''Đôi chân'' chè, cà phê

Vẫn giữ vị trí quán quân 'thủ phủ chè' của tỉnh và không chỉ dừng lại ở đó mà còn là vựa chè lớn nhất cả nước; cùng với vị thứ nằm trong top đầu về cà phê, nền nông nghiệp Bảo Lâm duy trì sự phát triển trên 'đôi chân' cây trồng chủ lực chè, cà phê mang lại trên 85% GRDP nội bộ ngành nông nghiệp Bảo Lâm.

Đồng chè chất lượng cao cho năng suất 14 - 16 tấn/năm

Đồng chè chất lượng cao cho năng suất 14 - 16 tấn/năm

Bức tranh ngành trồng trọt của huyện Bảo Lâm được cán bộ Văn phòng UBND huyện phác thảo: Tổng diện tích gieo trồng 9 tháng đầu năm 2020 trên địa bàn đạt gần 52.600 ha (số liệu được làm tròn), trong đó 52.023 ha cây lâu năm và đứng đầu bảng là cà phê với 33.614 ha, chè 7.748 ha, chiếm 79,3% diện tích cây lâu năm. Ngoài mảng xanh của rừng hiện giữ độ che phủ 54,5% diện tích tự nhiên, không loại cây trồng nào khác lấn lướt được chè, cà phê phủ xanh đất đai nơi này.

Nương chè chất lượng cao

Sự phân bổ hai cây trồng chủ lực trên “bản đồ nông nghiệp” huyện cho thấy, hầu hết các xã, thị trấn đều có sự hiện diện của cà phê và chè. Và nếu muốn biết thực hư cây chè ra sao, cứ tới vùng sản xuất tập trung của loại cây trồng này - nơi sẽ cung cấp đầy đủ “bức tranh sinh cảnh” của đời sống cây chè trên bát ngát đồi nương. Gần thì ngay vùng ven thị trấn Lộc Thắng, xa hơn chút nữa vào Lộc Quảng, còn muốn tận hưởng không khí mông mênh đồi chè hãy ghé đến xã Lộc Tân.

Chẳng ai gần gũi nông dân hơn khuyến nông viên địa bàn, bởi liên quan đến nghề nông mà nói, các khuyến nông viên như chiếc “cầu nối” giữa kỹ thuật trồng, chăm sóc và người trực tiếp sản xuất là nông dân. Thuộc địa bàn như lòng bàn tay, Bình - khuyến nông viên xã Lộc Tân vừa dẫn tôi vào những khu vườn “xanh biếc nương chè” vừa cho biết: Lộc Tân là nơi tập trung sản xuất chè chất lượng cao lớn nhất huyện. Lớn nhất bởi là địa phương có diện tích chè trên 300 ha, hơn nữa hầu như tất cả đều trồng giống chè chất lượng cao ngoại nhập Tứ Quý, Kim Tuyên... “Với giống chè chất lượng cao, chăm sóc đúng quy trình không những cho năng suất cao mà giá thành cũng vượt trội so với các giống chè cành khác” - một cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện khẳng định.

Ngẫm tưởng chỉ có doanh nghiệp đầu tư trồng chè mới cho năng suất, chất lượng cao bởi sẵn vốn, kỹ thuật và tính chuyên canh sâu rộng nhưng kỳ thực, nông dân Bảo Lâm cũng không kém cạnh, đều đặn mỗi năm vẫn cho ra sản phẩm chè búp tương đồng về chất lượng cũng như năng suất nên giá cả không hề thua kém doanh nghiệp. Ngồi giữa vườn chè chất lượng cao của hộ ông Nhẫn - Thôn 4, xã Lộc Tân, nghe nông dân hoạch toán: Chè chất lượng cao mỗi lứa hái đạt từ 2 - 2,5 tấn búp/ha, bình quân một năm hái từ 7 - 8 đợt, vị chi một năm cho thu hoạch từ 14 - 16 tấn chè/ha - một con số không thể ấn tượng hơn.

