Đối diện với tuổi dậy thì của con
'A lô, cậu đến chưa? Tớ còn vài chục bước chân nữa thôi, sắp được gặp nhau rồi, hí hí, vui quá! À mà hôm nay tớ mang theo cái đuôi nữa nhé' ....
.... Giọng nói liến thoắng của Thảo trong điện thoại khiến tôi nhấp nhổm không yên, tôi biết cái “đuôi” mà Thảo nhắc đến là ai.
Dù chưa từng gặp, nhưng qua lời Thảo kể, tôi biết con gái của cô ấy là một đứa trẻ hết sức thú vị. “Aaa, cô Loan đây rồi, chào cô đi con” – chưa thấy người đã thấy tiếng chính là những gì mà bạn bè nhớ về Thảo. Tôi đứng bật dậy, cười toe toét: “Chào hai mẹ con”.
Trái ngược với hình dung trước đó, con gái Thảo dường như không mong chờ cuộc gặp gỡ này. Con bé ngồi cạnh mẹ với vẻ mặt khá nặng nề và đôi môi dỗi hờn. Bị mẹ nhắc nhở đến lần thứ 3 nhưng con bé vẫn không chịu chào tôi. Tôi gàn cô bạn: “Thôi, cháu nó đang ngại, lần đầu gặp cô Loan mà, cậu cứ để nó tự nhiên”.
Trong lúc cô bé đang cắm cúi nghiên cứu cuốn menu, Thảo ghé tai tôi, thì thào: “Bướng lắm cậu ạ, bảo không nghe đâu, eo ôi, tớ đau đầu vì nó”. Tôi cố gắng giữ nguyên nụ cười của mình trên môi và nhìn ra chỗ khác để cô bé không phát hiện mẹ đang “nói xấu” nó. Khi cô bé tiếp tục dán mắt vào cuốn menu, tôi mới tranh thủ nói: “Này, sao trán con bé nhiều mụn li ti thế nhở, nó ăn nhiều đồ nóng quá à?”. Thảo lại thì thào: “Không phải ăn đồ nóng đâu, dậy thì rồi đấy, tính nết càng ngày càng dị, mệt mỏi lắm”.
Dù Thảo là bạn, nhưng tôi không đồng ý với cách cô ấy nhận xét về đứa trẻ. Tôi không phải chuyên gia tâm lý, nhưng rất tinh ý khi quan sát biểu cảm của người đối diện. Con bé tỏ vẻ không vui chút nào khi phải ngồi giết thời gian cùng với 2 “bà già”. Tôi chợt nảy ra một ý tưởng: “Con ơi, cô bảo này, trong kia có một khu đọc truyện dành cho thiếu nhi, nếu con thích thì có thể vào khu đó thư giãn nhé, cô và mẹ lâu rồi không gặp nhau nên sẽ trò chuyện hơi lâu một tẹo, hihi”.
Thảo bất ngờ gàn tôi: “Ui giời, cậu cứ kệ nó, nó không thích mấy chỗ nhiều trẻ con ồn ào đâu. Nói chung, tuổi này thì không biết đằng nào mà chiều. Hôm nay tớ mà không lôi nó ra khỏi nhà thì cứ ru rú trong phòng, không khéo tự kỷ mất”.
Càng nghe Thảo nói, tôi càng không hài lòng với cách cư xử của cô ấy. Đợi cô bé đi vào khu đọc truyện tôi mới nhẹ nhàng khuyên nhủ bạn: “Cậu có biết vì sao con bé vẫn quyết định vào khu đọc truyện không? Mà thôi, cậu không thể biết được khi lúc nào cũng chỉ nhiếc móc con bé. Giáo dục trẻ tuổi ẩm ương không đơn giản đâu. Nhiều gia đình lục đục, thậm chí tan vỡ cũng vì cha mẹ không vượt qua được giai đoạn dậy thì của trẻ”.
Có lẽ sự thẳng thắn của tôi làm Thảo hơi tự ái: “Nhà tớ chưa đến mức như thế, mới cả tớ đủ mạnh mẽ để nạt được cái tính gàn dở của nó”.
