Đọc 'Tiếng lòng nơi đầu sóng'- tập 'thơ và lời bình' của Nhà văn Nguyễn Thị Thiện
Nhà PBVH Nguyễn Thị Thiện vừa ra mắt một tập sách giới thiệu thơ và lời bình mang tên TIẾNG LÒNG NƠI ĐẦU SÓNG. Sách ra mắt độc giả vào những ngày hè nóng bỏng năm 2023. Chị viết cảm nhận và lời bình từ 32 bài thơ được chị chọn từ 32 gương mặt thơ mang cảm thức Biển Đảo và tình yêu Tổ quốc. Được biết, chị là một nhà giáo dạy văn yêu nghề đã đến với văn chương chuyên nghiệp chưa lâu.
Bằng đam mê và nhiều nỗ lực, cái tên Nguyễn Thị Thiện đã được nhiều người biết đến trên văn đàn trong mấy năm gần đây. Với một loạt cuốn sách bình thơ, tiểu luận PBVH, chỉ trongkhoảng 5 năm gần đây, Nguyễn Thị Thiện đã cho bạn bè thấy một gương mặt mới trong việc bình thơ, thẩm định tác phẩm văn học và viết PBVH vững vàng qua 9 tập sách riêng.
Tiếp nối tập sách “Nơi biên cương Tổ quốc”- thơ và lời bình, chị viết về chủ đề biên giới, biên cương năm 2022, năm 2023 chị tiếp tục cho ra mắt độc giả tập sách “TIẾNG LÒNG NƠI ĐẦU SÓNG”- NXB QĐND tháng 7/2023. Được biết, thạc sĩ Nguyễn Thị Thiện - hội viên Hội Nhà văn Hà Nội từng là giáo viên dạy học môn Văn, chị nguyên là Phó hiệu trưởng trường THPT Thạch Thất - Hà Nội.Là người đam mê viết và viết rất khỏe, chị đi, đọc và viết khá nhiều và cũng thuộc loại sung sức. Đó là điều thật đáng quý của một cô giáo, một nhà văn. Nguyễn Thị Thiện tỏ ra thuần thục với việc bình giảng thơ.
1/ Nguyễn Thị Thiện - Người bình thơ khá thuần thục và luôn có ý thức tìm tòi trong việc viết sách theo từng chủ đề.
Đó là điều không nhiều người làm được. Chị yêu thích việc bình thơ từ ngày còn là cô giáo dạy văn và đã rất ý thức khi lựa chọn chủ đề, sắp xếp các bài viết đi theo hướng của chủ đề đã chọn và phát triển các bài viết logic. Tôi cho rằng, đó là một cách đi khôn ngoan, phù hợp với một cây viết là nhà giáo và giúp chị viết tập trung hơn vào mục tiêu chính, tránh sự dàn trải. Việc lựa chọn và tìm kiếm các tác giả, tác phẩm theo chủ đề cũng không dễ. Đòi hỏi nhà PBVH phải có con mắt xanh và kiến văn rộng. Chọn trúng và bình trúng vấn đề với nhu cầu đọc ngày nay của độc giả là rất khó. Đôi khi cách lựa chọn này cũng gây khó cho chính người viết. Bởi nó thách thức, cần đọc nhiều, tra cứu nhiều và hiểu biết rộng, nếu không sẽ dễ bị lẫn lộn trong thời đại văn học mạng và công nghệ đang phát triển như vũ bão.