Không ấn tượng sao được khi trước đây diện tích cây chè ở Bảo Lâm vào thời kỳ cao điểm lên đến trên 10 ngàn ha nay sụt giảm chỉ còn hơn phân nửa nhưng sản lượng thì vẫn đảm bảo như cũ. Theo Phòng Nông nghiệp huyện Bảo Lâm, với diện tích chè hiện tại 7.748 ha, trong đó có hơn 700 ha chè chất lượng cao của các doanh nghiệp FDI, số còn lại nông dân đã chuyển đổi giống chè hạt qua giống chè cành, chè chất lượng cao đạt 74,82% diện tích. Đặc biệt, sau khi chuyển đổi năng suất chè búp tươi tăng từ 5 - 6 tấn/ha, đưa năng suất bình quân cây chè toàn huyện hiện đạt 14 tấn tươi/ha/năm. Cùng đó, chất lượng chè búp nâng lên kéo theo giá bán cao hơn chè hạt trước đây. “Trong số 25% diện tích chè chưa chuyển đổi chủ yếu nằm ở các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Vì muốn chuyển đổi sang chè cành cao sản TB14, LĐ 97 và chè chất lượng cao đòi hỏi phải có vốn, nhất là yếu tố nước tưới nên không thể giải quyết ngay một sớm, một chiều” - ông Đậu Văn Xuân - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện cho hay.

Nâng cao sản lượng cà phê

Đứng trên đường nhựa dẫn vào xã Lộc Quảng, chỉ tay về những cánh đồi xa xa xanh ngát cà phê đang vào vụ đậu quả, anh Thắng - chuyên viên Trung tâm Nông nghiệp huyện Bảo Lâm bảo rằng: Ở Thôn 7, xã Lộc Quảng, người dân trồng cà phê giống mới Thiên Trường cho năng suất đạt 7 - 8 tấn nhân/ha/năm. Với giá cà phê “đứng bóng” từ 30 - 35 ngàn/kg như mấy năm gần đây, năng suất này vẫn cho nông dân thu nhập trên 200 triệu đồng/ha “ngon lành”. Và không chỉ giống Thiên Trường mới cho năng suất như vậy, một số giống khác có “xuất xứ” từ vùng đất Bảo Lâm cũng đem lại năng suất cao dăm bảy tấn là chuyện không thiếu. Chẳng thế, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Đậu Văn Xuân tự tin khẳng định “năng suất cà phê bình quân của Bảo Lâm cao nhất tỉnh”.

Cuộc chuyển đổi giống cà phê ở Bảo Lâm tập trung chủ yếu vào các loại giống cho năng suất cao và giống chất lượng cao như TR4, TR9, TR11, Thiên Trường, Xanh Lùn… Hai hình thức được áp dụng song song là ứng dụng kỹ thuật ghép cải tạo và trồng tái canh các vườn cà phê bằng “chiến thuật” cuốn chiếu. Thế nên, sau 3 năm thực hiện “tái cơ cấu ngành nông nghiệp”, toàn huyện đã chuyển đổi 10.456 ha, lũy kế đến nay đã chuyển đổi giống cà phê cho năng suất cao trên diện tích 26.411 ha, chiếm 76,7% trên tổng diện tích cà phê toàn huyện. Theo ghi nhận của Phòng Nông nghiệp huyện, niên vụ năm 2019, năng suất cà phê bình quân 34,5 tấn/ha, tăng khoảng 4,5 tạ/ha và đưa sản lượng cà phê của toàn huyện đạt trên 105.273 tấn, tăng 15.461 tấn so với năm 2015.

Dĩ nhiên, là tùy thuộc các vùng sản xuất, trình độ canh tác của nông dân mà năng suất cũng có độ chênh lệch hàng tấn cà phê mỗi ha. Nhưng lấy nơi có sản lượng cao bù đắp cho nơi còn đang đạt thấp - do chưa chuyển đổi giống mới và điều kiện chăm sóc không thuận lợi chia đều, quả thực với năng suất bình quân gần 34,5 tấn/ha/năm - cao hơn mặt bằng chung của tỉnh nêu trên chứng tỏ cây cà phê Bảo Lâm đã có sự chuyển mình gia tăng về sản lượng cũng như chất lượng.

