/11/2020 đến nay, nhiều địa phương đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp bảo vệ môi trường, huy động sự vào cuộc của các cấp chính quyền, người dân và doanh nghiệp, tạo thói quen, ý thức tuân thủ ngay từ trước khi Luật có hiệu lực.
Mỗi ngày, TP.HCM thải ra gần 10.000 tấn rác. Việc phân loại rác tại nguồn không chỉ góp phần giảm lượng rác thải trực tiếp ra môi trường, tận dụng được nguồn tài nguyên rác để tái chế và sản xuất điện năng; đồng thời còn giảm áp lực cho công tác xử lý rác tốn gần 3.000 tỷ đồng của thành phố mỗi năm. Sớm gỡ nút thắt cho phân loại rác tại nguồn, sẽ đỡ được gánh nặng ngàn tỷ cho ngân sách thành phố. Để việc phân loại rác tại nguồn đạt được hiệu quả, cần có sự đầu tư chuẩn hóa hệ thống thu gom rác dân lập vào tận nhà dân để lấy rác.
Nhiều hoạt động dọn rác thải được thanh niên hưởng ứng. (Ảnh minh họa)
Còn tại tỉnh Bình Dương, để giữ vững mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội theo hướng bền vững, tỉnh này luôn xác định quan điểm định hướng phát triển công nghiệp theo hướng bảo vệ môi trường.
Bà Nguyễn Trần Cao Sơn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương cho biết mặc dù Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 từ ngày 1/1/2022 mới có hiệu lực, nhưng ngay từ khi luật được thông qua vào cuối năm 2020, Sở đã chủ động nghiên cứu và rà soát các quy định để tham mưu cho Ủy ban Nhân dân tỉnh thực hiện trước một số công việc và nhiệm vụ để khi luật có hiệu lực là áp dụng được ngay. Theo đó, Bình Dương đã tích cực tuyên truyền phổ biến Luật này, triển khai hướng dẫn các doanh nghiệp và các cán bộ làm công tác môi trường ở cấp xã để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện có.
Để thực hiện nghiêm Luật Bảo vệ môi trường 2020, Nghị định 08/2022 của Chính phủ và Thông tư 02/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tỉnh Phú Thọ đang tích cực rà soát các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất trên địa bàn toàn tỉnh để đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị trong việc chủ động lắp đặt sớm các trạm quan trắc môi trường tự động theo quy định.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Ximăng VICEM Sông Thao cho biết ngay từ khi mới đi vào hoạt động (năm 2009) Công ty đã đầu tư hệ thống xử lý môi trường, đặc biệt là hệ thống đo nồng độ bụi, khí trong dây chuyền và hệ thống giám sát bụi ống khói.
Tháng 4/2019, Công ty đầu tư gần 20 tỷ đồng lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải online và chính thức đấu nối, truyền số liệu về Trạm điều hành quan trắc tự động của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ và Tổng Công ty VICEM để theo dõi từ tháng 9/2019. Tháng 7/2021, Công ty tiếp tục lắp đặt bổ sung đầu đo áp suất tại các ống khói và lắp đặt camera theo dõi hệ thống quan trắc khí thải online, giúp việc giám sát môi trường được minh bạch, khách quan và liên tục.
Những năm gần đây, Đà Nẵng được biết đến là một thành phố văn minh, hiện đại, thân thiện, một điểm du lịch hấp dẫn, môi trường xanh, sạch và đẹp... Góp phần vào thành quả chung đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, Sở Tài Nguyên và Môi trường đã tích cực tuyên truyền, phổ biến kiến thức về bảo vệ môi trường, kỹ năng ứng phó biến đổi khí hậu, đến cán bộ Mặt trận các cấp, các chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo và nhân dân trên địa bàn thành phố.
Duy trì thường xuyên việc vận động nhân dân tham gia phong trào “Ngày chủ nhật xanh – sạch – đẹp”, phong trào “Chống rác thải nhựa”, thực hiện phân loại rác tạo nguồn, bảo vệ nguồn nước, tiết kiệm điện, trồng cây xanh, thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang...
Qua 5 năm thực hiện chương trình phối hợp, với sự tích cực của các tôn giáo, cộng đồng dân cư, cùng sự triển khai đồng bộ của hện thống mặt trận và ngành tài nguyên và môi trường các cấp, chương trình phối hợp đã đạt được những thành tựu trên tất cả các nội dung đã được ký kết. Nhận thức, trách nhiệm và tập quán ứng xử vì môi trường, sống hài hòa với môi trường thiên nhiên trong các cơ sở tôn giáo, vùng đồng bào có đạo và địa bàn các khu dân cư ngày càng được nâng cao..