Dốc sức cho cung đường chiến lược phía nam (Tiếp theo và hết) (*)

Bài 2: Tháo gỡ khó khăn, quyết khởi công đúng hẹn

Đường Vành đai 3 có đoạn đi trùng với đường Mỹ Phước-Tân Vạn trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã được xây dựng.

Đường Vành đai 3 có đoạn đi trùng với đường Mỹ Phước-Tân Vạn trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã được xây dựng.

Xác định tầm quan trọng của công trình đường Vành đai 3, trong thời gian qua Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương vùng phạm vi dự án dốc toàn lực, tập trung triển khai công việc liên quan để dự án sớm khởi công theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, khi triển khai, các địa phương gặp không ít khó khăn, vướng mắc, nhiều vấn đề được chủ động, linh hoạt xử lý, song vẫn có một số vấn đề vượt thẩm quyền, phải kiến nghị, xin ý kiến chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ngành hỗ trợ.

Cơ chế gỡ vướng linh hoạt

Đánh giá về tiến độ dự án đường Vành đai 3 qua địa bàn, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Long An, Đặng Hoàng Tuấn cho biết: Dự án đã chậm tiến độ khoảng 2 tháng do Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường. Cùng với đó, nguồn vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho dự án hiện đang khan hiếm, nhất là cát san lấp. Việc triển khai thực hiện hồ sơ thủ tục để khai thác mỏ cát gặp rất nhiều khó khăn do vướng mắc trong quy định của Luật Khoáng sản, Luật Đầu tư và Luật Đất đai.

Bên cạnh đó, việc áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) còn nhiều vướng mắc trong quản lý chi phí và nguồn nhân lực về BIM chưa được đào tạo bài bản để cung cấp kịp thời cho các đơn vị tư vấn, chủ đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước. Tỉnh Long An đã kiến nghị Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (cơ quan đầu mối) tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo lãnh đạo các tỉnh có mỏ vật liệu quan tâm, hỗ trợ, ưu tiên vật liệu cho dự án đường Vành đai 3.

Đồng thời, đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, hướng dẫn triển khai thực hiện hồ sơ thủ tục để chủ động khai thác mỏ vật liệu xây dựng, cung ứng đầy đủ vật liệu đất đắp cho dự án. Tỉnh cũng đề nghị Tổ công tác 276 (Tổ công tác dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 3, Vành đai 4 - thành lập theo Quyết định số 276/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh) trước mắt chưa áp dụng mô hình BIM vào dự án này.

Ngoài ra, yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng tỉnh sớm tham mưu cho tỉnh hướng dẫn giải quyết những vướng mắc liên quan nhà ở, đất ở bị giải tỏa một phần, phần diện tích còn lại không đủ điều kiện để ở theo quy định.

Theo Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh), việc thu thập pháp lý, thông tin thửa đất và hợp đồng giao dịch chuyển nhượng (làm cơ sở thẩm định giá) để thực hiện dự án đang bị chậm so với tiến độ kế hoạch. Nguyên nhân do hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về quản lý đất đai của địa phương bị thiếu, không đáp ứng chính xác thông tin chủ sử dụng đất và các giao dịch thị trường.

Một vướng mắc khác, do đặc thù đường Vành đai 3 đi qua địa bàn thành phố Thủ Đức có 2/3 số lượng hồ sơ là nhà ở, đất ở nên việc thu thập pháp lý, xác minh, xác nhận nguồn gốc mất nhiều thời gian hơn so hồ sơ đất nông nghiệp. Hơn nữa, phần lớn các hộ nhận chuyển nhượng bằng giấy tay không cung cấp được thông tin thời gian sử dụng đất, chỉ có thời gian nhận chuyển nhượng, không kê khai nguồn gốc đất được sử dụng ổn định, liên tục từ năm 1975. Vì thế chính quyền các phường mất rất nhiều thời gian để trích lục tài liệu địa chính liên quan và các giấy tờ khác do người dân cung cấp làm cơ sở pháp lý cho việc xác nhận,...

Mặc dù rất tích cực trong việc thu hồi đất, tỉnh Bình Dương cũng đang gặp phải một số khó khăn nhất định. Cụ thể, tại thành phố Thuận An, đến nay đã kiểm kê được 749/770 trường hợp phải thu hồi, giải phóng mặt bằng cho dự án. Tuy nhiên, việc kiểm kê hiện vướng về pháp lý, nguồn gốc và thời điểm hình thành tài sản.

Riêng đoạn qua phường Bình Chuẩn thuộc thành phố Thuận An hiện có nhiều tài sản của doanh nghiệp như cầu tự hành, trạm xăng dầu, trạm biến thế điện 3 pha, hệ thống điện năng lượng mặt trời, thang máy, trạm cân,… Đây là các thiết bị chuyên dụng cần thuê đơn vị tư vấn thẩm định đơn giá riêng để làm cơ sở áp giá bồi thường hoặc hỗ trợ di dời.

Tháo gỡ vấn đề này, Hội đồng bồi thường đã tổ chức nhiều phiên họp phản biện, góp ý để bảo đảm tính pháp lý, giá bồi thường đất phù hợp với từng khu vực, vị trí và loại đất; phấn đấu hoàn tất chứng thư định giá đất bồi thường trình thẩm định, phê duyệt.

