Độc quyền khai thác vHandicap, liên tục tăng trưởng với hệ sinh thái về Golf lớn nhất Việt Nam, nhưng VG Corp lại thua lỗ nhiều năm liên tiếp
vHandicap là phần mềm rất quen thuộc của các Golfer tại Việt Nam, nhưng ít ai biết 'ông chủ' của nó có kết quả kinh doanh thua lỗ trong nhiều năm. Năm 2024, doanh nghiệp đổi tên thành VG Corp với nhiều kỳ vọng, nhưng liệu có thoát được 'dớp': Mở rộng quy mô, nhưng lợi nhuận 'bết bát' và thua lỗ triền miên?
Đổi tên thành VG Corp, đầu tư tiếp quản hệ thống golf công nghệ Hidden Castle Golf Club, đưa cựu Golfer chuyên nghiệp về làm việc liệu có… đổi vận?
Đầu năm 2024, VGS Group (Vietnam Golf Service) tổ chức lễ công bố đổi tên thành VG Corp (Vietnam Golf Corporation), đồng thời đưa ra hàng loạt chiến lược nhằm nâng cao trải nghiệm của cộng đồng Golfer như: cải tiến ứng dụng vHandicap, kết hợp chặt chẽ với Hiệp hội golf Việt Nam (VGA) để triển khai nhiều hoạt động thực tiễn, cải tiến Golfnews trở thành kênh truyền thông đa phương tiện về golf…
Một trong những động thái gây chú ý sau khi đổi tên là vào ngày 2/3/2024, VG Corp công bố thông tin cho biết đã chính thức trở thành chủ đầu tư mới của hệ thống golf công nghệ Hidden Castle Golf Club. Được biết, đây là chuỗi mô hình golf công nghệ thượng lưu, đã có mặt tại nhiều quốc gia Đông Nam Á và đã có mặt tại thị trường Việt Nam từ tháng 2/2023. Tại Việt Nam, Hidden Castle Golf Club tọa lạc tại tầng 2, khu tổ hợp thương mại dịch vụ THISO Mall Sala, số 10 Mai Chí Thọ, phường Thủ Thiêm, TP. Thủ Đức.
Cùng với đó, VG Corp cũng đã mời được cực golfer chuyên nghiệp – Trần Lê Duy Nhất đảm nhận vị trí Giám đốc chiến lược cho tập đoàn. Gofler này được biết đến như là một tay golf hàng đầu, tiêu biểu trong thế hệ của mình. Trần Lê Duy Nhất được coi là người tiên phong mang lá cờ của Việt Nam đến những đấu trường golf quốc tế như Asian Tour hay European Tour. Tiếng vang của anh ngày càng lan xa khi có chiến thắng để đời tại giải Ciputra Golfpreneur Tournament (ADT) 2015.
Việc Trần Lê Duy Nhất trở thành Giám đốc Chiến lược của VG Corp được coi là một trong những hợp tác nổi bật nhất. Với vai trò mới này, Trần Lê Duy Nhất sẽ đồng hành cùng với VG Corp để xây dựng và phát triển các chiến lược nhằm mang đến những giải pháp golf toàn diện cho cộng đồng golf Việt, cũng như các khách hàng của hệ thống golf công nghệ Hidden Castle Golf Club.
VG Corp – doanh nghiệp độc quyền quản lý khai thác vHandicap tại Việt Nam làm ăn thế nào trong những năm qua?
Theo tìm hiểu của báo Nhà báo & Công luận, được thành lập từ năm 2017, VG Corp với tiền thân là VGS Group (Vietnam Golf Services), trải qua nhiều năm hình thành và phát triển, VG Corp kỳ vọng trở thành một trong những tập đoàn hàng đầu chuyên cung cấp các sản phẩm, dịch vụ và giải pháp chuyên biệt về golf đến gần 100.000 golfer trên khắp cả nước.
VGS Group đến nay đã tạo dựng được hệ sinh thái gồm 9 công ty thành viên là VGS Holding, VGS Media, VGS Event, VGS Booking, VGS Sport, VGS Southern, VGS Travel, VGS Shop, VGS Central. Trong hệ sinh thái của VG Corp, CTCP Dịch vụ Golf Việt Nam (VGS Holding) được xem là hạt nhân với vốn điều lệ hơn 50 tỷ đồng.
Doanh nghiệp này vào tháng 4/2023 liên tục được truyền thông nhắc tên khi được chính ông Lê Kiên Thành – Chủ tịch Hiệp hội golf Việt Nam (VGA) khẳng định: VGS Holding độc quyền quản lý khai thác vHandicap tại Việt Nam. Theo đó, VGS Holding chính là đối tác công nghệ duy nhất của VGS tại Việt Nam trong việc vận hành và phát triển hệ thống Handicap Quốc Gia (vHandicap).