Cà phê giống mới Thiên Trường năng suất có thể đạt 8 tấn/vụ

Cà phê giống mới Thiên Trường năng suất có thể đạt 8 tấn/vụ

Duy trì mức tăng trưởng

Như chúng ta đã biết, việc “tái cơ cấu ngành nông nghiệp” đang diễn ra trên địa bàn toàn tỉnh không nằm ngoài quá trình tổ chức sắp xếp lại sản xuất nông nghiệp theo hướng sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu vào, giảm chi phí sản xuất và tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích mà trong đó việc ứng dụng công nghệ cao (giống, kỹ thuật...) được coi là khâu đột phá. Bảo Lâm cũng hòa vào cuộc chuyển đổi ấy nhằm thay “bộ cánh” mới trên đồng ruộng. Những con số khô khốc nhưng có tính biểu thị cao phần nào khái quát được thực tế sản xuất nông nghiệp ở huyện Bảo Lâm. Hiện tại, ngành nông nghiệp chiếm khoảng 35,47% cơ cấu kinh tế chung của huyện. Có thể thấy rõ rằng, tỷ trọng cây chè, cà phê chiếm tới 95% lĩnh vực trồng trọt, trong khi lĩnh vực trồng trọt ở Bảo Lâm chiếm hơn 85% tổng sản phẩm của ngành nông nghiệp xứ này. Vài phác thảo nêu trên cho ta xác tín một định đề khó lòng lay chuyển: cây chè, cà phê vẫn là lựa chọn hàng đầu trong dòng chảy tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hướng tới phát triển nhanh, bền vững và mang lại sự đổi thay đời sống ở nông thôn và đại bộ phận nông dân.

Theo UBND huyện Bảo Lâm, trong giai đoạn 2015 - 2020, bình quân tăng trưởng từ khu vực nông nghiệp của huyện đạt 5,06%. Đi đôi với sự tăng trưởng đó, năng suất, chất lượng, giá trị sản lượng nông sản ngày càng tăng, trong đó nổi bật vẫn là hai cây trồng chủ lực là chè và cà phê, dẫn đến đời sống người dân được cải thiện rõ rệt. Tính chung, với việc duy trì trên 50 ngàn ha đất canh tác nông nghiệp, giá trị sản xuất bình quân hiện tại ở Bảo Lâm đạt 140 triệu đồng/ha. Đặc biệt, có 14% diện tích canh tác ứng dụng công nghệ cao, chiếm 30,25% giá trị sản xuất ngành trồng trọt với những sản phẩm đáp ứng yêu cầu an toàn thực phẩm. Đáng chú ý hơn, Bảo Lâm đảm bảo cung cấp nước tưới chủ động cho khoảng 85% diện tích gieo trồng - đây là một lợi thế không nhỏ đối với sản xuất nông nghiệp của huyện.

Và câu chuyện bền vững

Bên cạnh thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế biến nông sản gắn với vùng nguyên liệu trên địa bàn, huyện Bảo Lâm cũng đẩy mạnh phát triển nhóm hộ, tổ hợp tác, hợp tác xã tạo mối liên kết trong tổ chức sản xuất chè, cà phê để khơi thông kênh cung cấp “nông sản chất lượng, an toàn” cho các doanh nghiệp chế biến. Đồng thời xây dựng chuỗi liên kết giá trị trong sản xuất nông nghiệp với hai cây trồng chủ lực này. Riêng về chuỗi liên kết, hiện tại đã xác lập được 12 chuỗi giá trị đã đi vào hoạt động, góp phần tiêu thụ 20% số lượng nông sản của địa phương, đặc biệt đối với cà phê, chè.

Với sản lượng cà phê đạt hơn 105.273 tấn trong năm, hầu hết được bán cho các cơ sở kinh doanh theo thời giá thị trường; còn sản phẩm chè búp thu hoạch đến đâu cũng được chế biến đến đó. Nghĩa là không bị tồn ứ, lưu kho tại đồng ruộng. Điều này có thể nhận ra khi từ đầu năm 2020 đến nay, sản lượng chè chế biến của Bảo Lâm đạt 688 tấn, bằng 98,3% so với cùng kỳ.

Mục tiêu “cơ cấu lại ngành nông nghiệp” trong giai đoạn 2021 - 2025 của Bảo Lâm đặt ra mức tăng trưởng bình quân 4,7%, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích đạt 160 triệu đồng/ha/năm. Đồng thời nhấn mạnh đến việc ổn định diện tích cà phê ở 36.000 ha và cây chè 6.000 ha.

Theo đó, tập trung vào phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ và xuất khẩu; phấn đấu trên 90% diện tích cà phê và 80% diện tích chè sử dụng giống mới năng suất, chất lượng cao. Song song đó, khuyến khích hình thành sản xuất lớn từ sự liên kết các tổ hợp tác, hợp tác xã; tăng cao diện tích cà phê, chè theo hướng sản xuất hữu cơ, tập trung vào khâu bảo quản sau thu hoạch, nhất là chế biến, hình thành các chuỗi liên kết nông sản khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, xây dựng vùng sản xuất tập trung đối với chè, cà phê ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao đi đôi với việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý sản phẩm.

XUÂN TRUNG

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202010/doi-chan-che-ca-phe-3024779/