Phấn đấu khởi công đúng kế hoạch

Để tháo gỡ chồng chéo trong quy định của pháp luật về thủ tục cấp giấy phép khai thác vật liệu san lấp, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết cấp giấy phép khai thác vật liệu san lấp phục vụ công trình đường cao tốc bắc-nam phía đông giai đoạn 2021-2025; trong đó, đường Vành đai 3 được áp dụng cơ chế đặc thù này.

Tuy nhiên, quá trình áp dụng tại địa phương vẫn còn một số khó khăn, như: Thành phần hồ sơ cấp giấy phép khai thác vật liệu chưa có quy định rõ có hay không phải thực hiện thủ tục đầu tư, thuê đất, trong khi thời gian khai thác vật liệu san lấp thường theo tiến độ là khoảng 1-2 năm của dự án đường giao thông; việc quy định sau khai thác, diện tích đất được bàn giao về địa phương quản lý chưa tạo sự đồng thuận của người dân. Điều này dẫn đến các nhà thầu trực tiếp không thể thỏa thuận bồi thường với người dân có đất để tổ chức khai thác vật liệu phục vụ dự án.

Theo tính toán của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai, nhu cầu đất đắp cho đường Vành đai 3 qua địa bàn tỉnh khoảng 0,5 triệu mét khối. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh đang triển khai rất nhiều dự án giao thông quan trọng khác, với tổng nhu cầu đất đắp khoảng 20 triệu mét khối. Vấn đề này, cần được Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, hỗ trợ, hướng dẫn để Đồng Nai chủ động nguồn vật liệu san lấp cho dự án đường Vành đai 3, cũng như các dự án cao tốc và dự án khác đang triển khai trên địa bàn.

Liên quan đến nguồn vật liệu phục vụ thi công công trình, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các tỉnh có mỏ vật liệu quan tâm, hỗ trợ, ưu tiên vật liệu cho dự án đường Vành đai 3. Bởi nguồn vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho dự án đang khan hiếm do đồng loạt triển khai nhiều dự án, đặc biệt là cát đắp nền.

Dự án đường Vành đai 3 là công trình trọng điểm quốc gia, do đó, các địa phương mong muốn, những vấn đề vượt thẩm quyền cần được cấp trên giải quyết, hướng dẫn kịp thời để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, hoàn thiện các bước thực hiện dự án. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng cho biết: Đây là dự án đầu tiên được Trung ương giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh là cơ quan chủ quản, vừa tổ chức giải phóng mặt bằng, vừa đầu tư xây dựng. Theo Nghị quyết của Chính phủ, trước ngày 30/6, các địa phương phải bàn giao 70% mặt bằng để tổ chức khởi công.

Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được khẳng định, dự án đường Vành đai 3 là rất quan trọng để các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía nam cất cánh. Vì vậy, ngay từ đầu năm 2023, Thường trực Tỉnh ủy dẫn đoàn đi khảo sát và chỉ đạo các ngành liên quan thực hiện nhanh nhất, sớm nhất có thể theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, phải hoàn thành giải phóng mặt bằng trong quý II/2023, đầu quý III/2023 khởi công để hoàn thiện kết cấu hạ tầng về giao thông đồng bộ, hiện đại phục vụ yêu cầu phát triển của vùng cũng như của tỉnh trong thời gian tới.

Kiểm tra tiến độ thực hiện dự án đường Vành đai 3 qua địa bàn tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi ghi nhận nỗ lực của chính quyền cơ sở trong việc bố trí các khu tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng. Nhấn mạnh phải bảo đảm cho người dân có đất bị thu hồi về chỗ ở, thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ, đồng chí Nguyễn Văn Lợi yêu cầu các đơn vị được giao thực hiện các khu tái định cư chú trọng đầu tư hạ tầng giao thông hoàn chỉnh, kết nối trường học, bệnh viện, chợ… nhằm bảo đảm tốt nhất cho sinh hoạt và đời sống nhân dân.

Cuối tháng 1 vừa qua, khảo sát đường Vành đai 3 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao các tỉnh, thành phố có tuyến đường đi qua đã phối hợp triển khai dự án bước đầu đạt hiệu quả tích cực. Thủ tướng yêu cầu các địa phương phối hợp chặt chẽ, làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, nhất là khâu thiết kế nhằm tránh điều chỉnh về sau; đốc thúc giải phóng nhanh mặt bằng, phấn đấu tháng 6/2023 khởi công dự án và thông xe kỹ thuật toàn tuyến vào tháng 6/2025, hoàn thành toàn bộ dự án trong năm 2026.

Đối với những kiến nghị của Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương có đường Vành đai 3 đi qua, Thủ tướng đồng thuận và giao các bộ, ngành liên quan xem xét, giải quyết theo quy định, trên tinh thần hỗ trợ các địa phương nhằm triển khai dự án đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng.

----------------------------------

(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 22/2/2023.

NHÓM PHÓNG VIÊN THƯỜNG TRÚ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/doc-suc-cho-cung-duong-chien-luoc-phia-nam-tiep-theo-va-het-post739981.html