Đôi điều băn khoăn về thực quyền của Hội đồng giáo sư cơ sở
Rất hiếm cơ sở giáo dục đại học nào không bổ nhiệm GS/PGS cho giảng viên khi đã được Hội đồng giáo sư nhà nước công nhận.
Hiện nay, việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh GS/PGS được thực hiện theo Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg ngày 31/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư thực hiện thời gian vừa qua được sự đồng thuận cơ bản của xã hội.
Vừa qua, có cơ sở giáo dục đại học đề xuất cho phép đơn vị này thí điểm bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư và trợ lý giáo sư. Tôi cho rằng, việc này tạm thời chưa nên thực hiện vì hai lý do sau:
Thứ nhất, trong thực tế, hiện nay các trường đại học có Hội đồng giáo sư cơ sở là một cấp xét công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư. Tuy nhiên, sau khi qua Hội đồng giáo sư cơ sở, bước tiếp theo là đến Hội đồng giáo sư ngành, liên ngành rồi đến Hội đồng giáo sư nhà nước. Qua 3 Hội đồng giáo sư mà vẫn đâu đó còn ý kiến băn khoăn và cả ồn ào về một số ứng viên được công nhận. Vậy nếu chỉ duy trì 1 Hội đồng cấp cơ sở liệu có phải là bài toán tối ưu?
Thứ hai, trong nền kinh tế thị trường, ngoài cơ sở giáo dục đại học tinh hoa còn có cơ sở giáo dục đại học đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của mọi người. Khi giao cho cơ sở giáo dục đại học được xét công nhận giáo sư, phó giáo sư có thể dẫn đến "lạm phát" giáo sư, phó giáo sư.
Tôi cho rằng, việc duy trì 3 cấp Hội đồng giáo sư như hiện nay nhằm đảm bảo chất lượng cũng như đảm bảo uy tín của các giáo sư đúng chuẩn đã được xét bổ nhiệm. Nhưng về lâu dài, chúng ta cũng nên nghiên cứu, tính toán các quy định, tiêu chuẩn tiến tới chọn một số đại học có đội ngũ giáo sư, phó giáo sư mạnh được giao toàn quyền xét công nhận bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư. Các trường còn lại, dựa trên kết quả kiểm định chất lượng đào tạo của từng trường, cơ quan quản lý sẽ từng bước giao các trường đại học đạt chuẩn được phép tự xét công nhận và bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư. Làm như vậy sẽ kích thích các trường đại học top dưới muốn được xét công nhận và bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư cho giảng viên trường mình phải phấn đấu đạt chuẩn, nâng cao chất lượng đào tạo, tuyển chọn những giáo sư, phó giáo sư, những tiến sĩ giỏi về trường mình công tác giảng dạy.
Từ đề xuất trên cũng đặt ra câu hỏi về thực quyền của Hội đồng giáo sư cơ sở hiện nay trong việc xét công nhận GS/PGS đến đâu.
Hiện nay, theo Quyết định số 37, việc duy trì xét công nhận GS/PGS theo trình tự 3 cấp: Hội đồng giáo sư cơ sở; Hội đồng giáo sư ngành, liên ngành; Hội đồng giáo sư nhà nước…. bên cạnh những yếu tố tích cực như đã kể trên, sau 6 năm thực hiện, Quyết định 37 cũng bộc lộ một số vấn đề gây băn khoăn.
Theo điều 12 và điều 19 của Quyết định 37, tiêu chuẩn đạt chức danh GS/PGS ở Hội đồng giáo sư cơ sở và Hội đồng giáo sư ngành, liên ngành đều tuân thủ các Điều 4, 5, 6 và 7 của Quyết định. Trình tự xét duyệt tại Hội đồng giáo sư cơ sở cũng gần giống trình tự xét duyệt tại Hội đồng ngành, liên ngành.
Sau khi thẩm định hồ sơ của các ứng viên ở cấp cơ sở, Hội đồng giáo sư cơ sở "có quyền” thông qua danh sách những ứng viên đủ điều kiện ở cấp cơ sở để đề nghị Hội đồng Giáo sư nhà nước xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư
Sau khi được Hội đồng cấp cơ sở thông qua, các ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh GS/PGS cấp cơ sở, hồ sơ của các ứng viên này tiếp tục được chuyển đến Hội đồng ngành, liên ngành thẩm định. Nếu vì lý do nào đó, Hội đồng ngành, liên ngành không thông qua, đồng nghĩa các ứng viên đã được thông qua ở cấp cơ sở bị loại. Mỗi ứng viên được Hội đồng giáo sư cơ sở thông qua nhưng không đạt cấp Hội đồng ngành, liên ngành, là một điểm trừ cho Hội đồng giáo sư cơ sở.
Theo tìm hiểu của người viết, từng có ứng viên 3 lần được Hội đồng cấp cơ sở thông qua nhưng cả 3 lần bị loại ở Hội đồng ngành, liên ngành. Điều này gây tốn kém cho ứng viên và mất thời gian của các cấp Hội đồng
Theo người viết,để Hội đồng giáo sư cơ sở có “tiếng nói” nhất định, về lâu dài để Hội đồng này giữ vai trò quyết định thì Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Hội đồng giáo sư nhà nước cần có giải pháp nâng cao chất lượng các thành viên Hội đồng giáo sư cơ sở đồng đều, có năng lực đánh giá hồ sơ như Hội đồng ngành, liên ngành. Khi đó, Hội đồng ngành, liên ngành và Hội đồng giáo sư nhà nước chỉ là nơi kiểm định, giám sát, đánh giá chất lượng các kết quả của Hội đồng giáo sư cơ sở đưa lên. Tránh tình trạng như hiện nay, Hội đồng ngành, liên ngành lại thực hiện quy trình xét duyệt hồ sơ ứng viên chức danh GS/PGS như Hội đồng giáo sư cơ sở đã thực hiện.
Sau 6 năm thực hiện Quyết định 37, người viết cũng băn khoăn không biết có trường hợp giáo sư, phó giáo sư nào được Hội đồng giáo sư nhà nước công nhận nhưng không được cơ sở giáo dục đại học bổ nhiệm không? Bởi, cơ sở giáo dục đại học nếu không muốn bổ nhiệm ứng viên nào của trường mình sẽ không ký hồ sơ cho ứng viên đó tham gia xét. Còn khi đã ký vào hồ sơ đồng ý cho ứng viên được nộp hồ sơ xét chức danh GS/PGS thì không có lý nào lại không đồng ý bổ nhiệm?
Thực tế khi triển khai Quyết định 37, những nhà giáo được bổ nhiệm chức danh GS/PGS không có thêm nhiệm vụ gì mới. Họ vẫn giảng dạy, nghiên cứu, làm những công việc như trước khi được bổ nhiệm. Việc tăng số lượng GS/PGS, đồng nghĩa cơ sở giáo dục được tăng chỉ tiêu tuyển sinh, nâng cao vị thế và thương hiệu của trường. Chính vì vậy rất hiếm cơ sở giáo dục đại học nào không bổ nhiệm GS/PGS cho giảng viên khi đã được Hội đồng giáo sư nhà nước công nhận.