Được biết, Vhandicap là ứng dụng tính điểm chấp hợp pháp duy nhất được công nhận tại Việt Nam, được sở hữu bởi VGA và được phát triển bởi VGS Holding với việc liên tục cập nhật ứng dụng những công nghệ tiên tiến nhất nhằm giải quyết hầu hết những vấn đề về handicap thường gặp của golfer. Quan trọng hơn hết, vHandicap được cấp phép bởi Hiệp hội golf Mỹ (USGA). Ứng dụng hiện nay đang sở hữu dữ liệu của hơn 100.000 golfer tại Việt Nam và con số này được dự báo sẽ không ngừng tăng lên trong thời gian tới.
Trước đó vào cuối năm 2021, VGS Holding gây bất ngờ khi công bố thông tin có thêm cổ đông chiến lược là CTCP Tập đoàn Tài chính T99. Sự hợp tác được giới thiệu là nhằm thúc đẩy mở rộng mạng lưới cộng đồng golf Việt Nam, xây dựng và phát triển hệ sinh thái dịch vụ chuyên nghiệp, nhân rộng mô hình tổ hợp dịch vụ golf với các ứng dụng công nghệ cao...
Năm 2021 cũng chứng kiến quy mô của VGS Holding tăng vọt với tổng tài sản tại ngày 31/12/2021 lên đến hơn 98 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với hồi đầu năm. Tổng nợ phải trả của công ty cũng tăng gấp đôi sau 12 tháng, đạt 10,4 tỷ đồng. Trong đó, nợ vay tài chính xấp xỉ 6 tỷ đồng, tăng 2,8 lần sau một năm. Nợ vay tài chính đến cuối năm 2021 chiếm 60% tổng nợ phải trả.
Sang năm 2022, quy mô của VGS Holdings đã chững lại với tổng tài sản chỉ nhích nhẹ lên trên 105 tỷ đồng. Thậm chí, vốn chủ sở hữu của công ty còn giảm xuống dưới 85 tỷ do thua lỗ. Đáng chú ý, 2022 lại là năm công ty ghi nhận doanh thu cao kỷ lục hơn 41 tỷ đồng, gấp 2,5 lần năm 2021. Tuy nhiên, con số trên vẫn không đủ bù đắp giá vốn và chi phí.
Thực tế trong nhiều năm qua, doanh thu của VGS Holdings đã liên tục tăng cùng quá trình mở rộng quy mô nhưng lợi nhuận lại rất “bết bát” với nhiều năm thua lỗ. Sau một năm 2020 bất ngờ có lãi, công ty lại có 2 năm liên tiếp lỗ ròng.
Quy mô liên tục tăng nhưng kết quả kinh doanh của VGS Holding lại không tương xứng. Dù liên tục tăng những năm gần đây nhưng doanh thu của doanh nghiệp này vẫn chưa vượt quá 20 tỷ đồng. Doanh thu không đủ bù đắp chi phí, doanh nghiệp này phải chịu lỗ trong nhiều năm. Sau một năm 2020 bất ngờ có lãi, lợi nhuận ròng năm 2021 của VGS Holding lại quay đầu âm gần 3 tỷ đồng. Kết quả này nâng khoản lỗ lũy kế tính đến cuối năm 2021 lên 4,8 tỷ đồng.
Trong làng golf Việt Nam, VG Corp và Hiệp hội Golf Việt Nam (VGA) được xem là "ông lớn" khi quy tụ thành viên, hội viên đều là các gương mặt tiêu biểu, chơi golf chuyên nghiệp và có tiếng tăm trên thương trường nhiều năm.
Vào tháng 3/2023, VGA và cả VG Corp cùng dính vào bê bối về pháp luật khi một số golfer tham dự giải VGA Union Cup 2023 diễn ra tại sân golf Đầm Vạc (Vĩnh Phúc) đã tổ chức đánh bạc dưới hình thức chơi poker tại phòng khách sạn, và đã bị lực lượng chức năng bắt quả tang.
Hậu quả, cơ quan điều tra đã chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị truy tố 37 người, trong đó 5 bị can về tội tổ chức đánh bạc, 31 bị can về tội đánh bạc và một người đề nghị truy tố cả hai tội danh.
Trong sới bạc khi đó, có hai Phó chủ tịch VGA bị bắt quả tang là Lê Hùng Nam và Trần Thanh Tú, cùng với Đặng Đình Hậu – cựu Thành viên HĐQT của VGS Group.