Dốc sức cứu chữa 4 nạn nhân vụ cháy quán cà phê ở Phạm Văn Đồng
Đến nay, 4 nạn nhân trong vụ cháy ở quận Bắc Từ Liêm đã được đến Trung tâm Hồi sức tích cực và Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai để tiếp tục theo dõi, điều trị, bảo đảm tập trung tối đa chuyên môn, phương tiện điều trị tốt nhất cho người bệnh.
Bệnh viện huy động tổng lực
Khoảng 23 giờ 24 phút ngày 18/12/2024, Bệnh viện E nhận được cuộc gọi từ Trung tâm cấp cứu 115 về vụ cháy tại địa chỉ Phạm Văn Đồng, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Ngay lập tức, Bệnh viện E đã điều động xe cứu thương và đội cấp cứu ngoại viện đến ngay hiện trường vụ cháy. Đồng thời, bệnh viện báo động đỏ toàn đơn vị, tất cả nhân viên trực tại bệnh viện sẵn sàng tập trung cấp cứu cho các nạn nhân được chuyển đến.
Tại Khoa Cấp cứu, bệnh viện bố trí sẵn cơ số giường cấp cứu, hồi sức tích cực, phòng mổ để tiếp nhận khi có nạn nhân được đưa đến. Lãnh đạo các khoa hồi sức, phòng mổ, cấp cứu thông báo tới tất cả các bác sĩ (kể cả không trong tua trực) sẵn sàng khi được huy động.
TS Nguyễn Công Hựu - Giám đốc Bệnh viện E cho biết, có 4 nạn nhân được đưa vào cấp cứu trong tình trạng hoảng loạn, nhiều vết xây xát và bỏng nông ngoài da. Trong đó có 2 trường hợp nữ giới thương tổn nặng được chuyển Khoa Hồi sức tích cực và chống độc điều trị.
Bệnh viện đã báo cáo ngay sự việc và tình trạng các bệnh nhân cho lãnh đạo Bộ Y tế và Cục Quản lý khám chữa bệnh, hội chẩn chuyên gia trong lĩnh vực hồi sức cấp cứu từ các bệnh viện đầu ngành.
Đoàn công tác của Bộ Y tế có Bộ trưởng Đào Hồng Lan, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Hà Anh Đức đã đến bệnh viện trực tiếp thăm hỏi các nạn nhân và gia đình.
Đoàn công tác cũng họp với Ban lãnh đạo và các bác sĩ Bệnh viện E, chuyên gia đến từ Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác, GS Nguyễn Gia Bình - Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và Chống độc Việt Nam để cho hướng điều trị tích cực nhất.
Ban lãnh đạo Bệnh viện E cùng các chuyên gia trong lĩnh vực hồi sức chống độc nhận thấy, do tính chất phức tạp, đặc điểm diễn biến thương tổn của nạn nhân vụ phóng hỏa tiếp tục diễn biến theo chiều hướng bất lợi, có thể xảy ra rất nhanh, đột ngột nên các nạn nhân cần sự theo dõi và phương tiện chuyên sâu đặc thù.
Vì vậy, Ban lãnh đạo Bệnh viện E đã thống nhất chuyển các nạn nhân đến Trung tâm Hồi sức tích cực và Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai để tiếp tục theo dõi, điều trị, bảo đảm tập trung tối đa chuyên môn, phương tiện điều trị tốt nhất cho người bệnh.
Lời kể của nạn nhân đầu tiên được giải cứu
Nhớ lại vụ cháy, anh Nguyễn Văn T., một trong những nạn nhân đầu tiên được giải cứu cho biết, nhóm bạn anh gồm 5 người vừa vào uống nước được khoảng 5 - 10 phút thì nghe thấy tiếng hô hoán có cháy. Theo quan sát, trong quán có khoảng 5 bàn, mỗi bàn chừng 5 người.
Khi thấy lửa bùng lên, khói bao trùm, nhiều người tá hỏa chạy lên tầng 2, tầng 3 của của quán. May mắn, 4 người chạy thoát khỏi đám cháy, được lực lượng cứu hộ đưa ra ngoài và cấp cứu kịp thời.
Có mặt tại bệnh viện lúc nửa đêm, anh Phạm Trung Lập, anh trai của nữ bệnh nhân X. (38 tuổi, quê ở Thanh Hóa) – nhân viên quán karaoke, vẫn chưa hết bàng hoàng khi nghe tin vụ cháy xảy ra tại nơi em gái làm việc.
Anh Lập kể lại 2 giờ sáng 19/12, anh nhận được tin xảy ra hỏa hoạn ở quán hát em gái làm việc. Tức tốc, tất cả người thân chia nhau đến các bệnh viện để tìm kiếm thông tin. Người đến Bệnh viện 19-8, người qua Bệnh viện E. "Khi đến Bệnh viện 19-8, tôi dò từng tên danh sách người gặp nạn. Chỉ khi đọc đến tên cuối cùng tôi mới dám hy vọng em mình vẫn còn sống" - anh Lập chia sẻ.
Anh Lập cho biết, tại Bệnh viện E, đến nơi em gái đã bắt đầu tỉnh và nói khi thấy lửa bùng lên đã chạy lên tầng 3 nên thoát nạn. May mắn em gái anh là nhân viên quán nên thông thuộc, chạy thoát kịp thời. Hiện tình trạng đã ổn, hy vọng sớm bình phục.
Cùng với chị X., ông C. (ở Hà Nội) cũng thoát nạn khi chạy lên tầng 2. Nằm trong phòng cấp cứu, bàn tay ông C. vẫn còn đen ngòm vì ám khói, mắt đỏ ngầu do nhiệt độ nóng của vụ hỏa hoạn gây ra. Rơi những giọt nước mắt đau xót, ông C. không nghĩ, 5 anh em đi cùng với mình, giờ chẳng còn ai. Theo lời ông, tối 18/12, ông cùng 5 người khác đến quán uống nước, xem bóng đá.
“Tôi không nhớ rõ lúc đó khoảng mấy giờ nhưng đang ngồi thì thấy có khói bốc lên. Ngoảnh ra phía sau đã thấy lửa bùng lên. Tôi đứng dậy hô hoán mọi người chạy ngay rồi quan sát xung quanh. Thấy có cầu thang lên tầng hai, tôi liền theo lối cầu thang đi lên, lấy khẩu trang đeo vào. Lúc ấy khói đã bốc lên dữ dội, lửa cháy khắp nơi, tôi chỉ biết chạy lên tầng 2. Khi đến được tầng 2 là tôi lịm dần rồi bất tỉnh. Lúc tỉnh lại đã thấy ở bệnh viện” - ông C. kể.
Bà H. - vợ ông C. xót xa nhìn chồng trên mặt còn nhem nhuốc khói đen nói, trước khi đi ông có dặn đi xem đá bóng ở nhà bên cạnh 22 giờ sẽ về. “Đến gần 2 giờ sáng, nghe có điện thoại lạ gọi có phải người nhà ông C. không, tôi còn tưởng lừa đảo. Khi biết tin ông gặp nạn, tôi rụng rời tay chân. May mắn, giờ ông đã ổn định hơn” - bà H. chia sẻ.
Như Kinh tế & Đô thị đã đưa tin trước đó, đêm 18/12 xảy ra vụ cháy nghiêm trọng tại quán cà phê "Hát cho nhau nghe" ở số 258 Phạm Văn Đồng (phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) khiến 11 người chết, 4 người bị thương được chuyển đến Bệnh viện E.