Đôi bạn cùng lớp giành giải Nhất thi học sinh giỏi quốc gia môn tiếng Anh
Phạm Hoàng Hiển và Phan Khánh Linh (lớp 12C5, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An) cùng giành giải Nhất thi HSG quốc gia môn tiếng Anh.
Thử thách giới hạn của bản thân
Khi chuẩn bị nhận kết quả thi học sinh giỏi quốc gia tiếng Anh năm nay, Phan Khánh Linh đã gửi số báo danh của mình cho cô chủ nhiệm và nhắn nếu đạt giải Nhất thì cô báo tin cho em, còn không thì cô đừng nhắn, em sẽ tự biết. Đây là kỳ thi mà Khánh Linh đã có rất nhiều nỗ lực, chăm chỉ với mục tiêu cao nhất.
Năm học trước, nữ sinh mới học lớp 11 đã tham gia Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và xuất sắc giành giải Nhì, điểm số cách giải Nhất chỉ 0,3 điểm. Em chia sẻ, kết quả này với nhiều học sinh chuyên đã đủ mục tiêu để xét tuyển thẳng vào nhiều trường đại học tốp đầu cả nước.
"Em cũng đã từng cân nhắc có nên dừng lại, để dành năm học 12 cho các kỳ thi khác, và có nhiều thời gian hoạt động tập thể với lớp, nhiều kỷ niệm với bạn bè. Tuy nhiên bản thân em cũng là người khá tham vọng, nên em quyết định tiếp tục dự thi năm nay, cố gắng rèn luyện thêm các kỹ năng để thử thách mục tiêu cao hơn", Khánh Linh chia sẻ.
Phan Khánh Linh chia sẻ nền tảng thuận lợi khi có bố và mẹ cùng là giáo viên Tiếng Anh. Từ khi đang ở cấp tiểu học, THCS, em đã học tiếng Anh một cách nghiêm túc và đạt khá nhiều thành tích nổi bật ở môn học này. Trong đó, năm lớp 9 em đã thi IELTS đạt 8.0, giành giải Nhất thi học sinh giỏi tỉnh Nghệ An và thủ khoa đầu vào chuyên Anh Trường THPT chuyên Phan Bội Châu.
Cô giáo Nguyễn Thanh Mỹ - giáo viên chủ nhiệm lớp 12C5 cũng là chủ nhiệm đội tuyển học sinh giỏi quốc gia tiếng Anh của trường cho biết: Là thủ khoa đầu vào, ngay khi mới vào lớp 10, Khánh Linh đã khẳng định được năng lực nổi trội của mình. Các giáo viên cũng sớm cho em tiếp xúc với đề thi học sinh giỏi quốc gia các năm trước để thử sức. Dù có thành tích tốt nhưng ở Linh luôn có sự cố gắng, kỷ luật, chăm chỉ và chỉn chu.
Đồng hành với Linh ở kỳ thi quốc gia còn có mẹ của em - cô giáo Đặng Thị Kim Oanh, cũng là một trong hai giáo viên bồi dưỡng chính của đội tuyển tiếng Anh. Nữ sinh chia sẻ, em có thuận lợi khi có thể hỏi mẹ, hỏi cô bất cứ thời gian nào trong quá trình ôn tập. Bố mẹ không đặt áp lực hay đòi hỏi em phải đạt thành tích trong học tập, nhưng, điều này lại càng đòi hỏi em phải nỗ lực cố gắng, không phải cho bản thân mà còn cho gia đình, cho nhà trường.
“Đối với một học sinh ôn thi quốc gia, không chỉ nhờ giáo viên dẫn dắt, bồi dưỡng, ra đề chữa bài trên lớp, mà cần có thời gian tự học hiệu quả, để chuyển kiến thức của các thầy cô, trong tài liệu thành kiến thức, kỹ năng của mình. Điều may mắn của em chính là được bố mẹ rèn cho tác phong chỉn chu, có nề nếp kỷ luật trong sinh hoạt cũng như học tập. Vì vậy thời gian tự học của em tương đương, thậm chí nhiều hơn học ở trên lớp”, nữ sinh bày tỏ.
Khánh Linh cũng cho biết, đề thi học sinh giỏi quốc gia tiếng Anh năm nay rất khác về cách thức ra đề, đặt câu hỏi ở cả 4 kỹ năng so với kỳ thi các năm trước. Kể cả ở phần thi viết – là lợi thế của Linh – nhưng em cũng mất thời gian để xác định được yêu cầu của đề, bàn luận về hạnh phúc thực sự khi đặt trong mối quan hệ giữa cá nhân với cộng đồng.
Với kiến thức, kỹ năng và cả bản lĩnh làm bài, Khánh Linh đã xuất sắc giành giải Nhất, trong đó, điểm phần thi viết là 4,6/5 – cao nhất cả nước. Cũng trong năm nay, em thi lại IELTS và đạt 8.5 điểm. Với 2 lần đạt giải tại Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, năm học này Khánh Linh vừa đạt danh hiệu học sinh 3 tốt cấp trung ương.
Có trong tay nhiều thành tích như vậy, nhưng Khánh Linh cho rằng đây chưa phải là giới hạn của bản thân. Em đang tiếp tục học tập và muốn thử sức mình ở cuộc thi SAT, thi đánh giá năng lực… và chưa cho phép dừng lại, tự thỏa mãn với thành quả đã có.
Khánh Linh và mẹ, cô giáo Đặng Thị Kim Oanh - đồng giáo viên bồi dưỡng đội tuyển quốc gia môn Tiếng Anh của Trường THPT chuyên Phan Bội Châu.
Từ cậu học trò “lớp thường” đến giải Nhất quốc gia
Trong khi cô bạn cùng đội tuyển Phan Khánh Linh có nền tảng gia đình và làm quen với tiếng Anh một cách bài bản từ sớm, thì Phạm Hoàng Hiển lại học tiếng Anh để xem được bộ phim yêu thích.
“Từ khi 5 tuổi em đã thích xem phim hoạt hình trên kênh Bibi. Nhưng xem một thời gian ngắn em nhận ra các kênh nước ngoài thường chiếu sớm hơn vài tập và hình nét hơn, nhưng chưa có thuyết minh tiếng Việt. Vì thế, em tập xem kênh nước ngoài và tự đoán chữ, đoán nội dung”, Phạm Hoàng Hiển kể.
Quá trình làm quen và học tiếng Anh một cách ngẫu hứng như vậy kéo dài cho đến khi Hiển lên THCS. Khi vào lớp 6, ở Trường THCS Hưng Dũng (thành phố Vinh), em vẫn luôn nghĩ rằng mình là học sinh trung bình, ở trong một lớp học bình thường. Cuối năm, điểm kiểm tra các môn học của em dao động từ trung bình khá đến khá. Các bạn trong lớp cũng có kết quả tương tự, nên Hiển cũng chưa bao giờ nghĩ mình nổi trội hay đặc biệt hơn các bạn.
Đến năm lớp 8, cô giáo dạy tiếng Anh của lớp Hiển nhìn thấy các bài kiểm tra cậu học trò luôn đạt điểm tốt, dù không quá tập trung ôn luyện. Vì vậy, cô đã xin nhà trường chuyển Phạm Hoàng Hiển sang lớp chọn và đưa em vào đội tuyển thi học sinh giỏi thành phố môn Tiếng Anh, nhằm tạo điều kiện để em phát huy năng lực. Quyết định này của cô giáo đã tạo nên bước ngoặt lớn cho cậu học trò luôn nghĩ mình bình thường.
“Lúc mới chuyển sang lớp chọn, em hơi sốc vì thấy các bạn đều giỏi. Nhưng sau đó em có động lực phấn đấu để bằng các bạn. Em thi đạt giải học sinh giỏi tiếng Anh thành phố, sau đó tham gia thi cấp tỉnh năm lớp 9 và đạt giải Nhì. Lấy kiến thức được bồi dưỡng khi học đội tuyển, em thi vào chuyên Anh của Trường THPT chuyên Phan Bội Châu và không ngờ lại trúng tuyển. Cả trường cấp 2 em học chỉ mình em đậu lớp chuyên Anh”, Phạm Hoàng Hiển kể lại.
Dù trúng tuyển một cách “không tin được”, Hiển cho biết điểm chuyên của em chỉ xếp thứ 32/35 của lớp, nên khi vào trường chuyên Phan Bội Châu em không tránh khỏi choáng ngợp. Các thành viên trong lớp hầu hết đều xuất phát từ trường chuyên của thành phố, học thêm tiếng Anh rất nhiều trước đó, còn em chủ yếu được thầy cô bồi dưỡng ở trường THCS. Vì vậy, khi vào trường Phan và biết đến cuộc thi học sinh giỏi quốc gia, em cố gắng hơn để nâng cao năng lực bản thân.
Phong cách học của Hiển cũng khác so với các bạn: “Em chủ yếu học theo cách gián tiếp, thiên về ứng dụng tiếng Anh để tìm hiểu thông tin các lĩnh vực trong cuộc sống, thay vì chú trọng vào sách vở để "cày" ngữ pháp hay từ vựng… Ngoài luyện nghe nói qua các bản tin, phim ảnh, Hiền cũng học ngữ pháp qua việc lắng nghe lời thoại của người bản xứ, phân biệt cách nói đúng cũng như phát hiện lỗi sai trong đó, Hiển chia sẻ.
Cô giáo Nguyễn Thanh Mỹ cũng khẳng định: “Tôi rất bất ngờ về vốn từ vựng phong phú và kỹ năng nghe của Hiển, nhất là nghe các bản tin với ngữ liệu gốc. Hiển cũng là một học sinh rất cá tính, từ lớp 10 em đã chủ động xin vào đội tuyển quốc gia”.
Tuy nhiên, khả năng nói tiếng Anh của Hiển có phần hạn chế khi em hay diễn đạt theo kiểu “văn nói”, rời rạc, thiếu liên kết. Trong khi để chọn thành viên vào đội tuyển quốc gia, phải đáp ứng đầy đủ 4 kỹ năng.
Cô Đặng Thị Kim Oanh - giáo viên đồng chủ nhiệm đội tuyển cũng cho biết, Hiển là thành viên đặc biệt khi em có tư duy ngôn ngữ và trí nhớ rất tốt. Chính vì vậy các giáo viên tin rằng em sẽ khắc phục được những hạn chế do cách học “ngẫu hứng” trước đây và sẽ có bứt phá khi điều chỉnh phương pháp học tập.
Vào đội tuyển, Hiển chuyển sang học tập một cách kỷ luật hơn. Em cũng rất nỗ lực, chịu khó, sau mỗi lần bị cô cho điểm thấp hoặc nhắc nhở đều có ý thức thay đổi. Từ một học sinh yếu về phần đọc, em đã vươn lên và được các thầy cô bồi dưỡng đánh giá là học sinh có khả năng đọc tốt. Phần viết, em có ưu thế ở lối tư duy mạch lạc, và tóm tắt vấn đề đúng trọng tâm, chính xác.
Không phụ sự tin tưởng và lựa chọn của giáo viên, chỉ sau 1 năm, Phạm Hoàng Hiển là 1 trong 4 học sinh lớp 11 được chọn dự thi học sinh giỏi quốc gia và đạt giải Ba. Năm nay, em tiếp tục hoàn thiện các kỹ năng để lần nữa chinh phục cuộc thi khó khăn này. Kết quả em đã giành giải Nhất với 16,3 điểm, cũng là á khoa toàn quốc.
Theo sư phạm để được trao cơ hội cho học trò
Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm nay của Phạm Hoàng Hiển gặp sự cố đặc biệt, là thành viên duy nhất của đội tuyển phải thi lại phần nói. Do sơ suất kỹ thuật, phần thi nói của Hiển không được ghi âm, nên em phải đợi tất cả thí sinh thi xong để thi lại. Trong thời gian 2 tiếng chờ thi lại, không chỉ Hiển mà cả giáo viên, các thành viên còn lại của đội tuyển cũng căng thẳng, hồi hộp theo. Không thể đánh mất cơ hội, cậu học trò đã cố gắng “làm lại” một cách tốt nhất.
Câu hỏi ở phần thi nói đề cập đến chủ đề “hạnh phúc của bản thân” trong quá trình đạt được các thành tựu, mục tiêu đặt ra. Em đã kể lại câu chuyện của chính mình từ một học sinh trung bình, được vào trường chuyên của tỉnh và trở thành học sinh giỏi quốc gia. Hạnh phúc của em là quá trình tự vượt lên bản thân và luôn nỗ lực để hoàn thành mục tiêu của mình, đem “danh tiếng” cho gia đình, thầy cô nhà trường.
Với hai lần đạt giải tại Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và đều có chứng chỉ IELTS trên 8.0, Phan Khánh Linh và Phạm Hoàng Hiển có nhiều lựa chọn cho tương lai, nhưng cả hai đều quyết định theo ngành sư phạm. Với Khánh Linh, đó là sự nối tiếp truyền thống gia đình, cũng như được truyền cảm hứng từ bố mẹ, thầy cô.
Còn Phạm Hoàng Hiển chia sẻ, bản thân em trước đây chỉ là một học sinh bình thường, có nhiều hạn chế. Nhưng nhờ các cô giáo cấp 2 trao cơ hội, ôn tập mà em đã tự tin hơn vào bản thân. Khi vào Trường THPT Phan Bội Châu em cũng được các thầy cô tin tưởng, lựa chọn và bồi dưỡng để em đạt được kết quả như hôm nay. Vì vậy, em muốn theo ngành sư phạm để được truyền tình yêu tiếng Anh với các học trò, được trao cơ hội cho các học sinh của mình, và có phương pháp dạy học hiệu quả, phát huy năng lực của các bạn trẻ.
Năm nay cũng là một mùa thi thành công của đội tuyển tiếng Anh với 10/10 thí sinh đều đạt giải quốc gia, trong đó có 2 giải Nhất, 2 giải Nhì, 5 giải Ba và 1 giải Khuyến khích. Với 2 học sinh giải Nhất đều mong muốn chọn ngành sư phạm, cô Nguyễn Thanh Mỹ chia sẻ, đây là niềm hạnh phúc của người làm giáo viên. Bởi vì chắc hẳn trong trong quá trình dạy học, tôi và đồng nghiệp đã làm được điều gì đó, gieo vào trong các em những dấu ấn tốt đẹp để các em chọn tiếp lửa nghề giáo.