Ra Giêng

Ra Giêng là cách mà người ta thường nói khoảng thời gian của những ngày sau Tết Nguyên đán, khi mùa Xuân đã bắt đầu với nắng vàng ấm áp, cỏ cây đâm chồi sinh sôi nảy nở.

“Ra Giêng” hai từ gọi lên nhẹ bẫng như chúng ta vừa bước qua cánh cổng của thời gian thong dong, tự tại. Ừ thì, năm nào cũng có “ra Giêng” vậy mà không hiểu sao đến dịp này tôi vẫn cứ xuyến xao, nhớ thương và hoài niệm…

Ra Giêng, mẹ tôi thường chọn lấy một ngày để đi chợ lấy may, cầu mong một năm buôn may bán đắt, công việc được thuận lợi. Mẹ tôi có một sạp hàng nhỏ bán rau, củ quả ở chợ. Hàng của mẹ có khi là từ vườn nhà, có khi nhập buôn từ các mối nhỏ, lớn trong làng. Nói như mẹ, cứ “túc tắc bán” ấy vậy mà cái nghề cũng “đeo bám” với mẹ mấy chục năm trời.

Lễ hội ở Tuyên Quang. Ảnh: Thủy Nguyên

Lễ hội ở Tuyên Quang. Ảnh: Thủy Nguyên

Phiên chợ đầu tiên ra Giêng mẹ chăm chút lắm. Từ buổi chiều hôm trước, mẹ đã ra vườn chọn những cây rau tươi ngon nhất, nhổ, bó lại thành từng bó gọn ghẽ đặng mai còn mang tới chợ. Vừa làm mẹ vừa tự tin rằng, chắc chắn đám rau này ngày mai sẽ đắt khách vì mẹ biết sau những ngày Tết ai ai cũng “chất” đầy những bụng thịt thà, bánh kẹo, dầu mỡ cần những mớ rau xanh để giải ngán. Gánh rau đầu xuân lời lãi mẹ chẳng tính đếm nhưng tôi biết mẹ lời với ngàn nụ cười thường trực trên môi.

Ra Giêng, làng tôi bắt đầu bước vào vụ cấy. Khác với các nơi khác cấy giặm họ làm trong Tết nhưng với quê tôi cứ đợi ra Giêng nắng ấm mới bắt đầu vào vụ. Đồng cạn, đồng sâu lúc này rộn rịp người người ra đồng. Cánh đàn ông thì dong trâu trò làm đất, cánh đàn bà thì vạt cỏ bờ, đắp vũng cua giữ nước, rải phân, rải mạ. Với những người nông dân thì mùa cày cấy được coi là vụ chính, quan trọng trong năm. Vẫn còn đó là những gia đình đi đổi công với nhau. Vuông ruộng đang làm cũng vì thế mà rôm rả hơn. Vừa lao động, miệng lại kể về cái Tết vừa qua, nhà này khoe nhà kia còn dư bao nhiêu chiếc bánh chưng, bao nhiêu hộp mứt, hũ hành, hũ kiệu muối chua. Cứ nghĩ nó là đồ dư thừa nhưng lại trở thành món ngon tuyệt vời sau những ngày lao động vất vả.

Ra Giêng, hội làng tôi bắt đầu. Hội làng có từ cả trăm năm về trước, được ông cha gìn giữ tới tận bây giờ. Khoảng đất trống trong làng, hoặc đình chùa rộng rãi là nơi mọi người tụ tập rước kiệu, quần áo mũ nón chỉnh tề tề tựu nghiêm trang. Những nam thanh nữ tú được chọn rước kiệu phải tập duyệt từ trước đó mấy hôm. Và cũng được tuyển chọn kỹ lưỡng từ những người có đạo đức, học vấn, được mọi người trong làng yêu mến. Tiếng trống thùng thùng vang lên hòa cùng tiếng cười nói huyên náo người đi hội. Một năm trôi qua, dù có khó khăn, bộn bề, những ngày ra Giêng được đi hội trông ai nấy cũng đều phấn khởi. Hội làng là dịp để thế hệ trẻ như chúng tôi nhớ lại văn hóa sử sách của làng tộc cũng như biết ơn thế hệ ông cha tổ tiên để lại.

Ra Giêng là lúc tôi, bạn bắt đầu lên kế hoạch, triển khai những dự định trong năm còn dang dở hoặc việc mới bắt đầu. Giống như đầu Xuân người ta thường trồng một cái cây, gieo một hạt giống. Và cứ thế đợi chờ. Dẫu biết rằng thời gian không thể ngày một ngày hai, có khi tính bằng năm này qua năm khác. Nhưng có khởi đầu sẽ có kết thúc. Và ra Giêng là khoảng thời gian thích hợp nhất để thực hiện những dự định, ước mơ. Như một bàn đạp, một cú hích thật mạnh mẽ, tuy vô hình nhưng đó là động lực để bản thân tôi, bạn thật cố gắng, hy vọng vào một tương lai tươi sáng…

Ra Giêng… với tôi giờ đây không phải là một khoảng thời gian bình thường trong năm nữa mà là ký ức, hoài niệm. Là dịp để tôi soi mình lại, sống chậm, cảm nhận từng thời khắc của mùa Xuân trôi đi. Từ đó bản thân nghiệm ra những bài học ý vị, quý giá làm hành trang để bước trên đường đời cao rộng…

Cao Văn Quyền

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/ra-gieng-i759720/