Nếu như “Nơi biên cương Tổ quốc” bao gồm 32 bài thơ hay cho thấy vẻ đẹp thiêng liêng về chủ đề biên giới và người lính, thì sang “Tiếng lòng nơi đầu sóng”, tác giả đã có những lời bình và phân tích xác đáng để dẫn dắt độc giả hiểu hơn về những giai đoạn lịch sử đấy máu xương và nước mắt của việc gìn giữ “cột mốc” biển đảo Việt Nam. Đó là những sự hy sinh lớn lao, là cái giá không thể đo đếm mà những người lính, đất nước ta và dân tộc ta phải hy sinh để gìn giữ hòa bình và chủ quyền đất nước. Biết bao hy sinh và máu xương đã đổ xuống cho Tổ quốc, để giữ vững chủ quyền, tự do và độc lập. Tác giả Nguyễn Thị Thiện đã lựa chọn được các bài thơ khá tiêu biểu cho mỗi giai đoạn, mỗi thế hệ, mỗi vùng đất và 32 gương mặt thơ ấy đã ít nhiều gây ấn tượng cho người đọc. Chị đã cần mẫn làm việc, tựa như một “nông phu”khi miệt mài trên cánh đồng chữ nghĩa của riêng mình.
Nếu “Nơi biên cương Tổ quốc” nhắc nhở mỗi người không khi nào được buông lơi việc giữ gìn và bảo vệ vùng biên cương- Nơi phên giậu của Tổ quốc, thì “Tiếng lòng nơi đầu sóng”cho thấy từng gương mặt thơ, tiêu biểu cho cả một thời đại, lên tiếng mạnh mẽ về việc gìn giữ chủ quyền biển đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Lòng tham và bản chất của những kẻ xâm lược, muốn chiếm đoạt đất đai, vùng trời, vùng biển và xâm phạm lãnh thổ của đất nước ta dường như không bao giờ chấm dứt. Tội ác của kẻ đi xâm lược là không thể dung tha. Lòng yêu nước, tinh thần kiên trinh, bất khuất và ý chí chống xâm lược của nhân dân ta qua bao thế hệ là những trang sử đầy hào hùng, cả máu và nước mắt.
Biên giới, Hải đảo, biển khơi và chủ quyền lãnh thổ Việt Nam luôn là mối quan tâm đặc biệt hàng đầu của mỗi người dân yêu nước. Suốt nhiều năm qua, việc đấu tranh, giữ gìn chủ quyền biển đảo, đặc biệt là về hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa được coi là nhiệm vụ lịch sử mang tính chiến lược, luôn nóng bỏng, đó là nhiệm vụ lâu dài của toàn Đảng, toàn dân ta. Việc tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước và gìn giữ chủ quyền biển đảo được thực hiện một cách mạnh mẽ, khéo léo, bài bản, sâu sắc. Việc tác giả truyền cảm hứng yêu nước thông qua các tác phẩm văn học nghệ thuật là vô cùng hiệu quả và ý nghĩa. Đã có khá nhiều tác phẩm văn học hay về chủ đề trê, được độc giả cả nước đón nhận và được đông đảo bạn đọc yêu mến. Đó cũng là một cách thiết thực để truyền cảm hứng về lòng yêu nước và ý thức giữ gìn biển đảo quê hương một cách nhanh nhạy và hiệu quả.
2/ Nguyễn Thị Thiện - cây viết luôn nỗ lực cống hiến và nhiệt huyết với văn chương.
Chị chịu ảnh hưởng khá nhiều về tác phong một nhà giáo dạy văn khi chuyển sang viết phê bình. Không khó để nhận ra điều đó khi đọc những bài viết PBVH của chị. Ở đó, con người chị, tâm hồn chị hiện lên với sự nhân hậu, thiện lương, giản dị. Chị viết một cách say sưa, chỉnh chu, như thể chị đang giảng bài cho học sinh của mình. Chị thể hiện một cách nghĩ, lối cảm nhận dễ hiểu, nền nã, trong sáng, tuần tự, bài bản, sâu sắc. Đó là sự diễn giải cụ thể, trong sáng nhưng ít tính triết luận, thiếu vắng sự đa tầng, cách viết ẩn dụ, sâu xa. Chị tỏ ra là người có kiến văn sâu rộng, chịu đọc và khiêm tốn học hỏi. Văn chị trong sáng, luôn giữ cái nhìn nhân ái và tình yêu thương, chân thành với con người.
