Đối đầu và cạnh tranh nước lớn bao trùm phiên họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho rằng cục diện thế giới đang diễn tiến theo một hướng nguy hiểm và cần phải làm mọi điều có thể để tránh một cuộc chiến tranh Lạnh.
Không nằm ngoài dự đoán, phiên họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc lần thứ 75 tiếp tục chứng kiến sự đối đầu căng thẳng và cạnh tranh giữa những nước lớn, đặc biệt là Mỹ-Trung Quốc. “Chúng ta đang đi theo một định hướng nguy hiểm” là điều Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres khẳng định về những đối đầu hiện nay, đồng thời kêu gọi các quốc gia cần phải tránh một cuộc chiến tranh Lạnh bằng mọi giá.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres (trái) và Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc
Volkan Bozkir trước phiên khai mạc ngày 21/9/2020. Ảnh: UN
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã sử dụng bài phát biểu của mình tại phiên thảo luận chung của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc để công kích Trung Quốc. Ngay từ đầu bài phát biểu, ông Donald Trump khẳng định Trung Quốc cần phải có trách nhiệm giải trình về những hành động của mình liên quan đến dịch Covid-19
“Trung Quốc đã đóng cửa đất nước trong khi vẫn cho phép các chuyến bay rời khỏi Trung Quốc và phát tán virus ra cả thế giới. Chính phủ Trung Quốc và Tổ chức Y tế thế giới đã có những tuyên bố sai lầm rằng không có bằng chứng lây nhiễm từ người sang người. Sau đó họ lại sai lầm khi nói rằng những người không có dấu hiệu sẽ không lây lan bệnh dịch. Liên hợp quốc cần phải buộc Trung Quốc chịu trách nhiệm về hành động của mình”, Tổng thống Trump nhấn mạnh.
Tổng thống Trump cũng khẳng định sẽ đảm bảo phân phối vắc-xin và kêu gọi hoạt động hiệu quả hơn nữa của Liên Hợp Quốc tập trung vào những vấn đề lớn của thế giới.
Không đả động đến Mỹ, khẳng định không muốn chiến tranh “ lạnh hay nóng” với bất cứ ai, nhưng bài phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình như một lời chỉ trích “ ngầm” nhằm vào Mỹ khi kêu gọi sự hợp tác toàn cầu để đối phó với Covid-19, với sự dẫn dắt của Tổ chức Y tế thế giới - cơ quan mà Mỹ gọi là “con rối” của Trung Quốc và đã rút khỏi tư cách thành viên.
“Đối phó với dịch Covid-19, chúng ta nên tăng cường đoàn kết và vượt qua những thách thức cùng nhau. Chúng ta nên tuân theo các hướng dẫn khoa học, thúc đẩy vai trò hàng đầu của Tổ chức Y tế thế giới, đẩy mạnh một phản ứng quốc tế chung đối phó với dịch bệnh. Cần phải loại bỏ bất cứ nỗ lực nào chính trị hóa hay cáo buộc vô căn cứ”, Chủ tịch Tập Cận Bình nói.
Không công khai chỉ trích Mỹ trên bục phát biểu Liên Hợp Quốc nhưng Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Trương Quân gọi cáo buộc của Mỹ là "vô căn cứ", đồng thời chỉ trích Tổng thống Mỹ Donald Trump "lạm dụng bục phát biểu của Liên Hợp Quốc để khiêu khích đối đầu và gây chia rẽ".
Với dấu mốc son 75 năm tuổi, có nhiều điều Liên Hợp Quốc có thể tự hào trong việc hướng đến mục tiêu hòa bình và phát triển bền vững cho người dân thế giới. Tuy nhiên xung đột, cạnh tranh nước lớn, chính trị cường quyền, chủ nghĩa đơn cực… đang tạo ra hàng loạt các thách thức cho thế giới.
Dịch Covid-19 với những hệ lụy, đối đầu Mỹ- Trung hay căng thẳng Nga-Mỹ với việc hai bên rút khỏi một loạt các Hiệp ước kiểm soát vũ khí, khơi mào cho một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân và nguy cơ của một chiến Lạnh.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres hôm qua khẳng định, thế giới đang diễn tiến theo một định hướng nguy hiểm và cần phải làm mọi điều có thể để tránh một cuộc chiến tranh Lạnh.
“Thế giới cần một lệnh ngừng bắn toàn cầu để chấm dứt các cuộc xung đột đồng thời tránh một cuộc chiến tranh Lạnh mới. Chúng ta đang đi theo một định hướng nguy hiểm. Thế giới không có tương lai nơi hai nền kinh tế lớn nhất chia cắt địa cầu bằng một sự đứt gãy lớn khi mỗi bên với các quy định thương mại và tài chính của mình, cũng như các chia cắt địa chính trị và quân sự. Chúng ta cần phải tránh tất cả những điều này bằng mọi giá”, ông Guterres nói.
Những thách thức mà thế giới đang phải đối mặt càng cho thấy vai trò quan trọng của Liên Hợp Quốc - “ trung tâm điều phối hành động chung của các quốc gia”. Tuy nhiên với một thế giới đang có sự biến đổi, cải tổ một cách toàn diện và có hệ thống, phù hợp với tình hình quốc tế mới đang là một yêu cầu cấp thiết nhằm tiếp tục đảm bảo vai trò và vị thế của Tổ chức đa phương lớn nhất thế giới này.