Đôi điều về 'những bài thơ tình nổi tiếng thế giới'
Thuở còn là sinh viên, tôi thường chép vào sổ tay nhiều bài thơ tình cũng từ sổ tay của các bạn yêu thơ trong lớp mà nhiều khi không biết tác giả là ai, xuất xứ từ đâu.
Hôm vừa rồi lên thăm và phỏng vấn nhà thơ Dương Kỳ Anh tại nhà vườn của ông về cuốn sách ông mới in, cuốn "Minh triết của tôi", tôi được ông tặng cuốn "Những bài thơ tình nổi tiếng thế giới" (Nhà xuất bản Thanh Niên) do ông tuyển chọn và viết lời bình.
Tôi về đọc cả đêm, mới biết được tác giả, xuất xứ của nhiều câu thơ, bài thơ lâu nay tôi đã thuộc lòng, đã chép vào sổ tay. Thì ra, đó là thơ của các nhà thơ nổi tiếng trên thế giới.
Rất nhiều bài thơ tình trong cuốn "Những bài thơ tình nổi tiếng thế giới" do nhà thơ Dương Kỳ Anh tuyển chọn và viết lời bình bây giờ tôi mới được đọc. Tôi thích lắm, nên muốn viết đôi dòng giới thiệu trên báo để những người yêu thơ tìm đọc.
Nhà thơ Dương Kỳ Anh cho biết, ông đã dành thời gian nhiều năm, đọc rất nhiều tập thơ xuất bản trong và ngoài nước để chọn ra những bài thơ tình tiêu biểu của các nhà thơ nổi tiếng trên khắp thế giới đưa vào tập sách này.
Ngay cả lời bình, mỗi bài thơ kèm theo lời bình của nhà thơ Dương Kỳ Anh cũng khác lạ. Ông nói, ông không phân tích, diễn giải như nhiều nhà phê bình thơ vẫn làm. Nhà thơ Dương Kỳ Anh chỉ bình theo cách cảm nhận của ông. Đúng hơn, đó là những cảm nhận của người đọc thơ, cảm nhận của một nhà thơ nên khá sâu sắc và sinh động, cuốn hút người đọc.
Nhà thơ Dương Kỳ Anh chỉ dịch có một bài, còn là bản dịch của các nhà thơ, dịch giả nổi tiếng như Ngô Tất Tố, Xuân Diệu, Tố Hữu, Khương Hữu Dụng, Nguyễn Bính, Đào Xuân Quý, Thúy Toàn, Bằng Việt, Quang Chiến, Thái Bá Tân...
Nhà thơ Dương Kỳ Anh chỉ cho tôi xem bài thơ nổi tiếng của Trương Cửu Linh (Trung Hoa), bài "Tự quân chi xuất hỷ", ông nói khi sắp đưa nhà in bản thảo, ông mới phát hiện ra bản dịch của cụ Ngô Tất Tố hay hơn và ông đã thay ngay.
...Nhớ chàng như mảnh trăng đầy
Đêm đêm vừng sáng hao gầy đêm đêm
Hai câu thơ tôi thường ngâm ngợi bấy lâu, nay mới biết là của Trương Cửu Linh do cụ Ngô Tất Tố dịch trong bài "Tự quân chi xuất hỷ" (Từ ngày chàng xa em).
Trong tập sách này, tôi nhận thấy một điều mới nữa là cách tuyển chọn của nhà thơ Dương Kỳ Anh không phải như lâu nay nhiều người vẫn làm: Tôi có thứ nào thì đưa cho độc giả thứ ấy! Nhà thơ tuyển chọn những bài thơ hay mà độc giả cần chứ không phải những bài thơ mà mình biết, mình sẵn có tài liệu, dù phải mất nhiều năm, nhiều công sức, với nhiều tâm huyết...
Từ các nhà thơ đời Tống, đời Đường vốn rất quen thuộc với người yêu thơ Việt Nam, đến các nhà thơ Pháp, Nga, Ấn Độ mà lâu nay nhiều người dịch. Trong tập sách này còn có nhiều bài thơ nổi tiếng của các nước: Anh, Đức, Mỹ, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hungari, Đan Mạch, Elsalvador, Mông Cổ, Grudia...
Nhiều đề tài, nhiều khám phá, nhiều cách thể hiện phong phú, hội đủ tâm trạng trong tình yêu của nhiều lứa tuổi, nhiều dân tộc, nhiều cách thể hiện sống động, hấp dẫn với những lời bình thông minh, dí dỏm, sâu sắc của nhà thơ Dương Kỳ Anh đã thực sự thuyết phục người đọc.
Từ những bài thơ nhiều người Việt Nam thuộc lòng như bài "Tâm trạng thiếu nữ" của nữ thi sỹ Nga X. Kapuchikian:
Em bảo anh đi đi
Sao anh không dừng lại?
