Đôi chân kỳ diệu

Nguyễn Tấn Sang, ở thôn Phước Lộc, xã Đức Phú (Mộ Đức) - cậu bé viết chữ bằng chân mà tôi đã gặp ngày nào, giờ là sinh viên năm nhất, khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Phạm Văn Đồng. Sang đã chạm đến ước mơ của đời mình bằng đôi chân kỳ diệu.

Cánh chim khát vọng

Mấy ai nghĩ rằng Sang sẽ vào đại học, ngay cả chị Đỗ Thị Bé - mẹ của Sang, cũng không nghĩ đến. Từ nhỏ, đôi bàn tay của Sang không thể cầm nắm, chị Bé làm đôi tay cho Sang mỗi ngày, kể cả việc mặc quần áo, ăn uống, thì làm sao dám mơ đến chuyện Sang bước vào đại học. Thế mà Sang đã chạm đến ước mơ của cuộc đời, đó là được đến trường, được cầm bút viết chữ, dù là “cầm” bút bằng chân, được lướt bàn phím máy tính, thỏa sức sáng tạo trong thế giới của khoa học công nghệ. Sang đã viết nên kỳ tích, viết chữ bằng chân, gõ máy vi tính bằng chân, tự tin bước vào giảng đường đại học, đó là chặng đường cậu bé từng ngày trải qua với biết bao mồ hôi và nước mắt.

Hằng ngày, chị Đỗ Thị Bé chở con trai là Nguyễn Tấn Sang đến trường đại học.

Hằng ngày, chị Đỗ Thị Bé chở con trai là Nguyễn Tấn Sang đến trường đại học.

Chị Bé bảo, kể ra thì hành trình đến trường của Sang như trong phim. Người phụ nữ 51 tuổi này hằn sâu trên khuôn mặt nỗi lo âu, vất vả của cuộc sống, giờ nhắc lại chuyện khổ cực đã trải qua nghe có vẻ nhẹ tênh. Có lẽ chị đã quen bởi hành trình vượt khó cùng con đến nay gần 30 năm. Hơn 10 tuổi, Sang mới chập chững những bước đi. Nhiều lần bị ngã chảy máu, gãy tay, gãy chân, nhưng cậu bé vẫn tự mình đứng lên, rồi bước tiếp. Ngày ấy, Sang đòi mẹ cho đi học. “Tay chân của con thế này thì làm sao mà học. Không học được đâu con!”, chị Bé nói với con mà đau nhói lòng. Nhưng rồi tình yêu thương của người mẹ dành cho con đã thôi thúc chị đến trường năn nỉ thầy, cô giáo cho Sang được đi học.

"

Hạnh phúc đối với em là được đến trường. Thích nhất là biết thêm kiến thức và chạm vào máy tính. Không gì vui sướng bằng khi được sống và làm điều mình mong ước”.

Em NGUYỄN TẤN SANG

Tôi vẫn còn nhớ năm Sang học lớp 1, cậu bé ngồi trên chiếc bàn nhỏ được “thiết kế” riêng, đặt ở một góc của lớp học. Nhìn cậu bé với đôi tay co quắp giơ lên cao mỗi khi cố gắng kẹp bút vào ngón chân, nắn nót viết từng con chữ, trông giống như đôi cánh chim, và tôi đã gọi đó là “cánh chim khát vọng”. Quả thật, trong cậu bé cháy bỏng khát vọng được làm điều mình mong ước, điều đó chẳng phải cao xa, mà chính là được đến trường học tập như các bạn. Lớp 1 rồi đến lớp 2, lớp 3, lớp 4... Sang đã từng bước vượt qua mọi khó khăn để đến lớp và nuôi dưỡng ước mơ lớn dần theo năm tháng.

Cậu bé Sang ngày nào, giờ đã là chàng trai 28 tuổi, là sinh viên đại học năm nhất, lướt phím máy tính bằng những ngón chân chẳng thua kém đôi tay của các bạn. “Thằng Sang gõ máy vi tính nhanh như gió!”, chị Bé cười nói, rồi vuốt tóc của Sang để động viên, như là cách chị luôn bên cạnh động viên con suốt mấy chục năm qua. Vẫn lời nói nhẹ như gió thoảng, vẫn cái cách lạc quan để đối diện với khó khăn, chị Bé luôn là người phụ nữ mạnh mẽ như thế, đặc biệt là mạnh mẽ mỗi khi đứng trước mặt Sang, dù rằng chị vẫn khóc thầm trong đêm, thương cho số phận kém may mắn của con trai mình. Sang cũng vậy, vẫn nở nụ cười hồn nhiên, vô tư như lần đầu tôi đã gặp, vẫn giàu nghị lực và tràn đầy khát vọng được đắm mình trong bầu trời tri thức.

