'Đổi đời' từ nguồn vốn tình thương – TYM
Giải thưởng Doanh nhân vi mô Citi - Việt Nam 2019 (gọi tắt là CMA 2019) là một hoạt động thường niên do Quỹ Citi/Ngân hàng Citi - Việt Nam tài trợ từ năm 2007 tới nay, nhằm tôn vinh khách hàng tài chính vi mô (TCVM) tiêu biểu, sử dụng vốn vay hiệu quả, chia sẻ kinh nghiệm, nhân rộng mô hình, khuyến khích người nghèo vươn lên thoát nghèo, nâng cao vị thế kinh tế và xã hội của người nghèo, người có thu nhập thấp tại Việt Nam. Chương trình cũng góp phần nâng cao nhận thức về vai trò của hoạt động TCVM đối với việc tăng cường tiếp cận dịch vụ tài chính, bảo đảm hiệu quả xã hội, tạo điều kiện chia sẻ kinh nghiệm giữa các tổ chức TCVM, thu hút sự quan tâm của Chính phủ, các nhà hoạch định chính sách và các bên liên quan tới hoạt động TCVM.
Chị Hoàng Thị Vân (người thứ 3 từ phải qua trái) trong ngày nhận giải thưởng Doanh nhân vi mô Citi Việt Nam 2019.
Sau 13 năm, TCVM Thanh Hóa đã có 29 khách hàng được vinh danh là Doanh nhân vi mô tiêu biểu toàn quốc. TCVM Thanh Hóa cũng liên tục giành được giải thưởng tổ chức TCVM tiêu biểu toàn quốc.
hờ lựa chọn hướng đi đúng trong phát triển kinh tế cùng với sự “tiếp sức” từ Tổ chức Tài chính vi mô TNHH MTV Tình thương (TYM) - Chi nhánh Thanh Hóa, gia đình chị Hoàng Thị Vân, thôn 3 Hòa Trinh, xã Quảng Hòa (Quảng Xương) đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu hiệu quả.
Bước lên vị trí trang trọng để nhận giải thưởng Doanh nhân vi mô Citi - Việt Nam 2019 (gọi tắt là CMA 2019), chị Vân không giấu được xúc động. Sinh ra trong một gia đình có đông anh chị em, cuộc sống khó khăn đã khiến con đường học hành của chị phải dang dở, rồi cũng như bao cô gái nông thôn khác, chị lập gia đình sớm. Thế nhưng, khi lập gia đình, cái nghèo lại tiếp tục đeo bám vợ chồng chị. Ôm giấc mộng đổi đời, vợ chồng chị bôn ba nhiều nơi nhưng vẫn không thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn.
Nhận thấy tương lai phát triển ở địa phương, năm 2013, gia đình chị Vân trở về quê, mở cửa hàng may quần áo. Tuy nhiên, vì không có tiền đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại nên sản phẩm làm ra ít, mẫu mã nghèo nàn. Biết đến quỹ TYM qua hội phụ nữ xã, chị Vân vay 15 triệu đồng để đầu tư, sửa sang lại hiệu may - cần câu cơm của cả gia đình.
Đến năm 2016, chị bàn với chồng làm đơn vay thêm 20 triệu đồng, đầu tư chăn nuôi thỏ. Để có kiến thức chăn nuôi, anh chị thường xuyên tham gia các lớp tập huấn do địa phương tổ chức, đồng thời đến các địa phương trong và ngoài tỉnh tham quan tìm hiểu mô hình và học hỏi thêm kinh nghiệm từ sách, báo, tivi... Nhờ biết áp dụng những tiến bộ khoa học vào chăn nuôi, đàn thỏ của gia đình chị luôn khỏe mạnh và sinh trưởng tốt.
Tiếp đà phát triển, vợ chồng chị Vân tiếp tục vay thêm 50 triệu đồng để mở rộng kinh tế theo mô hình vườn - ao - chuồng. Hiện nay, trang trại của gia đình chị Vân đang nuôi 3.500 con thỏ, trong đó có 500 con thỏ mẹ chuyên cung cấp giống cho các trang trại, hộ gia đình chăn nuôi nhỏ; 3.000 con thỏ thịt với sản lượng xuất chuồng trên 2,5 tạ/tháng. Ngoài ra, các chất thải từ chăn nuôi, gia đình đều sử dụng men vi sinh để xử lý ủ phân thỏ thành phân bón cho vườn cây ăn quả với 100 gốc bưởi da xanh, 8 sào trồng cỏ voi... Bình quân mỗi tháng, thu nhập từ trang trại thỏ, vườn cây, ao cá của gia đình khoảng 50 triệu đồng. Ngoài ra, trang trại còn tạo việc làm ổn định cho 3 lao động thường xuyên, thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng người/tháng. Hiện, mô hình chăn nuôi thỏ của gia đình chị Vân đang được đánh giá là một trong những điển hình của xã. Gia đình chị thường xuyên đón các đoàn, hộ dân chăn nuôi thỏ trên địa bàn xã và các huyện lân cận đến học tập kinh nghiệm.
Nhìn lại những thành quả đã đạt được, chị Vân chia sẻ: “Nguồn vốn từ TYM có ý nghĩa rất lớn đối với gia đình tôi. Đặc biệt nhất là những giai đoạn công việc kinh doanh không thuận lợi. Với cơ chế cho vay linh hoạt, không cần tài sản thế chấp, mức vốn vay tăng dần theo năm cùng cơ chế hoàn trả gốc lãi theo tuần/tháng đã giúp cho bản thân tôi tạo thói quen tiết kiệm. Đây cũng là động lực để tôi phải xây dựng kế hoạch chi tiêu sử dụng tiền trong gia đình cũng như công việc kinh doanh. Ngoài ra, tôi còn được cán bộ của tổ chức TYM tạo điều kiện cho tham gia các lớp tập huấn đào tạo nâng cao kỹ năng quản lý kinh doanh, thường xuyên đến nhà động viên gia đình cố gắng vươn lên làm kinh tế. Cùng với đó trong các buổi sinh hoạt cụm, tôi cũng được cán bộ, chị em trong cụm chia sẻ những kỹ năng, kinh nghiệm thực tế về chăn nuôi, kinh doanh. Năm 2020, tôi là một trong những thành viên tiêu biểu của TYM Chi nhánh Thanh Hóa được nhận giải thưởng CMA năm 2019. Đây là chương trình có ý nghĩa rất lớn với những người phụ nữ làm kinh tế như chúng tôi. Chương trình đã tạo thêm động lực giúp chị em chúng tôi không ngừng nỗ lực vươn lên xây dựng kinh tế gia đình. Đây là cơ hội để tôi được giao lưu, kết bạn, mở rộng các mối quan hệ, tìm kiếm thêm nhiều đối tác để chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác làm ăn trong tương lai. Với số tiền thưởng nhận được tại giải CMA 2019, tôi sẽ tiếp tục đầu tư sửa chữa nâng cấp, mở rộng quy mô trang trại”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Văn Đồng, Giám đốc Tổ chức tài chính vi mô TNHH MTV Tình thương - Chi nhánh Thanh Hóa, cho biết: Năm 2020, chị Hoàng Thị Vân vinh dự là thành viên nhận giải thưởng CMA 2019. Nhờ biết sử dụng vốn vay hiệu quả để phát triển kinh tế, vượt lên hoàn cảnh. Không chỉ giúp cho bản thân, mô hình kinh tế vườn - ao - chuồng của gia đình chị Vân còn tạo việc làm cho các chị em trong xã. Đây là điển hình đáng học hỏi.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/doi-doi-tu-nguon-von-tinh-thuong--tym/129523.htm