Em bảo anh đừng đợi!
Sao anh vội về ngay?
Lời nói gió thoảng bay
Đôi mắt huyền đẫm lệ
Sao mà anh ngốc thế
Không nhìn vào mắt em
(Xuân Diệu dịch)
Hay bài "Đợi anh về" của Ximônốp do Tố Hữu dịch:
...Em ơi đợi anh về
Đợi anh hoài em nhé
Mưa có rơi dầm dề
Ngày có dài lê thê
Em ơi, em cứ đợi ...
Đến những bài thơ hoàn toàn mới lạ trong tư duy thơ viết về tình yêu của người Việt như bài "Người phụ nữ khỏa thân" của nhà thơ R. Danton người Enxanvađo :
Anh yêu sự khỏa thân của em
Khi khỏa thân, em hấp thụ anh trọn vẹn
Em hút anh vào như nước, lúc anh lao mình xuống giữa xoáy dòng song
Em khỏa thân, sức nóng của em vượt qua ngàn trăn trở
Mở ra trước anh mọi cửa. Sau mỗi cửa là em ...
Bài thơ do nhà thơ Hồng Thanh Quang dịch, khá dài, khá cuốn hút người đọc.
Cả những bài thơ dân gian nổi tiếng của nước Mỹ như bài "Bốn đêm say" do Thái Bá Tân dịch cũng được đưa vào tập sách này. Nhà thơ Dương Kỳ Anh đã bình bài thơ này với cái tít rất gợi: "Dành cho những người có... vợ đẹp". Ông cho biết, trước khi đưa vào tập sách này, ông đã gửi một tờ báo bài bình thơ này và đã được in, được khá nhiều bạn đọc yêu thích.
Tôi hỏi nhà thơ Dương Kỳ Anh rằng, nhiều năm ông học ở Liên Xô (cũ), ông biết tiếng Nga nhưng chưa bao giờ thấy ông dịch thơ đăng trên báo. Ông cười: "Mình dịch kém lắm".
Nhà thơ Dương Kỳ Anh giở trang 86 của cuốn sách "Những bài thơ tình nổi tiếng thế giới", chỉ cho tôi xem bài thơ "Bắt chước các nhà thơ cổ" của thi sỹ Nga R. Roogiexvenxki, ông đưa bản dịch của ông cho tôi đọc và nói: "Bản dịch in trong tập sách này là của Thái Bá Tân. Thái Bá Tân dịch quá hay, bản dịch của tôi làm sao sánh được..".
Từ tình yêu đến tình yêu
Cuộc đời đi như đường quốc lộ
Nửa hành tinh
Ngập trong sương chiều
Nửa hành tinh chìm trong máu đỏ...
...Ngoài cửa sổ sương còn treo long lanh
Anh cảm ơn cuộc đời mãi mãi
Nửa hành tinh
trong anh
Trong em
Nửa hành tinh còn lại ...
Và, thế là tôi hiểu, nhà thơ Dương Kỳ Anh luôn đặt cái hay, cái đẹp lên trên hết. Như thế cũng là vì bạn đọc trên hết.
Thực lòng, lên thăm và phỏng vấn nhà thơ Dương Kỳ Anh dịp này, tôi muốn ông tặng tôi cuốn "Những câu thơ hay Đông - Tây - Kim - Cổ" (Nhà xuất bản Giáo Dục ấn hành) do ông biên soạn. Nhưng, ông bảo cuốn đó in từ năm 1913, nay không còn nữa, ông đang tìm kiến những câu thơ hay theo ý ông, trên Fb, sách, báo để sắp tới tái bản sẽ bổ sung.
Tôi là một người làm báo, yêu thơ, dù không có năng khiếu sáng tác thơ như nhà thơ Dương Kỳ Anh nhưng cũng thuộc lòng nhiều câu thơ, nhiều bài thơ của các nhà thơ trong nước và thế giới. Có được cuốn "Những bài thơ tình nổi tiếng thế giới", tôi vui lắm nên hứng khởi viết đôi dòng...
Lúc tạm biệt nhà thơ Dương Kỳ Anh, trời đột nhiên đổ mưa. Tôi bỗng nhớ tới hai câu thơ mà tôi vừa đọc trong cuốn "Những bài thơ tình nổi tiếng thế giới" do nhà thơ Dương Kỳ Anh tặng:
...Sớm mai chàng đã đi chưa
Xin đem nước mắt làm mưa giữ chàng
Hai câu thơ trong bài "Không đề" của Trần Mỹ Dung (Trung Quốc) do cố nhà thơ Nguyễn Bính dịch...
Hà Nội, ngày đầu thu 2019