Đổi công xây nhà - gắn kết cộng đồng dân cư

Những ngày này đến các xã: Chiềng Ly, Phổng Lăng, Bản Lầm, Tông Cọ, Thôm Mòn của huyện Thuận Châu đều bắt gặp hình ảnh nhiều nhà dân đang được xây mới. Điều đặc biệt là, những ngôi nhà này được xây dựng theo hình thức đổi công và những thợ xây, thợ phụ đều là anh em trong nhà, hàng xóm trong bản, xã, có kinh nghiệm về xây dựng tham gia hỗ trợ, góp phần giảm chi phí và tăng tình đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng dân cư.

Một ngôi nhà ở bản Lạnh, xã Tông Lạnh được xây theo hình thức đổi công.

Một ngôi nhà ở bản Lạnh, xã Tông Lạnh được xây theo hình thức đổi công.

Đến bản Cụ, xã Chiềng Ly, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi nhiều nhà dân được xây mới to, đẹp, một số nhà vẫn đang tiếp tục được hoàn thiện. Ngôi nhà 2 tầng của gia đình anh Lò Văn Thoảng ngay đầu bản vừa xong phần thô, chuẩn bị sơn. Chia sẻ với chúng tôi, anh Thoảng, phấn khởi: Với 4 năm kinh nghiệm làm thợ xây ở Hà Nội và có một số vốn tích lũy, năm nay, do trong thời điểm dịch, không đi làm ăn xa, tôi quyết định xây nhà. May mắn được anh em cùng là thợ xây trong bản giúp đỡ công thợ, ngôi nhà này chỉ mất tiền vật liệu, sau hơn 4 tháng nhà tôi đã sắp hoàn thành, tết này gia đình tôi được vào ở nhà mới, mừng lắm!

Đang hoàn thiện trát áo bức tường cuối cùng của nhà anh Thoảng, anh Lò Văn Thiêu nói: Ở bản anh em đi làm công nhân xây dựng đều có tay nghề cao, nên nhiều năm nay trong bản ai xây dựng nhà, bà con lại giúp đỡ nhau theo hình thức đổi công, vừa tiết kiệm tiền, vừa gắn kết tình cảm anh em.

Đồng chí Lò Văn Thành, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Chiềng Ly, thông tin: Khoảng 4-5 năm trở lại đây, trong xã có rất nhiều nhà được xây theo hình thức đổi công này. Đặc biệt là trong thời gian dịch bệnh Covid-19 bùng phát, bà con không đi làm ăn ở các tỉnh miền xuôi được, nên nhiều gia đình tranh thủ lúc lao động đang nhàn rỗi, lại có kinh nghiệm để xây dựng nhà ở theo hình thức đổi công. Riêng trong năm 2021, trong xã có gần 100 ngôi nhà được xây mới theo hình thức này, số nhà tạm, nhà dột nát vì thế cũng giảm đáng kể, chất lượng cuộc sống và mức độ thụ hưởng của người dân cũng vì thế nâng cao.

Tiếp tục đến bản Lạnh, xã Tông Lạnh, nhiều nhà đang hoàn thiện để kịp đón tết. Ngoài những nhà xây theo kiểu đơn giản, còn có nhiều nhà được thiết kế khá hiện đại, nhưng đều do thợ đổi công đảm nhận. Dừng chân tại gia đình anh Quàng Văn Tưởng, ngôi nhà được xây theo kiểu mái Thái đang được hoàn thiện những công đoạn cuối cùng. Anh Tưởng cho biết: Cũng nhờ có anh em trong nhà, hàng xóm trong bản giúp đỡ ngày công và hỗ trợ cả phần thiết kế, nên đã giảm chi phí tiền thuê thiết kế, thuê thợ đến 300 triệu đồng, tôi rất ưng ý ngôi nhà mới này. Thật sự, nếu không có anh em trong bản, chắc phải rất lâu nữa tôi mới xây được ngôi nhà to đẹp thế này!

Vài năm trở lại đây, nhiều người dân ở một số xã của huyện Thuận Châu cùng nhau đi làm thợ xây ở các tỉnh dưới xuôi, khi trở về nhà tích cóp được tiền và cả kinh nghiệm xây nhà; không chỉ đổi công với anh em trong nhà mà còn cả người dân trong bản, không chỉ đàn ông mà cả phụ nữ tham gia hỗ trợ. Theo tính toán, tiền công thợ xây dựng phải mất đến gần 30% số tiền làm nhà, nên việc đổi công đã giảm được rất nhiều chi phí.

Có thể thấy, hình thức đổi công đã trở thành một nét sinh hoạt gắn liền với đời sống thường ngày của người dân, như đổi công mùa gặt, mùa cấy cày rồi cả thu hoạch nông sản. Hình thức đổi công xây nhà cũng là một cách để mượn sức của cộng đồng, tập thể vừa giảm chi phí, vừa giúp gắn kết thêm tình anh em, làng xóm, cộng đồng dân cư, trở thành nét đẹp văn hóa cần nhân rộng trong xã hội hiện đại ngày nay.

Thủy Ngân

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/doi-cong-xay-nha--gan-ket-cong-dong-dan-cu-47243