Đặc biệt trong cuốn sách này luôn đề cao tình yêu Tổ quốc, lòng tự hào dân tộc và ý thức gìn giữ chủ quyền đất nước. Những vấn đề nhức nhối, thiêng liêng và máu thịt. Bằng con mắt soi chiếu, chị đã phân tích, diễn giải những cảm nhận cụ thể của mình qua mỗi bài thơ viết về biển đảo và chủ quyền đất nước một cách dễ hiểu, dễ cảm thụ. Ngay từ bài thơ mở đầu cuốn sách, đó là bài bình “Phú sông Bạch Đằng” của Trương Hán Siêu. Chị đã đặt cái tít, BỞI ĐÂU ĐỨC HIẾM, CỐT MÌNH ĐỨC CAO. Chị giải thích về Phú - là một thể văn cổ có vần hoặc xen lẫn văn vần và văn xuôi. Tiếp theo là bài thơ CỬA BIỂN BẠCH ĐẰNG của Nguyễn Trãi- một áng thơ thuộc loại tuyệt bút trong tập “Ức trai thi tập”khi tác giả ca ngợi vẻ đẹp hùng vĩ nơi cửa biển với nhiều suy tư, bâng khuâng, hoài niệm.Qua những trang viết chỉnh chu, chuẩn mực, nhà giáo Nguyễn Thị Thiện đã bình giải kỹ lưỡng và phân tích nội dung tư tưởng và nghệ thuật của bài Phú Sông Bạch Đằng bằng nhiều điển cố. Qua đó, người đọc như chúng ta hiểu hơn cái hay, cái đẹp và sự tài hoa trong bài Phú của Trương Hán Siêu. Đặc biệt, chị đề cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc và tinh thần đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Từ những gương mặt thơ đó, độc giả được truyền cảm hứng, xúc động hơn về lòng yêu nước, ý chí quyết tâm đánh giặc và hiểu hơn sự tài tình của những vị anh hùng nhà Trần, đó là Trần Thái Tông và Trần Nhân Tông qua những vần thơ hào sảng. Tôi thiển nghĩ, nếu không được nghe bình giảng, phân tích kỹ lưỡng, học sinh khó có thể nắm bắt và hiểu sâu về vẻ đẹp của bài Phú trên.
3/ TIẾNG LÒNG NƠI ĐẦU SÓNG- Là sự đồng sáng tạo cùng độc giả khi tác giả biết khơi lên cảm hứng dạt dào về biển đảo và tình yêu Tổ quốc.
Trong mạch cảm hứng về biển đảo và tình yêu Tổ quốc, người ta không thể không nhắc tới hai bài thơ “Tổ quốc nhìn từ biển” của Nguyễn Việt Chiến và “Tổ quốc tôi và ba ngàn cây số biển” của Nguyễn Ngọc Phú. Hai bài thơ nổi tiếngvề biển đảo và mang hơi thở thời đại. Đó là hai giọng thơ đầy hào sảng, sâu lắng và vang vọng những khúc tráng ca về hình tượng Tổ quốc Việt Nam- Nếu Tổ quốc đang bão dông từ biển/ Có một phần máu thịt ở Hoàng Sa. / Ngàn năm trước, con theo cha xuống biển/ Mẹ lên rừng thương nhớ mãi Trường Sa”. Và “Hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất/ Dáng con tầu vẫn hướng mãi ra khơi”. Nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú, một người con của biển đã viết rất hay về biển đảo: “Đất nước tôi ba ngàn cây số biển/ Nhấp nhô ba nghìn đảo nhỏ, đảo to/ Cỏ ở đây ánh màu sản hô đỏ/ Biển chỉ xanh ở chỗ xa bờ”. Và tôi thấy đồng cảm với chị hơn về sự lựa chọn này. Tôi thấy thú vị với những câu thơ giàu liên tưởng của Nguyễn Ngọc Phú: “Các anh là mảnh vỡ của trăng, phập phồng mang cá/ là muối phù sa, mặn gỗ thớ thuyền/ là ánh ngọc trai, ngậm quanh hạt cát/ Vân nổi, vân chìm, không xước nổi lung linh”. Tiếc rằng, phần này không thấy tác giả cuốn sách đề cập và phân tích.
