Đội cồng chiêng nhí làng Đăk Wâk

Thời gian qua, việc bảo tồn, phát huy không gian văn hóa cồng chiêng trong cộng đồng người dân tộc thiểu số luôn được tỉnh Kon Tùm quan tâm. Đặc biệt, ngành văn hóa huyện Đăk Glei kêu gọi các làng lập nên những đội cồng chiêng nhí, nuôi dưỡng tình yêu nghệ thuật và văn hóa dân tộc trong thế hệ trẻ.

Đội cồng chiêng nhí làng Đăk Wâk trong một lần biểu diễn cồng chiêng ở thành phố Kon Tum năm 2020. Ảnh: Tiêu Dao

Đội cồng chiêng nhí làng Đăk Wâk trong một lần biểu diễn cồng chiêng ở thành phố Kon Tum năm 2020. Ảnh: Tiêu Dao

Tại làng Đăk Wâk (xã Đăk Kroong, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum) đều đặn mỗi tháng hai lần, các cháu nhỏ đến nhà rông để luyện tập đánh cồng chiêng và múa xoang. Thôn Đăk Wâk có 293 hộ với 1.202 nhân khẩu, có 5 dân tộc anh em sinh sống, trong đó, dân tộc Giẻ Triêng chiếm trên 96% dân số của cả thôn. Khoảng 19 giờ mỗi ngày cuối tuần, trước Nhà sinh hoạt cộng đồng làng lại rộn ràng khi hơn 20 em thiếu niên trong làng cùng tập trung về tập cồng chiêng. Bà con kéo đến sân ngồi xem chật kín. Mặc dù chỉ là tập luyện, nhưng em nào cũng háo hức, nhiều em lấp ló sau cánh cửa Nhà sinh hoạt cộng đồng, mắt lấp lánh niềm vui thích khi xem bạn bè tập luyện.

Nghệ nhân A Thơng (thôn Đăk Wâk) là một người thầy giỏi trong việc truyền dạy cồng chiêng cho các thế hệ con cháu. Nghệ nhân A Thơng nói: “Ban đầu, việc truyền dạy gặp nhiều khó khăn do các cháu còn nhỏ, nói một lần, hai lần không hiểu ngay được. Mình kiên trì chỉ dạy từng nhịp chiêng, cuối cùng các cháu cũng học được và trở nên thành thạo. Cháu nào chưa biết thì già dạy miết, dạy mãi cho biết hết tất cả, cái này gõ, cái này đánh mấy lần, cái kia đánh mấy lần”.

Sau giờ học, các em nhỏ tập trung về nhà rông để được các nghệ nhân lớn tuổi trong làng dạy đánh cồng chiêng. Em Đinh Lich (11 tuổi) chia sẻ: “Già Thơng dạy gần 2 tháng, em và các bạn mới biết đánh chiêng. Trong đó, già hướng dẫn cho tụi em từ cách đeo chiêng trên vai, cách cầm dùi, gõ nhịp từng bài chiêng. Sau đó, mỗi bạn kiên nhẫn tự tập đến khi tất cả thành thạo thì ráp cả đội lại tập cho đến khi tiếng chiêng của mỗi người hòa nhịp mới thôi. Qua các buổi tập luyện, em và các bạn đã có thể biểu diễn thành thạo 2 bài chiêng “Nhớ ơn Đảng, Bác Hồ” và “Mừng làng tươi mới". Em rất mừng khi được cùng các bạn trình diễn cồng chiêng. Chúng em sẽ mang tiếng cồng chiêng, điệu múa xoang của dân tộc mình đến với mọi người để góp phần gìn giữ, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc”.

Giờ đây, những điệu cồng chiêng lại tiếp tục vang xa bởi thế hệ trẻ trong làng. Khi nhìn thấy con cháu đánh những bài chiêng, múa những điệu xoang mà mình chỉ dạy, nghệ nhân A Thơng không diễn tả hết cảm xúc: “Tôi thấy các cháu muốn đánh cồng, đánh chiêng là thấy sướng. Đi làm nghe tiếng cồng chiêng, ôi chao mình thích, chỉ muốn về nhà thôi. Thấy con cháu nhảy nhót, mình thấy những mệt mỏi cũng hết rồi!".

Nghệ nhân A Thơng đã truyền dạy cho đội cồng chiêng nhí này những bài chiêng truyền thống của đồng bào dân tộc Giẻ Triêng như mừng lúa mới, lễ đâm trâu... được các em biễu diễn thuần thục và đại diện cho thôn Đăk Wâk tham gia các lễ hội, đi biểu diễn ở huyện, ở tỉnh. Em A Sơri (Đội cồng chiêng thôn Đăk Wâk) nói: “Con rất tự hào vì được đánh cồng chiêng do già làng dạy bảo. Con sẽ quyết tâm giữ gìn nó!”.

Đội cồng chiêng nhí của làng không chỉ được nhiều người trong xã, huyện mà cả trong tỉnh biết tới nhờ bề dày thành tích qua các hội thi. Trong đó, thành tích nổi bật là với 2 bài chiêng, A Trần Phước và các bạn đã đoạt giải Ba tại Liên hoan cồng chiêng - xoang dành cho học sinh phổ thông do Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đăk Glei tổ chức năm 2019.

Ông Lê Bá Thế, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đăk Kroong chia sẻ: “Trong thời gian qua, chính quyền xã đặc biệt quan tâm đến công tác bảo tồn, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc trên địa bàn. Hằng năm, huyện Đăk Glei tuyên truyền, vận động nhân dân duy trì tổ chức các lễ hội tiêu biểu của các dân tộc bản địa trên địa bàn huyện như: Lễ nước giọt, lễ mừng năm mới, lễ mừng nhà rông mới, lễ mừng lúa mới, lễ trỉa lúa... Qua đó, các lễ hội tiêu biểu của các dân tộc được bảo tồn, phát huy, các hoạt động này đảm bảo tiết kiệm, vui tươi, lành mạnh gắn với không gian văn hóa cồng chiêng. Điều đáng mừng là nhiều bạn trẻ đã tìm đến các nghệ nhân để học đánh cồng chiêng, múa xoang, hay đan lát, dệt. Đây chính là việc làm thể hiện rõ ước vọng giữ gìn những nét đẹp văn hóa vốn có của thế hệ trẻ”.

Để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc đó, các thế hệ già làng luôn ý thức được việc truyền dạy, bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng trong đời sống của mỗi người. Tại huyện Đăk Glei, hằng năm, các già làng thường tổ chức những buổi giao lưu cồng chiêng giữa các làng, tổ chức các lễ hội để có cơ hội lựa chọn ra những thành viên tích cực phát triển văn hóa cồng chiêng. Không chỉ truyền dạy đánh cồng chiêng mà các thế hệ đi trước của làng còn thổi được "lửa" vào những thế hệ sau. Khi có đam mê, nhiệt huyết chắc chắn văn hóa dân tộc sẽ trường tồn.

Những năm gần đây, tỉnh Kon Tum là địa phương có nhiều đội cồng chiêng nhí hoạt động hiệu quả ở trường học, trong sinh hoạt văn hóa âm nhạc ở các thôn làng. Chính những nghệ nhân nhí của các đội cồng chiêng này đã và đang tiếp nối giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc ở cộng đồng.

Cứ thế, lớp lớp trẻ con ở làng Đăk Wâk lớn lên mang theo tình yêu, sự gắn bó, nhiệt huyết với âm thanh trầm bổng đầy mê hoặc của cồng chiêng. Mỗi khi nhìn lớp trẻ biểu diễn các bài chiêng đã học cho dân làng thưởng thức, nghệ nhân A Thơng cảm thấy thật vui, thật mãn nguyện khi văn hóa truyền thống của dân tộc Giẻ Triêng không bị lãng quên mà đang được con cháu tiếp nối.

Tiêu Dao

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/doi-cong-chieng-nhi-lang-dak-wak-post470665.html