Đôi bờ Phổ Lợi
Nắng ấm lên dần. Mặt nước sông Phổ Lợi, phường Dương Nỗ, quận Thuận Hóa (TP. Huế) trong xanh, phẳng lặng. Con đường dọc bờ kè sông Phổ Lợi uốn lượn rợp bóng cờ Tổ quốc.

Di tích Bến Đá – nơi Nguyễn Sinh Cung (Chủ tịch Hồ Chí Minh) thường ra tắm giặt trong những năm Người sống và học tập tại làng Dương Nỗ
Bức tranh yên bình
Từ cầu Chợ Nọ, xuôi về làng Dương Nỗ, phường Dương Nỗ (trước đây là xã Phú Dương, nay nhập thêm 2 xã Phú Thanh và Phú Mậu thành phường Dương Nỗ), đi trên con đường ven sông Phổ Lợi, một bức tranh quê thật yên bình. Dương Nỗ giờ đã đổi thay hơn trước, nhưng vẫn giữ được nét đẹp làng quê.
Con sông Phổ Lợi gắn liền với di tích Bến Đá – nơi Nguyễn Sinh Cung (Chủ tịch Hồ Chí Minh) thường ra sông để tắm giặt trong những năm Người sống và học tập tại làng Dương Nỗ (1898 – 1900).
Trong câu chuyện với người dân nơi đây, họ luôn tự hào rằng, khu di tích Nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Am Bà, Bến Đá... là những di tích lịch sử, văn hóa in đậm dấu ấn tuổi thơ của Người luôn được các thế hệ cư dân của làng bảo vệ, gìn giữ bằng tất cả niềm tự hào và trân trọng.
Bên tách trà nóng đầu ngày, không ít người dân bày tỏ niềm vui khi làng quê đổi thay, nhưng họ vẫn thường nhắc nhớ một thời con sông Phổ Lợi bị ô nhiễm nặng. “Dòng sông dày đặc bèo tây và rác. Mỗi trận lũ lớn, sông Phổ Lợi phải hứng chịu lượng lớn đất cát từ thượng nguồn sông Hương đổ về. Nước lũ rút, dòng sông bị bồi lắng, tắc nghẽn”, ông Phan Hữu Phú – một người dân sống lâu năm ở làng Phò An, phường Dương Nỗ nhớ lại.
Người dân làng Dương Nỗ cũng như những làng khác ở phường Dương Nỗ thừa nhận rằng, thời điểm đó, do ý thức của người dân sinh sống dọc sông Phổ Lợi chưa cao, còn có thói quen vứt rác xuống sông. Vì thế, sông Phổ Lợi vốn đã ô nhiễm càng ô nhiễm nặng hơn. Trước thực trạng này, không biết bao nhiêu lần cấp ủy, chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể đã phải huy động lực lượng, đầu tư kinh phí để dọn rác, vớt bèo tây ở sông Phổ Lợi.
Điểm nhấn đô thị
Đó là chuyện quá khứ, giờ đây, sông Phổ Lợi được Nhà nước đầu tư nạo vét lòng sông, xây dựng kè hai bên sông và mở rộng tuyến đường dọc sông Phổ Lợi đã mở ra một trang mới. Đô thị phát triển dần lên, với tuyến đường bê tông rộng thoáng, chắc chắn. Người dân vui mừng, phấn khởi, họ càng có trách nhiệm hơn trong việc gìn giữ đôi bờ sông Phổ Lợi sạch, đẹp.
Phía dưới là sông Phổ Lợi trong xanh, trên bờ tuyến đường bê tông rộng đẹp, thoáng đãng, vững chắc bởi bờ kè kiên cố chính là “điểm nhấn” đô thị giao thông cho vùng quê Dương Nỗ.
“Dọc tuyến đường từ chợ Nọ về làng Dương Nỗ, Mỹ An rợp bóng cờ Tổ quốc. Dưới cờ Tổ quốc là những ghế đá phục vụ nghỉ ngơi, ngồi ngắm dòng sông của cư dân trong làng và du khách gần xa khi đến với Dương Nỗ, đến với khu di tích Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trên tuyến, Nhà nước cũng đầu tư hệ thống đèn điện chiếu sáng mang dáng dấp của một đô thị phát triển”, ông Phan Hữu Phú phấn khởi.
Bắc qua sông Phổ Lợi là những cây cầu “nối những bờ vui”. Bên này, người dân làng Mỹ An chỉ cần phóng xe qua cầu Mỹ An – cây cầu mới được đầu tư xây dựng bắc qua sông Phổ Lợi đã mở ra sự giao thương buôn bán, trao đổi hàng hóa với các cư dân làng Lưu Khánh, phường Dương Nỗ ở bên kia sông Phổ Lợi. Cuộc sống người dân hai bờ sông Phổ Lợi dường như hối hả, tất bật và xích lại gần nhau hơn. Nép mình bên những ngôi nhà xây cao tầng đẹp, kiên cố là những ngôi nhà rường, đình làng cổ kính như làm hài hòa hơn cho không gian đô thị nơi đây.
“Hiện giờ lòng sông Phổ Lợi đã sâu, rộng, thoáng đẹp, không còn bèo tây và rác thải, nên bà con cư dân chúng tôi mong một ngày được tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ thể thao... Đó cũng là cách để chúng tôi xích lại gần nhau hơn, với quyết tâm cao hơn để giữ dòng sông sạch đẹp”, các bậc cao niên trong các làng: Dương Nỗ, Phò An, Mỹ An, Lưu Khánh… đã nói như thế khi chia tay chúng tôi.
Sông Phổ Lợi là con sông đào dưới triều vua Minh Mạng nhằm rút ngắn khoảng cách thủy trình từ Kinh thành Huế đến cửa biển Thuận An, thuận tiện cho việc giao thông, đi lại; cung cấp nước ngọt cho vùng ruộng lúa của huyện Phú Vang vào mùa khô...
Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/doi-song/doi-bo-pho-loi-150901.html