Ngoài ra, một vẻ đẹp khác của đảo Trường Sa cũng được nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại khắc họa sống động trong bài “Ăn Tết ở Trường Sa”- Sắc Xuân chỉ có trong lòng kính/ Mỗi đứa tranh ngẫu vẽ một màu”…Tác giả Nguyễn Thị Thiện đã có con mắt xanh khi lựa chọn và phân tích thơ của những tác giả khá tên tuổi này. Bài thơ “Thao thức Trường Sa” của Nguyễn Thế Kỷ sau chuyến đi Trường Sa đã gây ấn tượng mạnh khi “Bao xương máu đắp hình hài Tổ quốc/ Áp cờ đỏ lên tim, mắt bỗng lệ nhòa”. Nhà thơ lâng lâng cảm xúc yêu nước và lòng tự hào dân tộc:” Trước Trường Sa thấy mình bé nhỏ/ Tựa cột mốc chủ quyền thêm vững lòng hơn/ Ngắm rặng mồng tơi, nghe gà cục tác/ Tổ quốc giữa trùng khơi, sinh nở, trường tồn”.
4/ Sự đồng cảm và tình cảm yêu mến mảng Thơ tình về biển đảo.
Tác giả Nguyễn Thị Thiện đã lựa chọn những bài thơ tình về biển của các nữ sĩ tên tuổi. Điều đặc biệt, bài” Thơ viết ở biển” khá hay của Hữu Thỉnh đã được phổ nhạc thành ca khúc nổi tiếng. Bài thơ Mộ Gió của Trịnh Công Lộc là tiếng lòng xa xót, đớn đau trước sự hy sinh của các chiến sĩ nơi biển đảo. “Mộ gió đây, đất thành xương cốt/ Cứ gọi lên là rõ hình hài/ Mộ gió đây, cát vun thành da thịt/ mịn màng đi, dìu dặt bên trời / Mộ gió đây, giăng từng hàng, từng lớp / vẫn hùng binh giữa biển đảo, xa khơi”. Từ đó ca ngợi lòng yêu nước, những giá trị, sự hy sinh lớn lao của những người con với Tổ quốc mình. Đó là những lựa chọn hay và khá tiêu biểu những gương mặt thơ nữ về chủ đề này. Nhà thơ Hữu Thỉnh được độc giả yêu mến hơn cũng vì:” Biển vẫn thấy mình dài rộng thế / Vắng cánh buồm một chút đã cô đơn”… Tác giả đã chỉ ra sự tài tình của Hữu Thỉnh, Xuân Quỳnh, khi mượn ngoại cảnh để bày tỏ nỗi lòng, khi các nhà thơ đã dâng cho đời những câu thơ hay, giàu liên tưởng. bài thơ “Thơ tình người lính biển”của Trần Đăng Khoa
Bài thơ “Biển đêm”của Nguyễn Thị Hồng Ngát “Muôn năm một mình thắp sáng một tình yêu”hay biển của Lâm Thị Mỹ Dạ - “Những cái gì dễ dãi/ Có bao giờ bền lâu”, bài “Gửi tình yêu”của Đoàn Thị Lam Luyến “Em trao cả cho anh/ một tình yêu cháy bỏng/ Như một cánh buồm xinh/ Hiến mình cho biển rộng”. Cho đến “Thuyền và biển” đặc sắc của nữ sĩ Xuân Quỳnh - “Nếu phải cách xa anh/ Em chỉ còn bão tố”. Nữ nhà thơ Nguyễn Thị Mai lại có giọng thơ giản dị, nữ tính trong bài “Mang quê ra đảo”, tên một tập thơ về biển đảo của chị, những mong sao “Để quê gần lại Trương Sa/ Để ngàn dặm biển chỉ là tấc gang”. Và giọng thơ nữ thiết tha hơn “Mang quê ra đảo Trường Sa/ Để anh được trở về nhà với quê”!
Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn - người nổi tiếng với bài thơ Hương Thầm trong câu chuyện lãng mạn khi tiễn người em trai ra trận từ ngày xưa. Nay chị góp bài thơ “Lính Hải quân “với cảm xúc yêu thương dâng trào mà nghe vẫn thật chân thành, giản dị: Tác giả Lê Tú Lệ với bài thơ “Những bà mẹ Gạc Ma” lại là nỗi đau đớn của những bà mẹ mất con, khi thân xác họ đã tan vào sóng biển: Phải thế chăng mà sự xúc động và nỗi đau của người mẹ đã được nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn hóa thân vào ca khúc cùng tên. Thật tiếc, còn khá nhiều gương mặt thơ nữ Việt Nam đương đại đã viết thơ tình về chủ đề biển đảo rất ấn tượng, họ đã từng được giới thiệu khi đăng tải nhiều trên báo chí, trong những ngày nóng bỏng vì Hoàng Sa, Trường Sa như các tác giả Trần Mai Hường, Phạm Phương Thảo, Huệ Triệu, Vũ Thanh Hoa, Trần Thị Nương… Họ đã không được tác giả cuốn sách đề cập đến.
5/ Mảng thơ cho thiếu nhi về chủ đề biển đảo còn khá thưa vắng.
Thơ viết cho Thiếu nhi hiện nay đang được nhiều độc giả và Hội Nhà văn Việt Nam cùng nhiều nhà thơ rất quan tâm. Tiếc rằng, tác giả mới giới thiệu vẻn vẹn hai gương mặt, hai bài thơ “Nhớ con “của Nguyễn Văn Hoa và “Chú Hải quân” của Hoài Khánh khi viết cho thiếu nhi. “Ba ở phía chân trời/ Nơi ì ầm sóng vỗ/ Cánh Hải Âu vẫy gió/ Nỗi nhớ thành mênh mông “. Rồi người cha mượn thơ để bày tỏ nỗi lòng với con mình: “Đêm nay ngoài đảo vắng/ Ba đứng gác dưới trăng/ Để lòng như con sóng/ Nghiêng nhớ về bên con”. Bức tranh vẽ nên hình tượng một người cha chiến sĩ ngoài đảo xa gây xúc động tâm can độc giả. Hình ảnh chú Hải quân trong thơ Hoài Khánh hiện lên thật đẹp: “Vững vàng trên đảo nhỏ/ Bồng súng gác biển trời/ Áo bạc màu nắng gió/ Chú mỉm cười rất tươi”. Những câu thơ đầy trìu mến và mang đậm tình yêu trẻ thơ. Bài thơ giản dị, trong sáng đã được đưa vào sách giáo khoa Tiếng Việt lớp ba như một sự khẳng định vẻ đẹp của người lính Hải quân.
Ngay trẻ em cũng đã được người lớn tuyên truyền và giáo dục lòng yêu nước, ý thức gìn giữ chủ quyền biển đảo và biên cương Tổ quốc. Chúng ta, hay nhiều phụ huynh từng biết đến một cuốn sách khá hay mang tựa đề: “Tổ quốc nơi đầu sóng” của Nhà xuất bản Kim Đồng dành cho học sinh phổ thông về chủ đề này và còn nhiều cuốn sách hay khác nữa về biển đảo. Sách đã mang đến những hiểu biết và kiến thức cần thiết về mọi mặt đời sống và khơi dậy lòng yêu nước, tự cường và ý thức gìn giữ, bảo vệ chủ quyền biên cương, hải đảocủa người Việt Nam. Tiếp nối mạch cảm xúc ấy, tập thơ và lời bình của nhà PBVH Nguyễn Thị Thiện là những trang viết, lời bình trang trọng, ý nghĩa và sâu sắc về 32 bài thơ khi họ viết về chủ đề trên qua các thời kỳ lịch sử. Tác giả đã có chủ ý khi sắp xếp các bài viết của mình theo từng chủ đề mà chị yêu thích và nghiên cứu cho nhiều lứa tuổi. Mong rằng mảng thơ cho Thiếu nhi nói chung và chủ đề biển đảo nói riêng sẽ được cân nhắc và đưa vào cuốn sách một cách thích đáng.
