Đọc sách: Che Guevara - Biểu tượng nhiệt huyết tuổi trẻ

Che Guevara - gương mặt một người đàn ông đội mũ nồi, tóc dài tung bay đã trở thành biểu tượng của vẻ đẹp nam tính, và trên hết là biểu tượng của tinh thần cách mạng.

Ngày nay, ta có thể thấy hình ảnh ấy trên áo phông, trên biểu ngữ, thậm chí trên túi xách hoặc các vật dụng hàng ngày. Che Guevara - nguồn cảm hứng không vơi cạn của tuổi thanh niên có lý tưởng và nhiệt tình đổi mới.

Che Guevara (1928 - 1967) chỉ sống có 39 năm trên đời, nhưng ông đã dọc ngang khắp châu Mỹ Latinh và để lại ảnh hưởng cho phong trào cách mạng trên lục địa này. Năm 1952, ở tuổi hai mươi tư, chàng sinh viên trường y Ernesto đã cùng một người bạn du ngoạn bằng xe máy từ Argentina qua các nước Chile, Peru, Colombia, Venezuela… suốt bảy tháng trời. Sau đó, anh trở về để hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp đại học, rồi năm 1953 lại lên đường đến Bolivia và Guatemala, thậm chí còn tham gia cách mạng ở đó.

Trong thời gian du lịch bụi bằng xe mô tô, chàng Ernesto có ghi lại nhật ký, về sau xuất bản thành tập Nhật ký đi xe máy (Motorcycle Diaries). Rất lâu về sau, đạo diễn người Brazil, Walter Salles, đưa câu chuyện này lên phim. Trong bộ phim năm 2004, ta thấy lại hành trình đầu tiên qua các nước Nam Mỹ của Che. Chàng sinh viên tiếp xúc với những người lao động nghèo, nhất là những thổ dân da đỏ bị áp bức và bắt đầu nhen nhóm tinh thần cách mạng, chống lại bất công. Cùng với người bạn cũng là bác sĩ, Ernesto đã lưu lại nơi sinh sống của người bị bệnh phong ở Peru và khám chữa cho họ. Bản thân chàng sinh viên Ernesto đã mổ khuỷu tay cho một bệnh nhân phong và người này sau mổ đã co duỗi được khớp tay.

Ngay từ thời nhỏ, sống trong một gia đình trung lưu, nhưng Ernesto đã biết cảm thông với người nghèo, thường giúp đỡ bạn bè không may mắn, thậm chí còn đưa bạn nghèo về nhà mình. Về ngành y, chàng sinh viên y có một quan điểm từ bảy mươi năm trước mà trong bối cảnh Việt Nam hiện nay vẫn còn là mục tiêu phấn đấu: “Cần loại bỏ tư tưởng coi y tế là một ngành chỉ để kiếm tiền” (trang 63).

Sau khi tốt nghiệp, trở thành bác sĩ, Ernesto bắt đầu dấn thân vào con đường cách mạng, tham gia nhiều cuộc biểu tình đòi công bằng xã hội. Bị bệnh hen từ thuở bé, căn bệnh hành hạ anh suốt cuộc đời, nhưng cũng làm anh càng thêm quyết tâm rèn luyện thể lực để học, để đi, để làm cách mạng. Anh nhiều lần bị bắt giam, bị theo dõi, truy đuổi. Gặp nhà cách mạng Fidel Castro, anh sát cánh bên Fidel chiến đấu suốt sáu năm trời, lật đổ chính quyền độc tài Batista, lập nên nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên ở châu Mỹ Latinh năm 1959. Giành được chính quyền rồi, Che Guevara trở thành người có quyền lực thứ hai của chính phủ Cuba. Ông giữ những chức vụ quan trọng của nhà nước cách mạng non trẻ như đứng đầu Viện cải cách ruộng đất quốc gia, thống đốc Ngân hàng trung ương, bộ trưởng Nông nghiệp… Nhà nước Cuba thực hiện được những mục tiêu cơ bản của cách mạng: miễn phí giáo dục, mọi chi phí y tế của người dân đều do chính phủ chi trả. Thuộc diện “khai quốc công thần”, nhưng năm 1965, Che bất ngờ xin rút lui khỏi tất cả các chức vụ. “Ông cho rằng chỉ với chiến thắng của cách mạng Cuba thì chưa thể xóa bỏ được mọi mâu thuẫn của xã hội. Do đó Che quyết tâm cống hiến cho những nơi cần có cách mạng và ông tới Congo… Năm 1966 Che Guevara tham gia vào cuộc cách mạng Bolivia. Bolivia ở giữa khu vực Nam Mỹ nên Che nhận định nếu cách mạng ở Bolivia thành công thì cách mạng trên toàn châu Mỹ Latinh sẽ thắng lợi”. Tư duy cách mạng của Che Guevara không giới hạn trong một nước nào mà là toàn lục địa Nam Mỹ, thậm chí vươn xa đến cả Congo ở châu Phi.

