Đọc thơ Nguyễn Trãi biết TĨNH YÊN ở đâu ?

Trân trọng giới thiệu tiếp bài viết của Nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục về thơ Nguyễn Trãi

TĨNH YÊN VÃN LẬP

Phiên âm:

Đạm yên sơ vũ vãn mô hồ,

Thủy sắc thiên quang bán hữu vô.

Vạn cổ càn khôn thanh cảnh trí,

Hải sơn vị ngã xuất tân đồ.

Dịch nghĩa:

TĨNH YÊN, CHIỀU ĐỨNG TRÔNG

Khói nhạt mưa nhẹ cảnh chiều bảng lảng,

Sắc nước ánh trời nửa như không nửa như có.

Trời đất muôn thuở cảnh trí vẫn tươi trong,

Biển non vì ta mà bày ra bức tranh mới.

DỊCH THƠ

Chiều buông khói nhạt mưa bay,

Trời in sắc nước, nước say màu trời.

Muôn thu phong cảnh tuyệt vời,

Vì ta, non nước sáng ngời vẻ xuân!

(VŨ BÌNH LỤC dịch)

Tĩnh Yên là một địa danh thuộc châu Yên Bang (An Bang), tức Quảng Yên, Tỉnh Quảng Ninh ngày nay. Thời thuộc Minh, nhà Minh đổi châu Yên Bang làm châu Tĩnh Yên (Tĩnh An). Sách "Thiên hạ quận quốc lợi bệnh thư" chép rõ ràng như thế.

 Tác giả đang ngắm cảnh non nước An Bang !

Tác giả đang ngắm cảnh non nước An Bang !

Tuy nhiên, ông Hoàng Khôi lại chú thích rằng Tĩnh An thuộc Quảng Đông, Trung Quốc. Các nhà nghiên cứu Phan Võ, Lê Thước, Đào Phương Bình không thấy chú thích gì. Sách Nguyễn Trãi toàn tập tân biên theo quan điểm của Hoàng Khôi, nên xếp bài này vào diện tồn nghi. Chúng tôi nhận thấy bài thơ này của Nguyễn Trãi có thể nằm trong chùm thơ ông viết ở An Bang, khi ông được vua Lê Thái Tông giao quản lý quân dân hai đạo vùng Đông Bắc, nên chúng tôi tán thành quan điểm của cụ Đào Duy Anh, cho rằng, đây là bài thơ Nguyễn Trãi viết về vùng đất Quảng Yên (An), Quảng Ninh bây giờ. Thời điểm này, Nguyễn Trãi có một số bài thơ viết về vùng đất này, với một tinh thần sảng khoái, phơi phới tự hào...

Đây là thời kỳ đất nước đã sạch bóng quân xâm lược, còn Nguyễn Trãi thì bị thất sủng. Nhưng khoảng năm 1439 đến tháng tám năm Nhâm Tuất (1442), ông lại được vua Lê Thái Tông mời ra làm quan lần thứ hai, lại được giao thêm vài trọng trách, kiêm nhiệm việc quản lý hai đạo Đông Bắc. Vua Lê Thái Tông đi tuần vùng Đông Bắc, xem duyệt thủy trận ở Chí Linh. Nguyễn Trãi ở Côn Sơn, không rõ ông có đi hộ giá chuyến đi này hay không, nhưng trên đường trở về Thăng Long, nhà vua có ghé thăm Nguyễn Trãi ở Côn Sơn. Những bài thơ như Vân Đồn, Tĩnh Yên vãn lập, Bạch Đằng hải khẩu v.v…Ức Trai viết với một tâm trạng có phần hứng khởi. Vậy bài thơ "Tĩnh Yên chiều đứng trông" có lẽ Nguyễn Trãi viết ở thời điểm ông đang được triều đình giao quản lý quân dân hai đạo vùng Đông Bắc, nên đây là bài thơ được viết vào khoảng từ năm 1440, đến trước tháng 8 năm 1442, trước khi bị cái họa tru di vô cùng thảm khốc ngay sau đó vào ngày 16-8 năm Nhâm Tuất đen tối này chăng?

Hai câu mở đầu đã thấy nhà thơ phác ra cái nền chung của bức tranh vùng biển đảo:

Khói nhạt. mưa nhẹ, cảnh chiều lờ mờ,

Sắc nước, ánh trời nửa không nửa có.

