Dồi dào hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán

PTĐT - Gần Tết Nguyên đán, nhu cầu sử dụng hàng hóa của người dân tăng cao, để tránh tình trạng thiếu hàng, sốt giá, các doanh nghiệp, cửa hàng và người sản xuất trên địa bàn tỉnh đã chủ động lên phương án dự trữ, chuẩn bị nguồn hàng đảm bảo nhu cầu cho người tiêu dùng trong dịp Tết.

Siêu thị Co.opMart Việt Trì đã sẵn sàng nguồn hàng cung ứng cho thị trường dịp Tết Nguyên đán.

Siêu thị Co.opMart Việt Trì đã sẵn sàng nguồn hàng cung ứng cho thị trường dịp Tết Nguyên đán.

Theo đánh giá của Sở Công thương, những ngày giáp Tết, sức mua của người tiêu dùng tăng từ 20 - 30% so với ngày thường. Để chủ động hàng hóa cung ứng ra thị trường, Sở Công thương đã xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu, đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm và dịp Tết Nguyên đán. Năm nay, các mặt hàng dự trữ khá đa dạng như: Gạo tẻ, dầu ăn, đường kính, sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi, thực phẩm đã qua chế biến, thịt lợn và thịt gia cầm, các loại nông sản. Với số lượng dân trung bình toàn tỉnh hiện nay là trên 1,4 triệu người, khoảng 400.000 hộ, dự kiến tháng Tết sẽ tiêu thụ khoảng 14.600 tấn gạo; 580 tấn dầu ăn, 730 tấn đường, 2.190 tấn thịt lợn hơi, 1.460 tấn thịt gia cầm… với tổng mức tiêu dùng khoảng 800 tỷ đồng. Các nguồn hàng dự trữ được kiểm tra chặt chẽ về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đối với người tiêu dùng. Trong đó, các mặt hàng thịt lợn, thịt gia cầm được khai thác từ các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh. Các mặt hàng còn lại do doanh nghiệp bán hàng hợp đồng theo kế hoạch với các nhà sản xuất, nhà phân phối. Đến thời điểm này, hầu hết các doanh nghiệp và trang trại chăn nuôi, gia súc gia cầm đã sẵn sàng nguồn hàng cung ứng ra thị trường. Tuy nhiên, năm nay, do ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi, giá lợn trên thị trường tăng cao hơn so với năm trước. Sở Công thương đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh, tiếp tục khoanh vùng khống chế dịch bệnh, không để lây lan và thực hiện các giải pháp đảm bảo nguồn cung kịp thời. Hiện toàn tỉnh có tổng đàn lợn 609 nghìn con, dự kiến dịp Tết Canh Tý xuất ra thị trường khoảng 12 nghìn tấn thịt lợn hơi. Giá thịt lợn lên cao, nhiều người có xu hướng chuyển sang sử dụng các loại gia cầm và thủy sản. Dự kiến, mặt hàng thủy sản dịp Tết cung cứng ra thị trường từ 6 - 7 tấn. Tại Siêu thị Co.opMart Việt Trì, thời điểm này đã sẵn sàng nguồn hàng phục vụ nhu cầu dịp Tết. Năm nay, siêu thị cung ứng ra thị trường đa dạng các loại mặt hàng, chỉ tính riêng các mặt hàng thực phẩm đã qua chế biến và gạo tham gia chương trình bình ổn giá với tổng giá trị 4,38 tỷ đồng. Bà Đàm Thanh Hương - Phó giám đốc siêu thị cho biết: “Siêu thị đã lên kế hoạch dự trữ nguồn hàng từ khá sớm, đặt đơn hàng với nhà cung cấp, tránh tình trạng “đứt” hàng dịp Tết, dự kiến nguồn hàng năm nay cao hơn năm trước khoảng 10% và cao hơn những tháng thường 30 - 35%. Đối với các mặt hàng thực phẩm, chúng tôi lựa chọn 95% là các sản phẩm Việt. Số lượng nguồn hàng dự trữ tương đối lớn, ngoài kho hàng của hệ thống, siêu thị đã thuê thêm một số địa điểm làm kho mới đảm bảo được lượng hàng hóa phục vụ Tết”. Cũng theo bà Hương, năm nay trong hệ thống siêu thị Co.opMart đã có sự hiện diện của nhiều mặt hàng nông sản trong tỉnh như: Thịt chua Thanh Sơn, bánh nẳng làng Dòng, bánh gai, cá thính, ngô, bưởi Đoan Hùng… đây là điều kiện để các sản phẩm của tỉnh đến gần với người tiêu dùng trên cả nước.

Trang trại chăn nuôi gà của gia đình anh Nguyễn Thành Nhân - khu 5, xã Phú Khê, huyện Cẩm Khê dự kiến sẽ xuất bán trên 1.000 con gà, đáp ứng nhu cầu sử dụng thực phẩm của người tiêu dùng trong dịp Tết.

Trang trại chăn nuôi gà của gia đình anh Nguyễn Thành Nhân - khu 5, xã Phú Khê, huyện Cẩm Khê dự kiến sẽ xuất bán trên 1.000 con gà, đáp ứng nhu cầu sử dụng thực phẩm của người tiêu dùng trong dịp Tết.

