Đọc nghìn đầu sách, cuốn nào khiến Quốc Bảo thay đổi?

Trò chuyện với VietNamNet, Quốc Bảo nhắc ngay đến quyển The Prophet (Nhà tiên tri) của Kahlil Gibran trong việc hình thành một phần tính cách của mình.

Chia sẻ với VietNamNet, nhạc sĩ Quốc Bảo cho biết từ nhiều năm nay anh về thói quen đọc thường xuyên.

Nhạc sĩ Quốc Bảo.

Nhạc sĩ Quốc Bảo.

Quốc Bảo nhận mình thuộc về nhóm những người đọc nhiều, trung bình 2 cuốn/tuần. "Thói quen đọc của tôi đã hình thành từ lúc tôi mới biết đọc và qua mấy mươi năm sống, chưa bao giờ tôi bỏ đi thói quen này, trừ dạo năm ngoái phải ngừng đọc một tháng do bệnh mắt.

Hồi còn trẻ đọc tiểu thuyết, khi lớn tuổi hơn đọc những sách phi hư cấu: khoa học, tâm lý học và thiền học. Số đầu sách tôi đã từng đọc chắc lên đến con số ngàn", nhạc sĩ cho biết.

Đọc nghìn tựa sách nhưng anh không chọn ra được cuốn nào tâm đắc nhất hay nhì, chỉ nhớ ngẫu nhiên đến một cuốn sách anh thích là City of Thieves của David Benioff. Anh kể, hồi xưa mua quyển này trên trang Amazon, đọc bản tiếng Anh. Sau này, tác phẩm được dịch sang tiếng Việt với nhan đề Thành Phố Trộm.

"Đó là chuyện kể về hai thanh niên Nga trong thời kỳ Leningrad bị phong tỏa, nhận nhiệm vụ vượt tuyến để tìm một tá trứng phục vụ cho tiệc cưới của con gái viên đại tá. Truyện sống động, hấp dẫn, chan chứa tình cảm, thông minh cực kỳ. Benioff là người Mỹ gốc Do Thái và nhân vật chính của ông cũng là Nga - Do Thái, đọc đến đâu hạnh phúc đến đó. Cuốn ấy tôi đọc 3 lần", Quốc Bảo cho biết.

Khi được hỏi rằng, liệu quyển sách nào có thể tác động và thay đổi Quốc Bảo? Nhạc sĩ kể, cách đây 7 năm, trong buổi nói chuyện về việc đọc sách cho một nhóm bạn trẻ, anh đã giới thiệu cuốn The Prophet (tên chuyển ngữ của tác phẩm là Nhà tiên tri - PV) của Kahlil Gibran.

"Đó là cuốn sách gối đầu giường của tôi hồi mới lớn. Những thông điệp siêu hình trong đó hình thành một phần tính cách của tôi. Việc đọc đối với tôi quan trọng vô cùng, không thua ăn uống hít thở. Sách chính là nguồn năng lượng tinh thần vô giá mà tôi không thể thiếu", anh nói thêm.

Hỏi Quốc Bảo về thực trạng sách ngoại lấn lướt sách Việt? Anh cho hay: "Tôi không đọc nhiều sách Việt, thú thật là vậy. Gần đây nhất, tôi chỉ đọc các tập truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư. Tôi hay đọc sách ngoại vì tìm thấy ở đó nguồn năng lượng, như tôi đã nói, lớn hơn".

Thành phố trộm, như Quốc Bảo sơ lược, kể về chuyến phiêu lưu lạ lùng của Lev và Kolya mà trong hành trình ấy, người đọc như nhìn thấy trước mắt mùa đông rét cắt da, giai đoạn mà chiến tranh mang đến hệ lụy kinh hoàng khi người chết chất chồng nhưng không được chôn cất; người sống hoặc chờ chết hoặc phải ăn thịt đồng loại.
Nhưng Thành phố trộm không thuần túy chỉ là bức tranh xám xịt, tang tóc bi thương. Ở bối cảnh quyền sống bị tước đoạt thì Lev và Kolya như đóm sáng le lói - những chàng trai trẻ yêu đời, ham sống và lạc quan, như đại diện cho người dân Nga lúc bấy giờ.

Cuốn Nhà tiên tri dường như không chỉ “gối đầu giường” Quốc Bảo mà còn của rất nhiều thế hệ khi tác phẩm thuộc top bán chạy nhất với 9 triệu bản trong gần 100 năm qua.
Nhà tiên tri kết hợp thơ ca và truyền thuyết thần bí, bao gồm 26 bài giảng về đa dạng các chủ đề như hôn nhân, con cái, cái đẹp, cái thiện, cái ác... của vị “ngôn sứ” trong khi ông chờ đợi để ra khơi về cố hương sau khi trải qua hàng chục năm lưu vong.
Điểm sắc ở chỗ Kahlil Gibran lớn lên trong gia đình Công giáo, tính tôn giáo hiện hữu trong cuốn Nhà tiên tri là rất rõ nhưng ông không đi hẳn theo một tôn giáo nào. Nhà thơ không chấp nhận bất cứ “giáo điều” hoặc “tông phái” cụ thể, chỉ nhận mình người yêu và nhiệt thành với sự sống. Mà ở đó, cuốn sách như sự chọn lọc tinh hoa của Kitô giáo, Do thái giáo và Hồi giáo.

Gia Bảo

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/giai-tri/sach/doc-nghin-dau-sach-cuon-nao-khien-quoc-bao-thay-doi-626066.html