Đổi đời nhờ bò, dê

Tiếng leng keng phát ra từ khắp nơi, xuất hiện sau đó là những chú dê bước đi với chiếc bụng no tròn, miệng kêu be be. Đối với đồng bào ở xã Lũng Cú, nhiều người đã khá lên nhờ nuôi dê và bò. Một nông dân chỉ tay vào đàn dê cho biết, nếu trồng ngô thì mỗi vụ chỉ bán được 10.000 đồng/kg, trong khi một con dê có giá khoảng 2 triệu, con to hơn thì 2,5 triệu. 

Tiếng leng keng là niềm vui của đồng bào Lũng Cú.

Tiếng leng keng là niềm vui của đồng bào Lũng Cú.

Trong hoàng hôn, tiếng leng keng gợi chút buồn xa xăm đối với người từ vùng đất lạ lần đầu tiên đến với cao nguyên đá. Nhưng qua câu chuyện của bà con thì nhà nào nhiều tiếng leng keng có nghĩa là có thêm niềm vui. Nhà nào ít ngô, nhưng có nhiều tiếng be be thì có nghĩa là ngô đã chất đầy trên lưng dê rồi.

Ở Lũng Cú hiện nay có nhiều gia đình phát triển đàn dê, bò rất tốt, như ông Giàng Só Lử, ở thôn Xín Mần Kha, một người từ nghèo khó, vươn lên thành gia đình khá giả nhờ nuôi dê. Thôn Xín Mần Kha có 60 hộ, hơn 300 khẩu. Từ trước đến nay, bà con nơi đây chăn nuôi nhỏ lẻ. Gia đình Giàng Só Lử thuộc diện ăn đầu mùa, thiếu hụt cuối mùa, nhờ dự án của Nhà nước, được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, Giàng Só Lử đã nắm rõ hơn việc chăn nuôi theo phương pháp khoa học, hiểu được những thuận lợi của việc chăn nuôi tại địa phương và tìm được đầu ra cho dê với giá thành tốt.

Từ số tiền 30 triệu đồng được vay, Giàng Só Lử đã phát triển được 12 con lợn, 150 gà vịt, 6 con bò và hàng chục con dê. Nhưng thuận lợi nhất vẫn là nuôi dê, vì đẻ nhanh, ít dịch bệnh, bán ra thị trường giá cao. Mỗi buổi chiều, Giàng Só Lử cảm thấy vui khi nhìn thấy những chú dê đực mắt sáng rực, dẫn đầu đoàn, đưa các "nàng" dê bụng to từ núi trở về chuồng. Dê trở thành hình ảnh vui cho gia đình, vì chỉ tính riêng đàn dê đã hơn cả tấn lúa.

Ở Lũng Cú, có những gia đình được đồng bào xếp diện kinh tế khá, đó là hộ Vừ Lẩu Pó, Vừ Sái Sơn, Vừ Mí Hờ. Giờ đây, nhờ chăn nuôi phát triển nên đơn vị đo lường kinh tế được bà con chuyển từ lúa sang dê, bò.

Cùng địa phương có anh Vàng Mí Sính cũng là người thoát nghèo nhờ tiếng be be và lục lạc reo leng keng từ nhà ra núi. Anh Sính là đảng viên. "Đảng viên đi trước, làng nước theo sau", phương châm là vậy, nhưng 3 năm trước đây thì anh vẫn loay hoay trong việc "đi trước thế nào trong lĩnh vực phát triển kinh tế". Gia đình anh có 6 khẩu, làm quanh năm cũng vẫn thiếu ăn 4 tháng. Rồi anh phấn khởi tiếp nhận dự án chăn nuôi để xóa đói giảm nghèo.

Anh bắt đầu nuôi bò, lợn và khởi nghiệp đi lên bằng 1 cặp dê. Cặp dê liên tục sinh sản, đến giờ đã đạt "quân số" 20 con. Từ khi nuôi dê thành công, anh Sính đã cảm thấy vui vì đúng là mình đã trở thành "đảng viên đi trước" trong việc làm kinh tế. Để giúp bà con tham gia xóa đói giảm nghèo, anh Sính đã tuyên truyền, hướng dẫn cho các hộ chăn nuôi, để bản làng thêm tiếng be be và leng keng vào những lúc chiều về.

Người dân ở Lũng Cú cho biết, dê là loại gia súc có đặc điểm sinh sản từ khi mới 10 tháng tuổi, thời gian mang thai là 150 ngày, mỗi lần sinh từ 1-2 con. Chỉ cần trong đàn có khoảng 5 con dê cái sinh sản tốt thì chỉ sau vài năm là số lượng đàn dê được nâng lên vài chục con, rồi lên đến hàng trăm con. Dê là loại gia súc hay leo trèo, chạy, dễ ăn các loại lá hơn bò. Vì vậy, nuôi dê đơn giản và phát triển nhanh. Dê ở cao nguyên đá được nuôi bằng thức ăn tự nhiên nên thịt dê thơm ngon, được các nhà hàng quán tiêu thụ mạnh. Chính vì vậy, nông dân không quá lo lắng cho đầu ra.

Thôn Lô Lô Chải là nơi chứng minh rõ nét việc chăn nuôi sẽ góp phần thúc đẩy xây dựng nông thôn mới. Thôn có 97 hộ, là địa phương được chọn làm điểm đến cho khách du lịch ở lại nhà dân (homestay). Chính vì vậy, yêu cầu cho việc sửa sang nhà cửa, đường sá là đòi hỏi khá cấp thiết.

Hiện nay đã có 22 hộ làm sân bê tông, 56 hộ đạt tiêu chí nhà sạch vườn đẹp, 10 hộ làm được nền. Sự đổi mới của Lô Lô Chải là nhờ gần 100% bà con trong thôn đều chăn nuôi, với hơn 120 con bò và dê. Đồng bào không chỉ nuôi thả tự nhiên, mà còn trồng cỏ để vỗ béo cho gia súc và tạo nguồn thức ăn vào mùa đông. Khắp thôn Lô Lô Chải, đi đâu cũng nghe tiếng lục lạc kêu leng keng.

Lê Văn Chương

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/doi-doi-nho-bo-de/