Đội cảm tử Phan Như Thạch: Những người anh hùng bất tử
Chiến tranh đã lùi xa, đất nước đã thanh bình, Đà Lạt nay đã là thành phố hoa rực rỡ và yên bình. Nhưng ký ức về những người con ưu tú trong Đội cảm tử Phan Như Thạch vẫn như ngọn lửa thiêng âm ỉ cháy trong lòng mỗi người dân Lâm Đồng. Họ đã hóa thành bất tử...

Bức ảnh về Đội cảm tử Phan Như Thạch được lưu giữ trang trọng tại Phòng Truyền thống, tư liệu của Công an tỉnh Lâm Đồng.
Trong suốt chiều dài hai cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ và anh dũng chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, lịch sử dân tộc Việt Nam đã ghi lại biết bao câu chuyện bi tráng về những đội quân cảm tử - những con người mang trong tim ngọn lửa yêu nước nồng nàn, nguyện “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Họ là những người con ưu tú, là hiện thân của tinh thần bất khuất, sẵn sàng lấy máu mình tô thắm màu cờ Tổ quốc. Và giữa cao nguyên sương lạnh Đà Lạt những năm 1951, cũng đã từng có một đội quân như thế - Đội cảm tử Phan Như Thạch, mang tên người Bí thư đầu tiên của Thị ủy Đà Lạt, do ông Nguyễn Tấn Phước làm Đội trưởng.
Được thành lập giữa lúc cách mạng đứng trước muôn vàn thử thách, đội cảm tử gồm 36 chiến sĩ, tuy đến từ những vùng quê khác nhau nhưng cùng chung một lời thề, cùng một ý chí sắt đá: diệt ác, trừ gian, nắm tình hình địch và bảo vệ phong trào cách mạng trong lòng thị xã Đà Lạt.
Đói cơm, thiếu muối, gian nan nơi chiến khu, họ vẫn chan hòa yêu thương nhau như ruột thịt, lấy lý tưởng cách mạng làm nguồn sống, lấy tình đồng chí làm ánh sáng soi đường qua đêm tối.
Trong gian khổ, họ vẫn giữ cho mình nét lạc quan của tuổi trẻ - sau mỗi trận đánh trở về, những cây đàn vang lên giữa rừng, hòa trong tiếng cười và những bài hát kháng chiến. Nhưng ẩn sau nét hồn nhiên ấy là ý chí thép. Biết bao đồng chí đã bị tra tấn dã man khi rơi vào tay giặc, nhưng không một ai khuất phục, không ai rơi nước mắt, chỉ có lửa hận trong tim càng cháy bùng thêm. Họ đã sống và chiến đấu bằng tất cả trái tim của mình, và khi cần, họ sẵn sàng hiến dâng cả cuộc đời.

Các chiến sĩ công an hướng dẫn tham quan, tìm hiểu về tư liệu lịch sử hào hùng của Đội cảm tử Phan Như Thạch tại Công an tỉnh
Trong số đó, câu chuyện về chiến sĩ trẻ Nguyễn Long khiến bao thế hệ sau phải nghẹn ngào xúc động. Sinh ra trong một gia đình cách mạng tại Đà Lạt, mới 16 tuổi, đồng chí đã trở thành chiến sĩ trẻ nhất trong đội cảm tử. Tuổi còn nhỏ nhưng nghị lực thì phi thường. Đêm đêm bụng đói cồn cào, đồng chí vẫn lặng lẽ chịu đựng. Anh em trong đội thương Long lắm, người thì nhường phần cơm, kẻ thì cố gắng tìm thêm chút đồ ăn khi đi công tác... Một lần nhận nhiệm vụ lấy tài liệu tại hòm thư mật gần Dinh II, Long bất ngờ bị hai sĩ quan Pháp phát hiện. Dù chỉ mang trong mình một khẩu col 12, cậu bé 16 tuổi ấy vẫn gan dạ chiến đấu, tay không vật lộn với kẻ thù, cắn đứt mũi một tên và đánh trọng thương tên còn lại. Khi bị đánh ngất và đưa về bệnh viện, biết mình sắp bị khai thác thông tin, Long đã cắn lưỡi tự vẫn để giữ trọn lời thề: “Không để người và vũ khí rơi vào tay giặc”. Cậu ra đi khi tuổi xuân chỉ vừa chớm nở, để lại trong lòng đồng đội và Nhân dân niềm tiếc thương vô hạn, và một tấm gương sáng rực rỡ về lòng trung kiên của người chiến sĩ cách mạng.
Một chiến sĩ khác, chính trị viên Lê Trần Thái (bí danh Vĩnh Luật), là người không chỉ thông minh, quả cảm mà còn rất đỗi tình cảm. Anh yêu âm nhạc, mê chụp ảnh, có bạn gái trong nội thị và từng bí mật hẹn gặp sau mỗi lần hoàn thành nhiệm vụ. Trong mắt đồng đội, Thái như một người anh, một người bạn, vừa lãng mạn, gần gũi, vừa mưu trí, gan dạ. Trong một lần đột nhập thị xã Đà Lạt để chuẩn bị cho trận đánh lớn, Thái cùng đồng đội bị lộ. Cả đại đội địch kéo đến bao vây ngôi nhà hai người đang ẩn náu. Hai chiến sĩ cảm tử quyết không đầu hàng. Họ đốt tài liệu, phá hủy con dấu, rồi ném lựu đạn tiêu diệt quân thù. Sau 30 phút chiến đấu, khi chỉ còn hai viên đạn cuối cùng, họ lựa chọn cách hy sinh kiêu hùng nhất - dùng chính viên đạn ấy để giữ trọn khí tiết, giữ trọn danh dự của người cảm tử quân.
Tên tuổi và tinh thần của họ sẽ còn được kể mãi, như lời nhắc nhở thiêng liêng: Tự do hôm nay được đánh đổi bằng máu xương của bao thế hệ đi trước. Họ - những con người bình dị, sống và chiến đấu với tất cả lý tưởng và lòng quả cảm, đã góp phần viết nên một chương sử chói lọi trong lịch sử cách mạng Lâm Đồng - Đà Lạt. Hình ảnh của họ hôm nay không chỉ hiện hữu trong các trang tài liệu, mà còn sống mãi trong lòng người dân phố núi, như một biểu tượng bất diệt của tinh thần kiên cường và tình yêu Tổ quốc.
Những hy sinh thầm lặng, những chiến công không tên tuổi ấy chính là nền tảng để Đà Lạt - Lâm Đồng hôm nay tiếp tục vươn lên, phát triển và tỏa sáng giữa núi rừng Tây Nguyên. Đội cảm tử Phan Như Thạch mãi mãi là một phần không thể tách rời trong ký ức lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam.