Dốc sức cứu nạn ở Trà Leng

Sau nhiều ngày mưa liên tục, ngọn núi bên suối Pờ Rành, thôn 1, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam bất ngờ sạt lở khiến 20 người bị vùi lấp. Ngay sau khi nhận được thông tin, Bộ Tư lệnh Quân khu 5, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng đã khẩn trương triển khai công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn. Chấp hành chỉ đạo của Bộ Tư lệnh BĐBP, tổ công tác gồm 6 cán bộ, chiến sĩ của Trường Trung cấp 24 Biên phòng đã tiếp cận hiện trường, quyết tâm khoanh vùng vị trí nghi có người bị vùi lấp, giúp rút ngắn thời gian, công sức công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn.

Lực lực cứu hộ thực hiện nhiệm vụ tại hiện trường. Ảnh: Viết Lam

Lực lực cứu hộ thực hiện nhiệm vụ tại hiện trường. Ảnh: Viết Lam

Nằm bên dòng suối Pờ Rành, các gia đình ở nóc (cụm dân cư) Ông Đề, thôn 1, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My có cuộc sống khá no đủ. Người dân nơi đây chủ yếu sống nhờ vào việc khai thác lâm sản phụ, bảo vệ rừng và trồng quế. Thế nhưng, câu chuyện về các hộ gia đình ở nóc Ông Đề chỉ còn lại qua lời kể của người dân trong vùng. Trận lũ ống, sạt lở đất xảy ra vào chiều ngày 28-10 gần như đã xóa đi tất cả sự tồn tại của cụm dân cư này. Phải mất rất nhiều thời gian đi bộ, cắt rừng, lội suối, lực lượng chức năng mới tiếp cận được hiện trường vụ sạt lở đất. Nóc Ông Đề chỉ còn là khu vực bình địa với đất, đá, gỗ rừng ngổn ngang và tiếng kêu khóc thảm thiết của những người may mắn sống sót, bị thương được đưa ra ngoài.

Tại hiện trường, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị quân đội, công an, các cơ quan chức năng cùng nhân dân địa phương khẩn trương triển khai các biện pháp cứu hộ, tìm kiếm người bị nạn. Lực lượng thực hiện nhiệm vụ đã phải dùng xà beng, máy cưa, máy cắt bê tông... để giải phóng gỗ, bê tông, bùn đất tại hiện trường. Cùng với sức người, các loại máy xúc cỡ lớn cũng được huy động để hỗ trợ công tác cứu hộ.

Đã 2 đêm ròng, anh Cao Viết Lợi, Chỉ huy phó Ban Chỉ huy Quân sự xã Trà Leng có mặt tại hiện trường cùng lực lượng chức năng tìm kiếm những người bị nạn. Đôi mắt thâm quầng, quần áo lấm lem bùn đất, anh có thể chỉ rõ vị trí 11 ngôi nhà, chủ hộ từng ngôi nhà ở cụm dân cư này. “Khi nhận được thông tin, đường từ trung tâm xã ra đây cũng bị chia cắt, chúng tôi cũng phải cắt rừng mới tiếp cận được hiện trường. Trước mắt là cảnh tượng kinh hoàng, toàn bộ 11 ngôi nhà tại đây hoàn toàn bị xóa sổ, san phẳng. Trên núi, đất đá vẫn tiếp tục đẩy xuống. Dù nguy hiểm nhưng khi phát hiện tiếng kêu cứu dưới đống bùn đất, anh em vẫn tìm cách tiếp cận để đưa họ ra ngoài. Chỉ trong đêm 28-10, chúng tôi đã đưa được 5 người bị thương ra ngoài, đến bây giờ vẫn tiếp tục bám trụ ở đây để hỗ trợ lực lượng chức năng tiếp tục tìm kiếm những người còn mất tích” - Anh Lợi chia sẻ.

Thượng tá Hà Ra Diêu, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Nam Trà My là một trong những người đầu tiên từ trung tâm huyện vào tiếp cận được hiện trường vụ sạt lở đất. Tại đây, anh đã chỉ huy lực lượng tại chỗ cứu được 16 người bị thương đưa ra ngoài. Sau đó, Thượng tá Diêu đã đi bộ hơn 3 giờ ngược trở ra để kết nối thông tin liên lạc báo cáo với cấp trên nhanh chóng điều động lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn. “Những ngày qua, do bị ảnh hưởng của cơn bão số 9, trên địa bàn toàn huyện Nam Trà My và Bắc Trà My đều bị mất điện, thông tin liên lạc bị tê liệt, các tuyến đường giao thông bị chia cắt. Khi nhận được thông tin ban đầu, chúng tôi rất lo lắng nên đã thành lập một tổ công tác cắt rừng tiếp cận hiện trường để xác minh thông tin, báo cáo cấp trên và triển khai nhiệm vụ cứu hộ” - Thượng tá Hà Ra Diêu cho biết.

Ngay sau khi nhận được thông tin, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đã thành lập Ban Chỉ huy tiền phương tại huyện Bắc Trà My để chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn. Đồng thời, điều động hơn 400 cán bộ, chiến sĩ hành quân lên đường thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm người dân mất tích, cứu chữa người bị thương. Trực tiếp chỉ đạo tại hiện trường, Thiếu tướng Nguyễn Đình Tiến, Phó Tư lệnh Quân khu 5 khẳng định: “Chúng tôi đang huy động tối đa quân số, phương tiện khẩn trương tìm kiếm người mất tích. Tuy nhiên, diện tích sạt lở lớn, bùn đất sâu nên công tác cứu hộ, tìm kiếm người mất tích gặp nhiều khó khăn”. Không chỉ hiện trường rộng, khu vực Trà Leng cũng đã mưa trở lại, đòi hỏi công tác cứu hộ phải được thực hiện khẩn trương hơn.

Thực hiện mệnh lệnh của cấp trên, Bộ Tư lệnh BĐBP đã điều động cán bộ, huấn luyện viên, chó nghiệp vụ của Trường Trung cấp 24 Biên phòng tiếp cận hiện trường thực hiện nhiệm vụ cứu nạn. Nhận được mệnh lệnh, tối 29-10, tổ công tác do Trung tá Trần Hiệp Sỹ, Cụm trưởng Cụm cơ động chó nghiệp vụ số 4 (đóng tại huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị), Trường Trung cấp 24 Biên phòng đã hành quân vào hiện trường. Trưa ngày 30-10, vừa có mặt tại khu vực sạt lở, huấn luyện viên, chó nghiệp vụ của BĐBP đã nhanh chóng xác định các vị trí nguồn hơi nghi có người bị vùi lấp, giúp lực lượng cứu hộ thu hẹp phạm vi, thời gian tìm kiếm. Quần áo lấm lem bùn đất, Trung úy Nguyễn Đức Vượng, huấn luyện viên chó nghiệp vụ chia sẻ: “Chúng tôi sẽ quyết tâm cao nhất để hỗ trợ lực lượng thực hiện nhiệm vụ, tìm kiếm người mất tích, giảm nỗi đau cho nhân dân”.

Viết Lam

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/doc-suc-cuu-nan-o-tra-leng-post434688.html