Đòi hỏi từ thực tiễn

Trong 5 nội dung quan trọng được Chính phủ thảo luận tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 7/2024, có Luật Việc làm (sửa đổi).

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Theo luật định, việc làm là hoạt động lao động tạo ra thu nhập mà không bị pháp luật cấm. Luật Việc làm năm 2013 đánh dấu lần đầu tiên Việt Nam có một văn bản luật quy định đầy đủ, điều chỉnh toàn diện các quan hệ về việc làm và thị trường lao động. Sau 10 năm đưa luật vào cuộc sống, bản thân Luật này và các chính sách về việc làm đã bộc lộ một số vấn đề không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, cũng như sự thay đổi của thị trường lao động thế giới.

Theo các chuyên gia, có 6 “điểm nghẽn” trong luật hiện hành. Một là, chưa có quy định về việc đăng ký lao động nên quản lý lao động còn hạn chế. Hai là, quy định cho vay giải quyết việc làm về nguồn vốn, đối tượng và điều kiện vay không còn phù hợp thực tiễn. Ba là, chưa có quy định về việc công bố chỉ số phát triển thị trường lao động, chỉ số phát triển kỹ năng nghề... Bốn là, liên quan phát triển kỹ năng nghề, quy định về tham chiếu, kết nối giữa khung trình độ quốc gia và khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia chưa được quy định. Năm là, chưa có quy định liên quan về đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ với nhân viên tư vấn, giới thiệu việc làm trong tổ chức dịch vụ việc làm. Sáu là, đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp chưa bao phủ hết các đối tượng có quan hệ lao động.

Thời gian qua, xảy ra một số vụ việc cho thấy nhiều nội dung chưa được luật hóa. Mới đây nhất là vụ việc, chủ không trả tiền lương, 2 vợ chồng trẻ ôm theo con 9 tháng tuổi, dự định đi bộ từ tỉnh Bình Dương về quê ở tận tỉnh Tuyên Quang.

Ngoài các nội dung chưa được “luật hóa”, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng đang có nhiều tác động mạnh mẽ; nền kinh tế số góp phần chuyển dịch lao động. Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có nền kinh tế phát triển với tốc độ nhanh nhờ vào định hướng phát triển nền kinh tế số, thúc đẩy sự phát triển kinh tế số. Rất nhiều bạn trẻ kinh doanh online trên nền tảng số, nền tảng mạng xã hội như Youtube, Tik Tok... Đại dịch Covid-19 tạo thêm “cú hích” cộng hưởng để hành trình chuyển đổi số diễn ra nhanh hơn.

Hiện nay chưa có quy định chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển việc làm; chưa có các quy định việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều tiết thị trường lao động; thúc đẩy các hoạt động dịch vụ việc làm trên môi trường mạng… Những thực tiễn này đòi hỏi Luật Việc làm cần phải sửa đổi để đồng bộ, thống nhất, khả thi.

Ngô Đức Hành

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/doi-hoi-tu-thuc-tien-post519890.html