MỘT VÀI Ý KIẾN GÓP Ý CÙNG TÁC GIẢ:
Đây là chủ đề nóng bỏng, mang tính thời sự về biên cương, biển đảo nên được đông đảo nhà thơ chuyên và không chuyên sáng tác và quan tâm. Tác giả dù rất nỗ lực nhưng khó có thể bao quát hết các tác giả đương đại khi viết về chủ đề biển đảo hiện nay. Bởi ngoài những tác giả có mặt trong cuốn sách, chúng ta không thể không nhắc đến một loạt tác giả khá tên tuổi thời chống Mỹ như: Thanh Thảo, Nguyễn Khoa Điềm, Nguyễn Trọng Tạo, Thụy Kha, Nguyễn Hữu Quý… mà tên tuổi họ đã gắn liền với những giai đoạn lịch sử hào hùng qua những trường ca nổi như cồn. Thơ và lời bình trong tập không nhắc đến họ, cũng là một khuyết thiếu. Dẫu tác giả Nguyễn Thị Thiện chỉ có ý định tập trung giới thiệu về 32 bài thơ về chủ đề này thì như thế vẫn là chưa đủ. Không chỉ là các nhà thơ tên tuổi, còn nhiều tác giả đương đại khác đã viết nên nhiều bài thơ hay về chủ đề này. Ai đó từng nói rằng Việt Nam là cường quốc thơ cũng rất đúng. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng viết: “Ngày trước, ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay, ta có ngày, có trời, có biển, bờ biển ta dài, tươi đẹp, chúng ta phải biết giữ gìn lấy nó”.
Hơn nữa, cần có thêm những bài bình thơ giàu tính nghệ thuật, mang tính triết luận, thậm chí cần hiểu thơ đa tầng, đa nghĩa hơn để theo kịp sự chuyển động phong phú của thi ca thời đại 4.0. Việc lựa chọn những gương mặt thơ viết về biển đảo và chủ quyền đất nước để đưa vào tập sách cũng là một thách thức với tác giả. Bởi ngày càng có nhiều hơn những tấm lòng yêu nước, nhiệt huyết và tài hoa khi họ dày công sáng tác về chủ đề này. Do đó, việc tác giả lựa chọn 32 gương mặt thơ để đưa vào tập sách không thể tránh khỏi yếu tố chủ quan. Nên chăng, nếu tái bản, mong tác giả sẽ bổ sung và lựa chọn thêm những bài thơ hay, mang tính điển hình hơn nữa. Với một cách nhìn khác, trong vai trò một độc giả, một nhà văn, tôi cũng tự cho phép mình có một cách nhìn khác, cách soi chiếu khác, một cách cảm nhận riêng khác. Mong được tác giả đồng cảm.
Cuốn sách thứ 10 của tác giả thật ý nghĩa và trang trọng. Tình yêu Tổ Quốc là chủ đề thật thiêng liêng, nghĩa tình quân dân thật sâu đậm. Truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc luôn là cảm hứng sáng tạo dồi dào cho bao thế hệ văn nghệ sĩ nước nhà. Thông qua hình ảnh biển đảo và người lính, lan tỏa ý thức giữ gìn chủ quyền biên cương, biển đảo của Tổ quốc. Đó là niềm cảm hứng dạt dào, mang ý nghĩa trân trọng và lắng đọng trong văn chương nước ta từ xưa tới nay.
Hà Nội, tháng 6/2023