Đọc sách tại mặt trận Điện Biên Phủ được thưởng Huân chương chiến công
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ 4/1954 có một anh bộ đội mới ngoài 20 tuổi, tên là Nguyễn Hữu Tá được bổ sung ngoài Đại đội 670, Tiểu đoàn 428, Trung đoàn 141, Sư đoàn 312. Anh Tá được cấp trên giao vào tổ bắn tỉa. Đại đội của anh có một tủ sách dã chiến bằng ba lô.
Tá thấy trong đó có hai bộ sách mà Tá rất thích và cũng rất cần đọc cho mình và cho đồng đội nghe. Đó là cuốn: “Thượng cam lĩnh” (của Trung Quốc) và cuốn “Ngày và đêm ở Stalingrad” (của Liên Xô) được dịch sang Tiếng Việt. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ có hai cuốn sách đó mà đọc cho bộ đội nghe vào giờ sinh hoạt thì khác gì tiếp thêm tinh thần chiến đấu, hun đúc trí căm thù giặc.
Những lúc im tiếng súng tấn công, hoặc chớp được cơ hội rảnh rỗi, anh Tá lại đọc hai cuốn sách trên. Lạ kỳ cứ mỗi lần đọc sách, nội dung của nó làm cho ý thức, kỷ luật của chiến sĩ như cao hơn. Thấy tác dụng trông thấy của hai cuốn sách, chính trị viên Đại đội 670 cho ý kiến dành thời gian để anh Tá đọc cho cả đại đội nghe, rồi cử Tá sang đọc cho đơn vị bạn…
Nhờ có giọng đọc tốt, lại biết diễn cảm, nên mỗi lần đọc, anh Tá được nhiều người nghe và nhập tâm luôn. Những đêm không có ánh sáng thì Tá “kể” chuyện theo sách. Sau này anh Tá được Chính ủy Sư đoàn khen ngợi. Anh Tá lại có tài bắn tỉa, trong đợt hai tấn công cứ điểm Điện Biên Phủ (4/1954) anh Tá hăng hái chiến đấu và đạt được nhiều chiến công.
Vừa có thành tích trong chiến đấu, vừa có thành tích trong phong trào đọc sách sinh hoạt văn hóa nghệ thuật ở đơn vị, nên sau chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng (7/5/1954), anh Tá được Hồ Chủ tịch tặng thưởng Huân chương chiến công. Mới hay, đọc sách và sử dụng sách có nội dung tốt, đúng lúc, đúng chỗ thì sách cũng trở thành một thứ vũ khí tinh thần lợi hại.