Đối chất giữa chủ doanh nghiệp và cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự

Tại bản án sơ thẩm, Tòa án nhân dân TP Hà Nội tuyên phạt bị cáo Hoàng Diệu Mơ (Tổng Giám đốc Công ty An Bình) 7 năm tù về tội 'Đưa hối lộ'. Tại phiên xét xử phúc thẩm, bị cáo Mơ không thay đổi nội dung đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Sáng 25-12, tiếp tục phiên xét xử phúc thẩm vụ án "chuyến bay giải cứu", hội đồng xét xử tiến hành xét hỏi một số bị cáo trong nhóm hành vi đưa hối lộ, trong đó có bị cáo Hoàng Diệu Mơ. Hành vi của bị cáo Mơ được xác định, từ tháng 12-2020 đến tháng 1-2022 đã đưa hối lộ tổng số 7 lần cho các cá nhân có thẩm quyền với tổng số tiền hơn 34 tỷ đồng; trong đó đưa 8,5 tỷ đồng cho bị cáo Tô Anh Dũng (cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao), đưa hơn 13 tỷ đồng cho bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan (cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự thuộc Bộ Ngoại giao), đưa 2,6 tỷ đồng cho bị cáo Đỗ Hoàng Tùng (cựu Cục phó Cục Lãnh sự)… Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng tình tiết tăng nặng đối với bị cáo Mơ vì phạm tội nhiều lần.

Tại đơn kháng cáo, bị cáo Mơ xin giảm nhẹ hình phạt và đưa ra các tình tiết giảm nhẹ như ăn năn hối cải, gia đình đã nộp khắc phục hậu quả hơn 2 tỷ đồng, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra để làm sáng tỏ vụ án. Hiện nay, bị cáo Mơ cho biết, bản thân đang phải điều trị tích cực bệnh cường tuyến giáp.

Khi được hỏi cung cấp thêm các tình tiết giảm nhẹ tại phiên phúc thẩm, bị cáo Mơ bổ sung 4 nội dung để mong hội đồng xét xử xem xét, trong đó, bị cáo này nêu lên những thành tích đóng góp của mình từ năm 2013 đến nay; bị cáo cũng trình bày hiện bản thân trải qua 2 lần xạ trị và đang trong giai đoạn điều trị bệnh cường tuyến giáp, trở thành suy giáp. Bên cạnh đó, bị cáo Mơ còn nói mình đã tự thú trong vụ án, vì cấp sơ thẩm chưa xem xét tới tình tiết này.

“Bị cáo là người đầu tiên bị bắt trong vụ án về hành vi đưa hối lộ, bị cáo đã tự thú ngay từ giai đoạn đó, sau đó vụ án được điều tra mở rộng. Hành vi tự thú này có thể được đánh giá hơn cả mức thành khẩn, nên mong hội đồng xét xử xem xét thêm”, bị cáo Mơ nói và mong muốn được xem xét thêm việc tổ chức các chuyến bay đưa công dân về nước giai đoạn dịch bệnh là chính đáng.

“Bị cáo làm đúng, làm rất uy tín nên không có sự ưu tiên từ đâu. Thời điểm xin cấp phép, hàng trăm doanh nghiệp được cấp phép trong một ngày, có thể 20 chuyến bay cùng một ngày bay, doanh nghiệp của bị cáo đã nỗ lực để bán vé với chất lượng dịch vụ cao nhất, ở đây không có sự ưu ái nào cho doanh nghiệp bị cáo”, bị cáo Mơ trình bày.

Trong lúc trình bày, bị cáo Mơ được tòa yêu cầu dừng lời để làm rõ thêm nội dung có đưa tiền cho bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan. Ngay sau đó, tòa yêu cầu bị cáo Lan lên bục khai báo để đối chất có hay không có việc nhận tiền từ bị cáo Mơ. Bị cáo Lan trình bày: “Tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo không có ý kiến gì về số tiền, trong quá trình điều tra, bị cáo đã thừa nhận tất cả các khoản tiền đã nhận của bị cáo Mơ mà bị cáo nhớ. Cũng tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo chấp nhận bản cáo trạng và không có ý kiến gì khác”, bị cáo Lan nêu và sau đó được đề nghị về chỗ ngồi.

Tham gia xét hỏi, luật sư đề nghị bị cáo Mơ cho biết việc có gặp và đưa tiền cho bị cáo Trần Văn Dự (cựu Phó Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh) để nhờ giúp đỡ? Bị cáo Mơ cho rằng, tại phiên sơ thẩm, bị cáo khai có đến để trả chi phí cho bị cáo Dự.

Trong khi đó, luật sư Nguyễn Huy Thiệp, bào chữa cho bị cáo Hoàng Diệu Mơ đề nghị bị cáo làm rõ việc nhận định trong bản án sơ thẩm rằng “do một số doanh nghiệp đưa lượng tiền lớn cho những người có chức trách nên được ưu ái tổ chức nhiều chuyến bay và số lượng khách lớn…”. Đồng thời, luật sư cho rằng, việc đưa tiền không phải là nguyên nhân tiên quyết trong việc được cấp chuyến bay.

Bị cáo Mơ cho hay, doanh nghiệp của mình có 70 nhân sự, trong thời kỳ khó khăn nhất, có nguy cơ đóng cửa. Trước bối cảnh đó, khi xin cấp phép chuyến bay và không có hành lang pháp lý để hướng dẫn: “Bị cáo nộp rất nhiều hồ sơ và đi rất nhiều cơ quan để xin chấp thuận, trong quá trình triển khai chuyến bay gặp rất nhiều khó khăn. Còn việc đưa tiền cho các cá nhân thuộc cơ quan nhà nước vì bị cáo thấy những người đó giúp mình rất nhiều, bị cáo thấy rất cảm kích vì sự giúp đỡ của Bộ Ngoại giao trong khi doanh nghiệp mình đang khó khăn”, bị cáo Mơ khai tại tòa.

Từ đó, luật sư của bị cáo Mơ nhận định, việc tổ chức các chuyến bay hoàn toàn không phải là do đưa nhiều tiền, mà tùy thuộc vào năng lực tổ chức chuyến bay, khả năng đáp ứng được yêu cầu và đáp ứng được các yêu cầu phòng chống dịch Covid-19. “Bản thân bị cáo Mơ bị áp dụng tình tiết tăng nặng là phạm tội nhiều lần vì đưa tiền nhiều lần, nhưng cũng có những lần bị cáo chủ động khai nhận trước khi bị phát hiện, đó là nội dung mà thân chủ của tôi muốn đề nghị áp dụng thêm tình tiết tự thú”, luật sư Thiệp nhấn mạnh.

Chiều nay, phiên tòa tiếp tục phần xét hỏi.

ĐỖ TRUNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/doi-chat-giua-chu-doanh-nghiep-va-cuu-cuc-truong-cuc-lanh-su-post719885.html