Đôi điều suy ngẫm về vai trò của người thầy trong thời đại 4.0

Xã hội thay đổi, đòi hỏi giáo dục cũng phải thay đổi để phát triển cùng xu thế của thời đại, theo đó vai trò, vị trí của người thầy (thầy cô giáo) cũng thay đổi, song truyền thống tôn sư, trọng đạo thì không thay đổi. Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, chúng ta cùng nhau suy nghĩ về vai trò, vị trí của người thầy trong bối cảnh mới.

GIÁO DỤC TRONG THỜI ĐẠI CÔNG NGHỆ SỐ (4.0)

Trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0, nhiều quan niệm dạy học truyền thống đã có sự thay đổi, mở ra một viễn cảnh giáo dục rộng mở và linh hoạt hơn. Trong cuộc cách mạng công nghệ lần thứ nhất, mục tiêu giáo dục là để người học làm chủ được những kiến thức và kỹ năng cơ bản. Với thời đại 4.0, giáo dục chủ yếu là phát triển cá nhân một cách tổng thể; theo đó, mục tiêu giáo dục cũng thay đổi theo hướng giúp người học phát triển tối đa các trí thông minh tiềm ẩn của mình, ngoài trí thông minh duy nhất là logic như trước đây, còn cần có các trí thông minh khác như cảm xúc, ngôn ngữ, vận động...

Đối với Việt nam, Luật Giáo dục ban hành năm 2019 đã xác định “Mục tiêu giáo dục nhằm phát triển toàn diện con người Việt Nam…”. Đây là điểm rất khác biệt với mục tiêu giáo dục cũ là “đào tạo con người toàn diện”. Sự thay đổi lớn này đã thể hiện sâu sắc lời dạy của Bác Hồ từ năm 1945 về “Một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em”; đồng thời tiếp cận được xu hướng thời đại - giáo dục khai phóng, đề cao giá trị con người. Mục tiêu giáo dục nhằm phát triển toàn diện con người Việt Nam theo tinh thần của Luật Giáo dục đã được thể hiện trong Chương trình Giáo dục phổ thông mới 2018, đó là: Thông qua nội dung kiến thức của một số môn học và phương pháp giáo dục để hình thành và phát triển các phẩm chất, năng lực của người học. Theo đó, quá trình dạy học được chuyển từ dạy học tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực và chương trình giáo dục cũng không yêu cầu giáo viên phải lệ thuộc hoàn toàn vào sách giáo khoa mà cần linh hoạt, chủ động trong việc tổ chức dạy học. Nếu như trước đây, việc dạy và học lấy mục tiêu học để thi, học để hiểu, thì hiện nay học là để biết, để sống, để làm việc, để thích nghi... Phương pháp giáo dục hướng vào phát huy tính tích cực của học sinh, khắc phục nhược điểm giáo viên truyền thụ kiến thức một chiều, học sinh thụ động tiếp nhận nội dung kiến thức ở trong sách giáo khoa đã được xây dựng sẵn theo khuôn mẫu chung. Từ đó, vai trò của người thầy có sự thay đổi, vị trí giữa người dạy và người học không còn là tuyệt đối như trước đây.

Chương trình giáo dục hiện nay đòi hỏi giáo viên không chỉ có kiến thức sâu rộng, mà còn phải có phương pháp sư phạm bài bản và biết vận dụng phương pháp vào quá trình dạy học một cách thông minh, phù hợp với từng đối tượng và đạt hiệu quả cao nhất. Với mỗi đối tượng học sinh, người thầy sẽ áp dụng những phương pháp khác nhau và bằng sự nhạy bén, tinh tế, sáng tạo để làm cho quá trình dạy và học không còn là quá trình chuyển giao - tiếp nhận kiến thức một chiều, mà là quá trình tạo ra các tổ chức hoạt động để cho người học chủ động tìm kiếm, phát triển tri thức.

VAI TRÒ NGƯỜI THẦY CÓ SỰ THAY ĐỔI NHƯNG TÌNH NGHĨA THẦY TRÒ THÌ KHÔNG THAY ĐỔI

Trước đây, nhà trường là nơi duy nhất cung cấp kiến thức, giáo viên là người duy nhất truyền đạt kiến thức đến học sinh. Chính vì vậy, chỉ có giáo viên mới có thể đứng lớp giảng dạy với vai trò là trung tâm chuyển giao kiến thức. Còn hiện nay, lượng kiến thức của nhân loại quá đồ sộ, có ở khắp mọi nơi và ở nhiều kênh khác nhau; học sinh cũng rất giỏi, có đủ năng lực và phương tiện để tự tiếp nhận được nhiều thông tin, thậm chí có những thông tin người thầy chưa biết. Vì vậy, học sinh có thể học bất cứ ở nơi đâu, từ nhiều kênh và nhờ có sự hỗ trợ của công nghệ nên bất kỳ là ai cũng có thể tham gia vào quá trình giáo dục và trở thành “người thầy”. Từ đó, đặt ra vấn đề liệu robot có thể thay thế vai trò của người thầy hay không? Câu trả lời là cái gì robot làm được thì nó sẽ làm thay thế con người. Vậy, để không bị công nghệ thay thế, đòi hỏi thầy cô giáo phải làm được những điều mà công nghệ chưa làm được.

