Đốc thúc triển khai nhanh dự án điện
Bộ Công thương tổ chức nhiều cuộc họp với các địa phương, bộ, ngành và chủ đầu tư có dự án điện đã được xác định, nhưng tiến độ chậm.
Thu hồi dự án, nếu triển khai chậm
Tại cuộc họp triển khai Chỉ thị 01/CT-TTg về chủ động giải pháp bảo đảm cung ứng đủ điện phục vụ sản xuất - kinh doanh và đời sống nhân dân trong thời gian cao điểm năm 2025 và giai đoạn 2026-2030 (Chỉ thị 01), Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã nhắc tới việc “chủ đầu tư dự án điện nào không thực hiện theo tiến độ cam kết, thì Chính phủ kiên quyết thu hồi”.
Làm rõ hơn các ưu đãi để đẩy nhanh tiến độ các dự án điện gió ngoài khơi, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hoàng Long cho hay, Bộ Công thương sẽ ban hành những cơ chế đột phá, bao gồm sản lượng điện hợp đồng tối thiểu, quy trình lựa chọn nhà đầu tư rút gọn, kể cả quy trình với tập đoàn lớn, trong đó có doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.
Mục tiêu là đạt được công suất 6.000 MW điện gió ngoài khơi như quy hoạch đến năm 2030. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, chỉ những dự án được chấp thuận và chỉ nhà đầu tư hoàn thiện trước ngày 1/1/2031 mới được hưởng các cơ chế ưu đãi đặc biệt.
“Tinh thần là cả điện khí và điện gió ngoài khơi được xem xét cấp phép trong giai đoạn này đều đưa vào vận hành, hòa lưới quốc gia trước ngày 31/12/2030. Nếu không, sẽ mất quyền hưởng các cơ chế ưu đãi và đối mặt với chế tài xử phạt, xử lý trách nhiệm”, Bộ trưởng Bộ Công thương lưu ý các chủ đầu tư.
Bộ trưởng Bộ Công thương cũng yêu cầu chủ đầu tư Dự án điện Nhơn Trạch 3&4 quyết liệt hoàn thành các thủ tục cần thiết, phấn đấu hòa lưới điện, phát điện thương mại trong quý I, chậm nhất là quý II/2025.
Các dự án điện khí LNG khác đã có chủ đầu tư như Hiệp Phước giai đoạn I, Quảng Ninh, Thái Bình, Quảng Trạch 2, Hải Lăng giai đoạn I, BOT Sơn Mỹ I, BOT Sơn Mỹ II, Bạc Liêu, Long An, Ô Môn 1, 2, 3, 4 cũng được Bộ trưởng Bộ Công thương đề nghị phải rất khẩn trương hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư, xây dựng lộ trình cụ thể để triển khai thực hiện, phấn đấu hoàn thành đưa vào vận hành trước năm 2030.
Với 3 dự án điện khí LNG chưa có chủ đầu tư, gồm Thanh Hóa, Nghệ An và Ninh Thuận, các địa phương được yêu cầu phải lựa chọn được nhà đầu tư chậm nhất trong quý I/2025.
Với các dự án của Tập đoàn Công nghiệp năng lượng quốc gia (Petrovietnam), cần căn cứ quy định pháp luật, khẩn trương ký hợp đồng mua bán khí với chủ đầu tư dự án trong chuỗi khí Lô B và phấn đấu hoàn thành các dự án điện khí Ô Môn 3&4 với vai trò là chủ đầu tư.
Phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng được yêu cầu đẩy nhanh tiến độ để đưa các dự án nguồn điện đang triển khai vào sớm so với kế hoạch từ 6 tháng trở lên. Các dự án nguồn khác mà EVN đang triển khai có hợp tác với nước ngoài, nếu nhà đầu tư nước ngoài không thực hiện được, thì EVN rà soát lại năng lực của mình và đề xuất trong tháng 1/2025 để Bộ Công thương báo cáo Chính phủ xem xét giao EVN đầu tư theo quy định về trường hợp đặc biệt trong Luật Điện lực, có hiệu lực từ ngày 1/2/2025.
Chờ làm dự án điện mới
Theo báo cáo tổng kết năm 2024 và triển khai kế hoạch năm 2025 của Công ty Vận hành hệ thống điện và thị trường điện (NSMO), năm 2024, tổng nguồn điện mới toàn quốc hòa lưới là 1.588 MW.
Trong bức tranh chung này, EVN - dù là đơn vị chủ lực lo điện cho nền kinh tế - chỉ đóng góp được 360 MW nguồn điện mới vào vận hành từ Nhà máy Thủy điện Yaly mở rộng.
Danh sách công trình sẽ đóng điện trong năm 2025 của EVN không chỉ ngắn về số lượng, mà còn bé về công suất. Rõ nhất là công trình Thủy điện Hòa Bình mở rộng dự kiến đóng điện vào quý IV/2025, với công suất 480 MW. Còn tổ máy 1 của Nhà máy điện Quảng Trạch 1 với quy mô 1.400 MW dù có mục tiêu hòa lưới vào tháng 9/2025, nhưng vận hành thương mại cả 2 tổ máy được đề ra là trong năm 2026.
Chính vì vậy, EVN đề nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục giao thực hiện các dự án nguồn điện mới để triển khai đầu tư, bao gồm cả việc giao tiếp tục đầu tư Dự án Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận.
Ở khối dự án truyền tải, dù năm 2024, EVN và các đơn vị khởi công 172 dự án lưới điện 110 - 500 kV, đóng điện 216 dự án lưới điện 110 - 500 kV, nhưng quá trình đầu tư vẫn còn nhiều thách thức.
Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) - đơn vị chính trong đầu tư đường truyền tải cấp 220 kV và 500 kV cho hay, số công trình mà EVNNPT khởi công trong năm 2024 thấp, chỉ được 27/40 công trình, bằng 67,5% kế hoạch được EVN giao. Số công trình đóng điện năm 2024 cũng chỉ đạt 49/76 công trình, bằng 64,5% so với kế hoạch giao.
Nguyên nhân chậm trễ cũng được liệt kê không ít. Về mặt cơ chế, các dự án lưới điện 220 kV, 500 kV dù đã có trong quy hoạch cấp quốc gia (Quy hoạch Điện VIII), nhưng không xác định chính xác vị trí xây dựng, diện tích đất sử dụng, nên khi đưa vào quy hoạch, các tỉnh chỉ đưa danh mục hoặc xác định vị trí có thể chưa phù hợp với yêu cầu về quy mô, xuất tuyến các đường dây của dự án.
Vì vậy, UBND các tỉnh đã không đồng ý chấp thuận chủ trương đầu tư rất nhiều dự án, với lý do dự án chưa phù hợp quy hoạch tỉnh, chưa phù hợp với quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch đô thị và quy hoạch sử dụng đất cấp huyện…
Ngoài ra, với các dự án đường dây 220 kV, 500 kV đi qua địa bàn 2 tỉnh trở lên, thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư là Thủ tướng Chính phủ, nên cần trình nhiều bộ, ngành, địa phương để lấy ý kiến, dẫn đến kéo dài thời gian phê duyệt chủ trương đầu tư.
Với thực tế đó, sẽ còn cần rất nhiều nỗ lực từ cả các bộ, ngành, địa phương, lẫn doanh nghiệp để có thêm nhiều dự án điện mới đi vào vận hành.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/doc-thuc-trien-khai-nhanh-du-an-dien-d240140.html