Đội bóng đá Quần đảo Marshall thu hút sự quan tâm khi trình làng chiếc áo đấu rách, chắp vá, ẩn chứa thông điệp sâu xa về sự biến mất theo thời gian của một vùng đất.
Liên đoàn bóng đá Quần đảo Marshall (MISF) và thương hiệu thể thao PlayerLayer vừa bắt tay, trình làng chiếc áo đấu theo phong cách “biến mất”, thu hút sự chú ý của khán giả môn thể thao vua. Quần đảo Marshall, một quốc đảo nhỏ ở Thái Bình Dương, là đất nước duy nhất trong số 193 quốc gia thành viên của Liên hợp quốc không có đội tuyển bóng đá được công nhận chính thức. Mặc dù Marshall có cầu thủ, liên đoàn và sân bóng đá, nhưng quá trình công nhận diễn ra tương đối chậm chạp.
Tuy nhiên, thời gian là điều quý giá đối với người dân tại quần đảo này, nơi mực nước biển dâng cao, đe dọa xóa sổ toàn bộ quốc gia. Người dân tại đây cho rằng đất nước này khó lòng tồn tại đến khi đội bóng quốc gia chính thức của họ chơi trận đấu đầu tiên. Để thu hút sự chú ý của công chúng về vấn đề cấp bách này, đồng thời đẩy nhanh quá trình công nhận, áo đấu No-Home 2030 chính thức được giới thiệu đến công chúng.
Chiếc áo đấu này được thực hiện bởi nhà thiết kế Matías Otero, in các hình ảnh mang tính biểu tượng đặc trưng của quốc gia như xuồng, hoa Plumeria và cá mập trắng. Con số 1,5 trên mẫu áo nhấn mạnh mối đe dọa về sự gia tăng nhiệt độ, tình trạng nóng lên tại quốc gia này. Khẩu hiệu “Chúng ta xứng đáng được phát triển” của nhà thơ Kathy Jetnil-Kijiner thể hiện nỗ lực chống lại biến đổi khí hậu của Quần đảo Marshall.
Điểm đặc biệt của chiếc áo đấu này là concept “biến mất”. Cụ thể, thiết kế này trông tương đối chắp vá, mất dần từng mảng một. Một bên tay áo bị loại bỏ, đi kèm với phần eo cut-out, để lộ da thịt của cầu thủ. Ban đầu, một đường viền nhỏ biến mất, kéo theo những mảng miếng lớn hơn. Sự thay đổi chậm rãi và tàn khốc này phản ánh tình trạng biến mất theo thời gian của Quần đảo Marshall. Khi mọi người kịp nhận ra, mọi thứ đã tan biến.
Theo Matt Webb, Giám đốc tiếp thị và thương mại tình nguyện tại Liên đoàn bóng đá Quần đảo Marshall, chiếc áo là lời kêu cứu bức thiết của đội tuyển bóng đá và người dân ở quốc gia này. “Thay vì phát hành một chiếc áo đấu kiểu truyền thống, chúng tôi quyết định giới thiệu thiết kế mang tên No-Home 2030 để các cầu thủ mặc khi thi đấu tại sân khách. Chiếc áo này giúp nâng cao nhận thức của người dân trên khắp thế giới về tình trạng đáng báo động của Quần đảo Marshall. Ngôi nhà của chúng tôi sắp biến mất và các hành động cấp bách cần được thực hiện lập tức. Đây là phương pháp duy nhất để quốc gia của chúng tôi vẫn còn tồn tại trên bản đồ”, Matt Webb nói.
Chiến dịch trên nhanh chóng thu hút sự quan tâm của liên đoàn. Các phương tiện truyền thông xã hội cũng nhiệt tình đưa tin về áo đấu của đội tuyển bóng đá, thể hiện sự ngưỡng mộ với thông điệp mạnh mẽ này, đồng thời dấy lên nỗi lo ngại đối với tình trạng hiện tại của đất nước trên. Quần đảo Marshall có thể biến mất vĩnh viễn nếu không hành động cụ thể nào được đưa ra.
Matt Webb cho biết mỗi chiếc áo đấu được bán ra góp phần rút gọn thời gian công nhận đội tuyển bóng đá quốc gia. Sự xuất hiện của thiết kế này cũng thúc đẩy hành động bảo tồn di sản và bảo vệ môi trường sống ở Quần đảo Marshall trước khả năng biến mất mãi mãi do ảnh hưởng của sự thay đổi nhiệt độ, khí hậu và mực nước biển gia tăng. Theo một số ý kiến, chiếc áo phải biến mất để đội bóng và đất nước này được nhìn thấy, được quan tâm, có cơ hội tồn tại, phát triển trong tương lai.