Đội bóng chuyền nam Hà Tĩnh 'mỏi mòn' chờ nhà tài trợ
Điều kiện tập luyện gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn, các VĐV bóng chuyền nam Hà Tĩnh đang từng ngày mong mỏi có nhà tài trợ đồng hành để hỗ trợ, giúp họ yên tâm cống hiến.
Đội bóng chuyền nam Hà Tĩnh được thành lập vào năm 1996, 2 năm sau, đội giành được tấm HCĐ tại Cúp Bóng chuyền trẻ quốc gia. Tuy nhiên, từ sau giai đoạn đó, đội gặp nhiều khó khăn, 2 lần phải giải thể vì thành tích kém cỏi.
Đến năm 2013, tỉnh mời HLV Lê Trí Dũng - nguyên HLV trưởng đội bóng Quân khu 5 về để xây dựng lại đội bóng. Trên cơ sở một số cầu thủ còn lại trong đội hình cũ như Trần Đức Hạnh (chủ công), Lê Thanh Hùng (chủ công), Phạm Quang Dũng (phụ công), ban huấn luyện đã tuyển chọn mới một dàn cầu thủ trẻ đạt tiêu chuẩn để đào tạo.
Chỉ sau một mùa giải vừa đào tạo, vừa tham gia thi đấu, nhiều cầu thủ trẻ như: Lê Văn Thành (chủ công), Trần Minh Chiến (chuyền 2)… đã trưởng thành nhanh chóng, trở thành lực lượng trụ cột của đội bóng chuyền Hà Tĩnh tham gia Giải Bóng chuyền hạng A quốc gia 2015.
Năm 2016, bước ngoặt đến với bóng chuyền nam Hà Tĩnh khi đội giành quyền tham dự Giải Bóng chuyền vô địch quốc gia - sân chơi chuyên nghiệp nhất của bóng chuyền nam Việt Nam. Trải qua những mùa đầu chật vật trụ hạng, giờ đây, bóng chuyền nam Hà Tĩnh đã lọt tốp những đội bóng mạnh của giải đấu.
Với dàn cầu thủ nhiệt huyết như: chủ công Trần Đức Hạnh, đối chuyền Đinh Văn Phương, chuyền hai Phan Minh Chiến, libero Lê Văn Nam… bóng chuyền nam Hà Tĩnh đã trình làng một lối chơi đẹp mắt, được đánh giá là đội có lực lượng trẻ trung và trình độ chuyên môn khá.
Năm 2019, đội bóng giành ngôi á quân Cúp Hoa Lư - Bình Điền; năm 2020 giành hạng 3 Cúp Hoa Lư - Bình Điền; năm 2021 lọt tốp 4 đội mạnh nhất Giải Bóng chuyền vô địch quốc gia và được tham dự Cúp Hùng Vương; năm 2023 đội giành hạng 3 Cúp Hoa Lư - Bình Điền.
Đằng sau sự chuyển mình của bóng chuyền nam Hà Tĩnh là sự kiên trì, nỗ lực vượt qua khó khăn, vất vả của các VĐV và ban huấn luyện. Đội bóng chuyền nam Hà Tĩnh hiện có 30 VĐV, trong đó đội một gồm 12 cầu thủ, số còn lại là VĐV trẻ.
Nếu như, các đội bóng chuyền cùng cấp ở một số tỉnh, thành phố khác luôn có được sự đồng hành của các nhà tài trợ thì đội bóng chuyền Hà Tĩnh chưa khi nào nhận được sự hỗ trợ đó. Không có nguồn kinh phí từ nhà tài trợ, đội bóng phải hoạt động dựa vào trợ cấp của ngân sách Nhà nước. Thực tế đó khiến tất cả các hoạt động của đội đều gặp nhiều khó khăn.
Ông Trần Văn Chiến - Phó HLV trưởng đội bóng chuyền Hà Tĩnh chia sẻ: “Hiện nay, đội bóng gặp khá nhiều khó khăn. Không chỉ thiếu thốn về trang thiết bị tập luyện như bóng, lưới, đồng phục, các VĐV cũng không có điều kiện để đi tập huấn nhiều, dẫn đến thực tế gặp nhiều khó khăn trong các giải đấu.
Nguồn kinh phí hạn hẹp cũng khiến nguồn thu nhập của các VĐV còn thấp so với mặt bằng chung. Bên cạnh đó, khó khăn về kinh phí cũng là rào cản trong công tác tuyển chọn ngoại binh.
Những năm qua, bóng chuyền Hà Tĩnh luôn mong mỏi có nhà tài trợ, đồng hành cùng đội. Có thêm kinh phí sẽ giúp cải thiện thu nhập, cải thiện dinh dưỡng cho toàn đội bóng. Và quan trọng nhất là giúp các VĐV yên tâm cống hiến cho đội bóng”.
Trong khi còn chờ có nhà tài trợ, đội bóng chuyền Hà Tĩnh vẫn phải tự mình vượt qua với khó khăn, các VĐV thi đấu bằng sự khát khao, bằng quyết tâm khẳng định bản thân. May mắn của đội bóng chuyền nam Hà Tĩnh là cầu thủ luôn xác định gắn bó, chia sẻ với các HLV cũng như Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Tĩnh.
Đội trưởng Trần Đức Hạnh chia sẻ: “Được khoác lên mình màu áo đội bóng quê hương là niềm vui và tự hào của mỗi VĐV. Vượt qua những thiếu thốn về vật chất, những rủi ro do chấn thương, chúng tôi vẫn đang nỗ lực để đưa bóng chuyền nam Hà Tĩnh đi lên, nhằm đáp lại sự tin yêu, kỳ vọng của người hâm mộ. Mong rằng, thời gian tới, đội bóng sẽ có nhà tài trợ đồng hành, có thêm kinh phí để các VĐV yên tâm cống hiến”.