Mẹ là ánh sáng của đời con

Thời gian mãi miết trôi, và mẹ con Sang vẫn cùng nhau bước những bước đi trong cuộc đời với những buồn, vui, với niềm tin và hy vọng. Dù cuộc sống thế nào chăng nữa, chị Bé vẫn cùng con đến trường. Hằng ngày, chị Bé chở Sang trên chiếc xe máy vượt chặng đường hơn 30km để đến Trường Đại học Phạm Văn Đồng, ở TP.Quảng Ngãi. Hôm nào học buổi sáng thì hai mẹ con đi từ lúc 5 giờ. Học buổi chiều, lúc hai mẹ con về đến nhà thì mặt trời cũng đã khuất sau dãy núi.

Em Nguyễn Tấn Sang dùng đôi chân nhấn bàn phím máy vi tính.

Em Nguyễn Tấn Sang dùng đôi chân nhấn bàn phím máy vi tính.

Những ngày đầu đi học đường xa, sợ Sang ngã khi ngồi sau xe máy, chị Bé lấy sợi dây buộc hai mẹ con lại với nhau, để con trai luôn sát bên mình. Mặc cho mùa đông giá rét, hay nắng nóng như đổ lửa, hai mẹ con chị Bé vẫn cùng nhau đến trường như thế. “Trường bố trí cho mẹ con chị một phòng ở ký túc xá ở cho thuận lợi, chứ đi lại thế này vất vả quá”, thầy giáo trong khoa bảo thế. “Thầy nói thì tui cảm ơn, nhưng mà tui phải về để làm ruộng, nuôi con gà, con heo. Ráng làm để kiếm gạo ăn, kiếm tiền nuôi tụi nhỏ đi học, thầy ạ!”, chị Bé đáp lời. Cái tính “hay lam, hay làm”, ngồi chơi không thấy khó chịu, nên mỗi khi ra thành phố, tranh thủ lúc Sang học ở lớp, chị Bé tìm chỗ phụ bưng bê, rửa bát, dọn nhà thuê cho người ta để kiếm thêm thu nhập.

Người phụ nữ này có vóc dáng nhỏ bé, nhưng nghị lực, tình yêu thương dành cho con thì lớn lao biết nhường nào. Chị Bé tâm tình rằng, nản lòng trước khó khăn thì tôi không bao giờ nản. Để các con học được cái chữ, vất vả mấy vợ chồng tôi cũng cố gắng. Chồng của chị Bé hằng ngày đi làm thuê. Vợ chồng chị có 3 đứa con, Sang là con trai lớn; còn hai con gái, đứa học đại học năm hai, đứa học cao đẳng năm nhất.

Lời nhắn gửi của người thầy

Thầy giáo Phạm Văn Trung - Trưởng khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Phạm Văn Đồng cho hay, Nguyễn Tấn Sang là một sinh viên giàu nghị lực, rất siêng năng, em không bỏ buổi học nào. Qua đây, tôi muốn nhắn gửi đến các em có số phận kém may mắn rằng, các em hãy mạnh dạn tham gia vào môi trường học tập, tham gia các hoạt động. Cùng với gia đình, nhà trường và cộng đồng sẽ đồng hành cùng các em.

Sang chia sẻ rằng, trong mắt em, mẹ là người tuyệt vời nhất. Mẹ hy sinh tất cả để con cái được lớn khôn từng ngày. Đổi lại, điều làm em hạnh phúc nhất là thấy nụ cười của mẹ. Có lần, thấy mẹ đi làm về mệt gần như không còn tí sức lực nào, Sang bảo: “Mẹ ơi, hay là chiều nay mình nghỉ học, để mẹ nghỉ ngơi cho lại sức!”. “Không đâu con, con phải học để sau này có việc làm, để lo cho bản thân khi không còn có mẹ bên mình”, nói rồi mẹ con chị Bé lại tiếp tục hành trình đến trường.

Em Nguyễn Tấn Sang chăm sóc những chậu cây xương rồng.

Em Nguyễn Tấn Sang chăm sóc những chậu cây xương rồng.

Hôm tôi đến thăm nhà đúng lúc chị Bé phơi lúa ngoài sân, còn Sang lăng xăng phụ mẹ những việc nhỏ trong khả năng của mình. Hai mẹ con nói cười vui vẻ. Tiếng chim hót líu lo bên thềm nhà. Sang có sở thích chăm sóc những chú chim để hằng ngày nghe thanh âm rộn rã, tươi vui. Và, hơn chục năm qua, Sang vẫn chăm sóc những chậu cây xương rồng, tuy gai góc nhưng xương rồng nở hoa, như chính cuộc đời của Sang vậy. Vất vả chẳng kể hết, song Sang cảm thấy hạnh phục khi được sống như ước vọng... Hành trình của Sang không chỉ là câu chuyện về nghị lực vượt khó đến trường, mà còn là bài học về khát vọng sống và niềm tin vào chính mình.

Bài, ảnh: PHƯƠNG LÝ

Nguồn Quảng Ngãi: https://baoquangngai.vn/doi-chan-ky-dieu-52916.htm