Không chỉ trong hệ thống các siêu thị, tại các chợ, cửa hàng tạp hóa cũng bày bán đa dạng các mặt hàng phục vụ Tết. Nhiều người đã tranh thủ thời tiết thuận lợi đi mua sắm một số loại thực phẩm, đồ khô có thể dự trữ, tránh tình trạng khan hiếm hàng và tăng giá. Bà Nguyễn Thị Mai - Chủ cửa hàng tạp hóa ở chợ Trung tâm Việt Trì cho biết: “Tết là thời điểm nhiều loại hàng hóa không rõ nguồn gốc, kém chất lượng dễ dàng trà trộn để móc túi người tiêu dùng, do đó, người tiêu dùng cũng nên thận trọng trong việc lựa chọn hàng hóa, chú ý đến hạn sử dụng, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, nhất là các mặt hàng bánh kẹo và mứt Tết”.Những năm gần đây, nhiều mặt hàng nông sản trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển biến rõ nét về chất lượng sản phẩm. Ở huyện vùng cao Tân Sơn, trước đây, người dân chủ yếu sản xuất nhỏ lẻ, theo hướng tự cung tự cấp. Nhận thấy nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch của người tiêu dùng tăng cao, các hộ đã mở rộng diện tích, trồng trọt và chăn nuôi quy mô lớn, theo hướng hàng hóa. Năm nay, Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Vân Sơn (HTX) đã đứng ra làm đầu mối thu gom và bao tiêu sản phẩm. Bà Đặng Thị Bích Hậu - Giám đốc HTX cho biết: “Bắt đầu từ tháng 11, chúng tôi lựa chọn các sản phẩm, lên kế hoạch thu gom và tích trữ. Ngoài các mặt hàng thổ cẩm, HTX tập trung vào các sản phẩm nông sản như măng nứa, lợn rừng, gà cựa, gạo nếp nương, nếp cẩm, gà ri... Trong đó, măng nứa là sản phẩm có số lượng đặt mua nhiều nhất, riêng dịp Tết HTX bán khoảng 2 - 3 tạ với giá 200.000 đồng/kg. Ngoài ra, gà cựa cũng là sản phẩm đắt khách với giá dao động từ 220 - 250.000 đồng/kg”. Hòa trong không khí tất bật của những ngày cuối năm, nông dân ở các địa phương cũng tập trung chăm sóc các loại rau màu, vật nuôi để thu hoạch đúng dịp Tết, giá thành sẽ cao hơn. Làng nghề sản xuất rau an toàn Phú Lợi, phường Trường Thịnh, thị xã Phú Thọ là “vựa rau” lớn cung cấp các loại rau, củ, quả cho người dân khu vực thị xã và một số địa phương lân cận. Ngay từ sáng sớm, trên cánh đồng đã nhộn nhịp tiếng cười nói. Chị Nguyễn Thị Thu Hương - thành viên của làng nghề cho biết: “Dịp Tết, rau thường dễ tiêu thụ, bán được giá cao hơn thường ngày nên nhiều năm nay chúng tôi rất chú trọng sản xuất. Để rau bán đúng vào dịp Tết, người trồng phải tính toán cơ cấu thời vụ, lựa chọn giống phù hợp rồi phân khu trồng để dễ dàng chăm sóc và quản lý. Với 5 sào rau, tôi trồng theo hình thức gối để có rau bán cả trước, trong và sau dịp Tết với các loại: Su hào, súp lơ, bắp cải, rau thơm... hứa hẹn vụ Tết sẽ đem lại một khoản thu nhập kha khá, có tiền để trang trải cuộc sống”. Toàn làng nghề có 42 thành viên với gần 8ha, sản xuất theo quy trình VietGap. Trung bình mỗi ngày làng nghề cung cấp ra thị trường 2 - 3 tấn rau các loại, gần Tết lượng hàng hóa bán ra thị trường sẽ lên đến 3,5 - 4 tấn, giá cả cũng có chút thay đổi nhưng không nhiều. Không chỉ ở làng nghề sản xuất rau an toàn Phú Lợi, ở các làng rau an toàn Sai Nga, Tân Đức, Tứ Xã… đâu đâu cũng dễ bắt gặp hình ảnh người dân tích cực chăm sóc, sản xuất các mặt hàng nông sản, đảm bảo đúng tiêu chuẩn, phục vụ nhu cầu người tiêu dùng. Ngoài việc đảm bảo nguồn hàng cung ứng phục vụ thị trường Tết Nguyên đán, năm nay, các loại hàng hóa được cải tiến về mẫu mã, kiểu dáng đa dạng và chất lượng sản phẩm được cải thiện. Các ngành chức năng tiếp tục phối hợp với các huyện, thành thị tập trung tạo nguồn hàng dồi dào, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, ổn định về giá nhằm giảm áp lực về “cầu” ảnh hưởng đến đời sống của người dân, góp phần ổn định tình hình kinh tế - xã hội. Đồng thời, đảm bảo đầy đủ, thường xuyên số lượng hàng hóa thiết yếu, không để tình trạng khan hiếm hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến. Các địa phương tăng cường khuyến khích người dân tăng gia sản xuất, thường xuyên rà soát, thống kê số liệu các mặt hàng nông sản để có định hướng sản xuất phù hợp với nhu cầu thực tế.

Hà Nhung

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/202001/doi-dao-hang-hoa-phuc-vu-tet-nguyen-dan-168657