'Đối diện với tình trạng dịch bệnh toàn cầu, Việt Nam giỏi quá'
Với cuộc chiến chống dịch như chống giặc lần này tôi thực lòng khâm phục chính phủ, ngành y tế và người dân Việt Nam đã đồng lòng chung tay diệt căn bệnh đang ở mức toàn cầu này.
Cách đây hai ngày con gái tôi sống ở Mỹ gọi điện về, nói mẹ hãy chát với con bằng hình ảnh để chúng ta nhìn thấy nhau xem sức khỏe cụ thể thế nào để yên trí vào những ngày dịch bệnh đang làm lo lắng toàn thế giới. Tôi bảo, thế không ngó qua facebook của mẹ sao. Nó bảo, có xem, có thấy những bức tranh, những bài viết, vẫn biết mẹ đang làm việc, nhưng còn muốn nghe giọng nói, muốn nhìn thần sắc, vì bệnh này bắt đầu bằng đường cổ họng… Sau khi nhìn thấy tôi, yên trí là tôi khỏe, nó bắt đầu câu chuyện dịch bệnh ở Mỹ. Nó bảo: Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch Bệnh Mỹ (CDC) vừa khuyến cáo công dân nên chuẩn bị ứng phó với sự lây lan của virus corona tại đây. CDC cũng cho biết thêm những thông tin cụ thể về dịch bệnh đang bùng phát rất nhanh chóng ở I ran, Hàn Quốc và Italya và đã xảy ra trên phạm vi toàn cầu. Nhiều nơi dịch bệnh đang rất khó kiểm soát, không chỉ ở châu Âu còn ở các nước kém phát triển, nơi không có điều kiện phát hiện bệnh nhanh chóng. Nó cho biết ở chỗ nó không chỉ giới chức mà người dân đang rất lo ngại về dịch bệnh sẽ lây lan và khó kiểm soát trong nước Mỹ.
Nói chuyện với tôi còn có bạn của nó, cho biết thêm hiện TT Mỹ Donald Trump đã ra Tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia đối với dịch Covid-19 và đến nay, ở Mỹ đã có gần 1.400 người nhiễm, gần 40 ca tử vong. Chính phủ Mỹ đang huy động sức mạnh tổng hợp, cả về chính sách, nguồn lực, bộ máy điều hành… hy vọng dựng được một thế trận vững vàng và bài bản hơn trong cuộc chiến này.
Câu chuyện hướng đến tình hình kiểm soát dịch bệnh ở Việt Nam. Từ truyền thông chính hãng đến các câu chuyện cửa miệng đều có nhận xét Việt Nam hiện đang đi đầu trong việc thành công kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh. Nhưng con cũng thành thật thắc mắc: Tại sao ở không xa mấy so với tâm dịch Vũ Hán, có đường biên dài đối với một nước có nhiều người bị nhiễm bệnh, lại có nhiều công nhân của nước ấy về nghỉ tết tại vùng dịch rồi trở lại Việt Nam làm việc mà cho đến nay Việt Nam mới chỉ dừng ở 2 con số người nhiễm bệnh, không có ca tử vong nào? Điều đó có thật không và có tin được không, con nghe nói có vẻ như thông tin không minh bạch? Tôi bảo con, cứ nhìn mẹ đây này, cũng đang sống ở Hà Nội chỉ cách Trúc Bạch, nơi có mấy ca dương tính có vài km mà có việc gì đâu. Đừng tin fake news và những suy diễn của những người vốn đã sẵn định kiến, Việt Nam còn có những điều chưa tốt nhưng riêng việc chống dịch, xử lý các vấn đề khi xảy ra dịch bệnh ( vào năm 2003 với dịch Sars) và bây giờ là Corona, con hãy tham chiếu các thông tin thì sẽ biết ngay đâu giả đâu thật.
Tôi kể cho con nghe về Sơn Lôi, Vĩnh Phúc (nơi có lần về con đã lên chơi) để biết cụ thể cách Việt Nam nhận diện, khoanh vùng, cách ly và tổ chức cách ly cho người mắc bệnh chu đáo như thế nào. Tôi dẫn cho nó những đường link để xem được hình ảnh bộ đội cùng với chính quyền địa phương với nhân dân chung tay chống dịch ra sao, việc quản lý/ giúp đỡ/ động viên/ điều trị y tế những người dương tính với virus corona trên chuyến bay VN0054 trở về như thế nào, việc cả xã hội đã đồng hành cùng ngành Y tế trong việc chống dịch ra sao. Có cả những doanh nhân, doanh nghiệp nhất là văn nghệ sĩ đã dù giàu hay nghèo đều đã ủng hộ, góp công góp của để có thêm phương tiện y tế cho cuộc chiến chống dịch, để động viên đội ngũ bác sĩ đã và đang gồng mình dập dịch, có cả những tác phẩm được sáng tác ngay và luôn để động viên cộng đồng. Con gái nhớ ra bài hát của tác giả Việt đang được một số người trẻ ở đây sử dụng. Bạn của con nói thêm đã biết về những chuyện đó qua truyền thông ở đây, nhưng thích được nghe kể kỹ với thái độ tin tưởng và nhìn thấy sự thật qua sức khỏe của tôi như thế. Con bảo, nghe người Mỹ khen Việt Nam mà tự hào lắm, lần đầu người dân ở đây nhắc đến người Việt trong vấn đề khoa học Y tế, nhắc đến cả bộ kit phát hiện Sars-Cov-2 được sản xuất tại Việt Nam với công suất 10.000 bộ/ngày sử dụng thành công, giá thành lại rẻ...