(Đạm yên sơ vũ vãn mô hồ /Thủy sắc thiên quang bán hữu vô)

Phong cảnh An Bang trong một buổi chiều khói nhạt mưa nhẹ, quang cảnh có phần mờ ảo. Cảnh thiên nhiên ở nơi biển núi muôn trùng thường thấy, sắc nước với ánh trời như thể trộn lẫn vào nhau, hòa quyện vào nhau đến độ hư ảo, như thực như mơ, nửa dường như có, nửa dường không, lại dường như có phần yên ả tĩnh lặng.

Hai câu 3 và 4 (chuyển, hợp), thể hiện rõ cái tình của tác giả. Tình ấy là tình cảm thắm thiết với non sông đất nước, là niềm tự hào của thi nhân với đất nước non sông:

Trời đất muôn thuở cảnh trí tươi trong,

Biển non vì ta vẽ bức tranh mới.

(Vạn cổ càn khôn thanh cảnh trí /Hải sơn vị ngã xuất tân đồ)

Đã thấy long lanh niềm tự hào về non sông đất nước tươi đẹp, cùng lịch sử oai hùng của đất nước mấy ngàn năm. Trời đất muôn thủa cảnh trí tươi trong này đây, chính là do bao đời cha ông chúng ta đã đổ biết bao máu xương, ra sức dựng xây và bảo vệ, cho con cháu đến muôn thuở vững bền, trong đó, cũng thấy ánh lên một chút tự hào của tác giả về đóng góp không hề nhỏ của ông, với tư cách là người anh hùng giải phóng dân tộc vĩ đại, trong sự nghiệp vĩ đại, quét sạch giặc ngoại bang ra khỏi bờ cõi. Cho nên, Trời đất muôn thuở cảnh trí tươi trong, không phải chỉ riêng nói về cảnh trí tươi đẹp của Tĩnh Yên, mà còn là, chủ yếu là cảnh trí tươi trong của một đất nước độc lập, sạch bóng quân thù. Niềm vui của người ngắm cảnh, do vậy, không chủ yếu là ở cảnh, mà chính là ở cái tình yêu nồng cháy, niềm tự hào lớn về đất nước độc lập tự do đang dâng lên mãnh liệt, cùng với cảnh trí tươi đẹp của thiên nhiên. Thế nên Tiên sinh mới bảo: “Hải sơn vị ngã xuất tân đồ”. Thiên nhiên biển núi vẽ bức tranh mới này là vì ta, hay là hãy vì ta mà vẽ bức tranh mới (Hải sơn vị ngã xuất tân đồ)? Đó là mong ước, là khát vọng của tác giả, hay là sự ban tặng của thiên nhiên vốn hiểu thấu tấm lòng thi nhân? Thiên nhiên biển núi, hãy vì ta mà vẽ bức tranh mới. Sao vậy? Bức tranh mới có phải chỉ là bức tranh phong cảnh mới không? Có cái ý đó, nhưng không hoàn toàn chỉ có cái ý đó. Bức tranh mới mà nhà thơ vĩ đại mơ ước có được ở đây, chính là bức tranh về một đất nước độc lập, rộng lớn, đẹp tươi, “Vua Nghiêu Thuấn, dân Nghiêu Thuấn / Dường ấy ta đà phỉ sở nguyền” (Thơ Nôm). Nguyễn Trãi vẫn mơ ước một đất nước sẽ mới lên, sáng sủa hơn, tươi đẹp hơn, sau những u ám đen tối vừa trải qua ở chốn cung đình, khiến cho xã tắc nghiêng ngả. Đó mới chính là tình ý chủ đạo ở bài thơ này!...

Tóm lại, ý kiến của ông Hoàng Khôi là sai lầm, nếu đừng ở thời điểm nhà Nguyễn. Nhưng nói vui một tý, ông Hoàng Khôi sẽ đúng, khi nói về vùng đất Quảng Đông, Quảng Tây và quần đảo Hải Nam bên kía, chính là đất đai của nước Nam Việt chúng ta thời Triệu Vũ Đế (Triệu Đà) làm chủ !

Nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/doc-tho-nguyen-trai-biet-tinh-yen-o-dau-a21670.html