Nhưng phong trào cách mạng ở Bolivia sụp đổ vì không được đảng cộng sản ở đó ủng hộ. Các chiến sĩ cách mạng hy sinh rất nhiều, cuối cùng chỉ còn lại mười hai người, bị truy đuổi vào rừng sâu. Cuộc cách mạng của Che Guevara còn dang dở. Ông bị bắt ngày 8.10.1967 và quân chính phủ lập tức thủ tiêu ông ngay ngày hôm sau.

Trước khi rời bỏ các chức vụ quan trọng ở Cuba để ra đi tiếp tục làm cách mạng ở nhiều nơi khác, Che Guevara để lại mấy dòng thư cho các con: “Bố là người đã luôn cố gắng để trung thành với lý tưởng. Bố mong rằng sau này lớn lên các con sẽ là những nhà cách mạng kiệt xuất. Bố cũng mong sao các con lớn lên sẽ luôn ý thức bồi dưỡng trí tuệ để có thể hiểu được những bất công của bất cứ kẻ nào gây nên, ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Bởi đó chính là tư chất tốt đẹp mà người cách mạng phải có” (trang 152).

Bản dịch còn một số hạt sạn:

- Lấy bằng tiến sĩ y khoa (trang 107) - dịch nhầm, lúc này Che mới tốt nghiệp đại học, nên chính xác là anh lấy bằng bác sĩ y khoa.

- Trong 17 năm chịu khổ đau, năm 1989 phong trào dân chủ hóa thành công - chính xác là “Sau 17 năm”.

- Oa (phiên từ âm wow) chuyển tiếng Việt có thể là a, à, ồ, ôi, chà… Còn âm tiếng Việt thì “oa oa” là tiếng khóc của trẻ con.

- Cậu còn biết phản kháng lại những điều bất công - thừa chữ “lại”.

- Che Guevara trở lên rất nổi tiếng (trang 87) - viết đúng là “trở nên rất nổi tiếng”.

- Chúng ta sẽ dành được tự do (trang 131) - đúng chính tả là “giành được”.

- Người dịch và biên tập viên vẫn để người đọc bị vấp với một số phương ngữ: Anh thiệt là (trang 18), thiệt hả? (trang 41), giữ gìn sức khỏe nha (trang 53), ngầu chớ bộ (trang 59), anh đi mạnh giỏi nha (trang 61), không thể chết lãng nhách (trang 139)… Xin nhắc lại: chỉ trừ trong bối cảnh địa phương, còn thì nên sử dụng tiếng Việt phổ thông để người đọc ở nhiều vùng miền có thể tiếp nhận được.

Hồ Anh Thái

------

* Che Guevara - Chuyện kể về danh nhân thế giới, truyện tranh của Hàn Quốc, Nguyễn Thị Hồng Hà dịch, NXB Kim Đồng 2021.

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa/doc-sach-che-guevara-bieu-tuong-nhiet-huyet-tuoi-tre-i298805/