Nghe con nói, tôi nhớ lại những ngày ở Mỹ, đôi khi cứ mong có những thành tựu gì đáng kể của Việt Nam đem ra khoe hàng xóm. Giờ giá mà ở đấy, tôi đã khoe về Y tế Việt Nam trong những ngày này.
Y tế ở Mỹ
Tôi từng nhiều lần sang Mỹ với con hoặc đi công tác theo lời mời của chính phủ Mỹ, có lần kết hợp rồi ở lại lâu trong dịp con gái sinh nở nên tìm hiểu khá kỹ đời sống người Mỹ. Tại Mỹ, người dân có thể mua các gói bảo hiểm tùy theo nhu cầu và điều kiện cá nhân. Trước khi Luật Bảo hiểm do Tổng thống Obama khởi xướng ra đời (Obamacare), hầu hết mua bảo hiểm y tế là những người có điều kiện kinh tế hoặc được chỗ làm mua cho theo thỏa thuận hợp đồng làm việc. Thời gian tôi ở đó, theo luật Obamacare, tất cả mọi người dân đều phải mua bảo hiểm y tế bắt buộc với mức tối thiểu, nhưng cũng không ít người vẫn lẩn tránh vì không có điều kiện để mua. Mặc dù đau ốm, người không có bảo hiểm Y tế vẫn được bệnh viện chữa trị nhưng sau đó người bệnh vẫn phải chi trả các hóa đơn, nếu hóa đơn viện phí lên đến hàng chục nghìn USD vẫn sẽ là “tai họa” đối với người dân Mỹ. Không có chi trả thì tài sản, bất động sản nếu có thì có thể bị kê biên. Còn không có gì để kê biên cả thì bệnh viện và chính phủ hoặc các tổ chức từ thiện cùng nhau "chia" các hóa đơn ấy…
Chi phí một ca sinh như con gái tôi là 250.000 đô (USD) nhưng con có bảo hiểm nên không mất đồng nào. Một lần khám bệnh thông thường, kê một đơn thuốc cũng đến cả ngàn, nên đôi khi người ta sang Sing, sang Thái với một gói chữa bệnh kèm du lịch (sau khi chữa trị) còn rẻ hơn so với khám chữa ở Mỹ. Có người về Việt Nam làm răng, khám mắt mua kính, cả chất lượng nha khoa lẫn kính hàng hiệu của Mỹ có bảo hành, vẫn rẻ hơn so với ở Mỹ.
Đã từng đến bệnh viện cùng con những lần đi khám cho cháu ngoại mới thấy thương các Y bác sĩ ở Việt Nam. Trung bình một ngày 1 bác sĩ ở Mỹ (cùng 2 trợ lý) chỉ khám tối đa cho 20 bệnh nhân trong một cơ sở khang trang và đầy đủ tiện nghi. Ở Việt Nam tôi biết mỗi ngày một bác sĩ (cùng 1 trợ lý) thường xuyên phải khám tới 60- 70 ca, chưa kể làm việc trong tiếng ồn ào của bệnh nhân (quá đông trong một không gian hẹp cộng với thói quen nói nhiều của người Việt), đồng lương cũng chả hơn bao nhiêu so với các bạn làm việc ở ngành nghề khác cùng tốt nghiệp đại học. Tôi nghĩ, với một áp lực như vậy, khó có thể yêu cầu các bác sĩ luôn phải mặt mày tươi tỉnh hoặc không để xảy ra một vài thiếu sót.
Người Mỹ và kinh nghiệm Việt Nam
Bạn của con cũng cho tôi biết thêm, sau khi TT Donald Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia do bệnh truyền nhiễm, Cơ quan Quản lý Khẩn cấp liên bang (FEMA) đã chuẩn bị cung cấp ngân sách đối phó thảm họa cho các chính quyền bang và địa phương, cũng như cung cấp sự hỗ trợ liên bang đối với việc ứng phó virus SARS-CoV-2. Đạo luật Stafford cho phép giải ngân gói cứu trợ khẩn cấp lên tới 40 tỷ USD, đồng thời cho phép FEMA dỡ bỏ các hàng rào pháp lý để phân phối ngân sách cứu trợ nhanh hơn. Song, dĩ nhiên, tiền nhiều mới chỉ là một thế mạnh, bạn ấy nói- nếu không có kinh nghiệm xử lý, trước tình trạng con số người nhiễm tăng lên hàng ngày là không thể tránh khỏi. Người Mỹ đang tham khảo các kinh nghiệm từ Hàn Quốc và Việt Nam, nhất là Việt Nam. Quả thật, không thể phủ nhận suốt mùa dịch cho tới giờ Việt Nam chỉ mới có 50 trường hợp dương tính với con virus quái ác này, nhưng đã chữa khỏi 16 trường hợp và chưa có ca tử vong nào.
Tôi từng phàn nàn về những thoái hư tật xấu của người Việt, về những phản ứng chậm chạp của chính phủ về một số vấn đề xã hội, nhưng với cuộc chiến chống dịch như chống giặc lần này tôi thực lòng khâm phục chính phủ, ngành y tế và người dân Việt Nam đã đồng lòng chung tay diệt căn bệnh đang ở mức toàn cầu này.
Con bảo, nghe người Mỹ khen Việt Nam mà tự hào lắm, lần đầu người dân ở đây nhắc đến người Việt trong vấn đề khoa học Y tế, nhắc đến cả bộ kit phát hiện Sars-Cov-2 được sản xuất tại Việt Nam với công suất 10.000 bộ/ngày sử dụng thành công, giá thành lại rẻ...