Thực tế cũng đã cho thấy, internet có thể thay người thầy trong việc cung cấp những hiểu biết khoa học, nhưng internet không biết cân nhắc, chọn lựa kiến thức nào phù hợp với từng lứa tuổi, đối tượng học sinh. robot cũng có thể thay người thầy đứng lớp giảng dạy, có thể ghi bảng và truyền thụ nhiều kiến thức chuẩn, nhưng do không có trái tim, không có cảm xúc nên nó không thể truyền được hứng thú, tình cảm thật sự như người thầy đã làm đối với học sinh. Với công việc của người thầy mang tính đặc thù, vừa lao động bằng trí óc vừa lao động bằng trái tim, thầy cô giáo không chỉ dùng trí tuệ, sự hiểu biết, mà còn dùng cả trái tim của mình để giáo dục học sinh. Điều này thì robot không thể làm được và vì thế không thể hoàn toàn thay thế được vai trò của người thầy. Đó chính là khác biệt giữa robot và người thầy trong giáo dục ở thời đại 4.0. Ngược lại, nếu như bây giờ thầy cô giáo vẫn chỉ đơn thuần làm nhiệm vụ cung cấp kiến thức như kiểu đọc lại cuốn sách giáo khoa cho học sinh chép lại thì công việc đó robot sẽ làm tốt hơn và vai trò người thầy cũng sẽ bị thay thế.

Bên cạnh đó, vai trò của người thầy trong cuộc cách mạng 4.0 sở dĩ không mất đi, mà ngày càng được nâng lên là còn bởi trong biển trời kiến thức rộng lớn bao la, người học không thể nào tự nắm bắt chọn lọc, mà cần có người thầy tư vấn, đưa đường, chỉ lối để nhanh chóng đến với bến bờ tri thức. Hơn nữa, người thầy lúc này còn biết quan tâm, chăm sóc, tìm hiểu người học bằng cả trái tim và sự bao dung, độ lượng; biết đánh thức tiềm năng trong mỗi người học, khơi dậy và phát triển cái nội lực ở trong từng người học; giúp cho người học biết tự học, tự nghiên cứu, tìm tòi, tra cứu phát hiện ra những điều mới mẻ, sáng tạo ra nhiều phương pháp học hiệu quả, qua đó phát triển tư duy - trí tuệ, không ngừng hoàn thiện nhân cách của mình. Điều này lại càng khẳng định, vai trò của người thầy trong thời đại 4.0 không bị hạ thấp, mà ngược lại càng trở nên quan trọng.

Tất nhiên, để thích ứng ứng với thời đại công nghệ số, giáo dục đặt ra 3 yêu cầu đối với người thầy là phải hiểu biết về công nghệ, phải cập nhật kiến thức và phải có phương pháp sư phạm. Nếu không có hiểu biết về công nghệ thì người thầy sẽ không thể thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục, đồng thời cũng bị hạn chế về phương pháp dạy học; người thầy không nhanh chóng nắm bắt những thay đổi và cập nhật kiến thức mới một cách thường xuyên thì sẽ bị lạc hậu. Ngược lại, khi người thầy có kiến thức sâu rộng, có phương pháp sư phạm tốt, hiểu về tâm sinh lý của học sinh sẽ có cách ứng xử phù hợp với từng đối tượng, dạy học đạt được hiệu quả thì lúc đó dù hoàn cảnh có thay đổi nhưng vị thế của người thầy không những không bị thay đổi hay hạ thấp mà còn được nâng lên trong mắt học sinh và cả xã hội. Đúng như những điều UNESCO tổng kết từ vài chục năm trước: dù bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi, nhiều thách thức lớn và đặc trưng văn hóa các quốc gia, dân tộc khác nhau, nhưng 3 phẩm chất “năng lực cống hiến, sức sáng tạo và trách nhiệm” của người thầy, đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Đặc biệt, nước ta vốn có truyền thống quý báu là hiếu học và tôn sư, trọng đạo. Trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, truyền thống ấy vẫn được bảo tồn và phát triển; người thầy vẫn luôn được Nhân dân yêu mến, ca ngợi và ghi ơn: “Không thầy đố mày làm nên”, “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” (Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy); hoặc: “Mười năm rèn luyện sách đèn/ Công danh gặp bước chớ quên ơn thầy”... Vì vậy, dù hoàn cảnh ngày nay có rất nhiều thay đổi nhưng truyền thống tôn sư, trọng đạo, cũng như tình nghĩa thầy-trò thì không những không thay đổi, mà còn tiếp tục duy trì một cách bền chặt và được lan tỏa sâu rộng trong xã hội.

Nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, suy ngẫm về vai trò của người thầy trong thời đại 4.0, chúng ta càng tự hào và tin tưởng đội ngũ nhà giáo Việt Nam sẽ tiếp nối truyền thống vẻ vang của nhà giáo để tiếp tục phát huy vai trò của minh trong sự nghiệp chấn hưng nền giáo dục nước nhà. Kính chúc các thầy, cô giáo sức khỏe, yêu nghề, hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của “nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo vì nó đã sáng tạo ra những con người sáng tạo” (Phạm Văn Đồng).

LINH NHÂN

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/xahoi/202211/doi-dieu-suy-ngam-ve-vai-tro-cua-nguoi-thay-trong-thoi-dai-40-3144692/