Biết tính Thảo hay để bụng nhưng tôi buộc phải khuyên nhủ cô ấy những điều thiết thực nhất trước khi quá muộn: “Cậu hãy bỏ qua cái tôi của bản thân để lắng nghe đứa trẻ. Đối với con cái, cha mẹ thường nói rất nhiều mà quên mất cách lắng nghe. Một đứa trẻ không thể bỗng dưng ngoan hay hư hỏng, mọi sự đều có nguyên nhân cả.Tuổi dậy thì là tuổi rất nhạy cảm, thời điểm này, cơ thể diễn ra những điều kỳ diệu bí ẩn, các biến đổi về tâm sinh lý sẽ tạo ra một con người hoàn toàn mới lạ, quá trình ấy là một thử thách với bản thân đứa trẻ và cha mẹ. Tớ sinh con sớm hơn cậu và cũng đã từng trải qua giai đoạn này không lâu, cậu cần phải bình tĩnh để lắng nghe”.
Sự chân thành và nghiêm túc của tôi đã có chút tác động đến Thảo, cô ấy bớt nóng nảy và chịu ngồi yên trên ghế để lắng nghe. Tôi tiếp tục tỉ tê: “Tính khí trẻ dậy thì luôn thích làm trái ý cha mẹ, đặc biệt khi mình càng cấm thì trẻ lại càng hứng thú với việc đó. Cậu biết đấy, chống lại trẻ tuổi mới lớn là chống lại dòng nước lũ. Khi bị lũ cuốn, cách ứng xử khôn ngoan là hãy trôi cùng dòng nước đến khi có thể gặp được chỗ nào đó, có cái gì đó để bám. Nếu cậu cố dãy dụa, quẫy đạp cậu sẽ vừa mất sức, vừa có thể bị lũ cuốn mạnh hơn”.
Tôi ngừng nói khi thấy Thảo trở nên trầm ngâm, đợi mãi không thấy Thảo nói gì tiếp, tôi hỏi: “Cậu sao thế? Tớ nói gì không phải à?”. Thảo lắc đầu: “Không! Cậu nói đúng lắm, tớ nghe như nuốt từng lời cậu nói. Tớ nhận ra cái sai của mình rồi cậu ạ. Tự nhiên tớ thấy mình mới chính là dòng nước lũ ấy và con đang phải trôi theo tớ. Thấy nó ương bướng nên ngày nào tớ cũng cáu gắt, quát mắng nó. Chắc vì thế nên nó mới lầm lì và luôn tỏ vẻ bất cần như thế. Trời ơi, tớ đã làm nó tổn thương phải không cậu? Tớ phải làm gì để bù đắp cho con bé?”.
Nghe Thảo nói ra được những lời đó, tôi thấy nhẹ nhõm hẳn, tôi xoa nhẹ vai cô ấy, động viên: “Điều khó khăn nhất thì cậu đã vượt qua rồi, cậu đã chịu bỏ lại cái tôi to lớn và đặt mình vào cái khó của con để suy nghĩ. Điều tiếp theo cậu cần làm chỉ đơn giản là lắng nghe vào thấu hiểu con thôi. Con càng ngang bướng, cậu càng phải nhẹ nhàng. Một trong những cách đầu tiên giúp tớ đối thoại được với con tớ là dạy nó cách suy nghĩ tích cực. Cách tiếp cận này sẽ rất có ích trong việc thiết lập mối quan hệ thân thiết, tốt đẹp giữa phụ huynh và trẻ. Suy nghĩ tích cực sẽ là công cụ hữu hiệu giúp trẻ phát triển khả năng thích ứng với cuộc sống, dễ dàng vượt qua khó khăn và khủng hoảng lứa tuổi dậy thì. Cậu cố gắng nhé, hạnh phúc của những người mẹ như chúng ta không phải là đích đến mà là hành trình chúng ta cùng con nỗ lực vươn lên”.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/gia-dinh/doi-dien-voi-tuoi-day-thi-cua-con-3BJuPubGR.html