Đôi khi phụ nữ làm nghề Y quên mất việc cần phải chăm sóc bản thân
Gần 20 năm trong nghề, tiếp cận với hàng ngàn ca chạy thận và rất nhiều người mắc các bệnh lý thận, BS.CKI Vũ Lệ Anh chưa bao giờ ngừng suy tư về nỗi đau của người bệnh cũng như gia đình bệnh nhân.
Sự tập trung, sức khỏe và định kiến xã hội là những thách thức mà nữ giới phải đối diện khi chấp nhận theo đuổi nghề y. BS.CKI Vũ Lệ Anh, Trưởng Khoa Nội Thận - BVĐK Xuyên Á (TPHCM) chia sẻ, thời chị đi học đại học, nữ giới chiếm khoảng 1/3.
Ví dụ, việc trực đêm, học muộn cũng làm khó cho các bạn nữ hơn là nam. Tới khi lập gia đình, những nữ nhân viên y tế còn đảm nhiệm thêm vai trò làm vợ, làm mẹ, nuôi dạy con cái và quán xuyến gia đình. Nên đôi khi, những người phụ nữ làm nghề y cũng quên mất việc cần phải chăm sóc bản thân mình. Nữ bác sĩ phải chấp nhận hy sinh nhiều thứ và cố gắng gấp nhiều lần nam giới mới trụ vững với nghề.
- Thưa bác sĩ, cơ duyên nào đã đưa chị đến với nghề Y?
Nếu nói cụ thể một cơ duyên nào đó thì có lẽ là không có. Việc chọn lựa và theo nghề Y với tôi có lẽ do ảnh hưởng từ gia đình. Tuy đông anh chị em, nhưng từ nhỏ cha mẹ luôn quan tâm và tạo điều kiện tốt nhất cho các con học tập và khuyến khích các con theo những gì mình mơ ước.
Thực sự, trường Đại học Y là mơ ước của tôi và nhiều bạn bè tại thời điểm đó. Đến giờ tôi vẫn thấy may mắn, vì nhờ sự chọn lựa này mà tôi có những người bạn, đồng nghiệp thật tốt để học hỏi nhau trong công việc và cuộc sống.
- Tại sao chị lại chọn theo chuyên khoa Nội Thận và điều gì khiến chị gắn bó cùng người bệnh thận trong suốt thời gian qua?
Để đến với chuyên khoa Nội Thận cũng là một quá trình. Sau 3 năm học với đủ các chuyên khoa của Nội Tổng quát, khoa Nội Thận là khoa cuối cùng tôi theo học, sau đó sẽ chọn chuyên ngành. Chính tại đây, tôi tiếp cận phong phú mặt bệnh, chứng kiến những người bệnh còn rất trẻ mang trong mình bệnh thận và tử vong khi chưa tới 20 tuổi. Những khao khát tìm hiểu về nhóm bệnh này đã thúc đẩy tôi chọn chuyên ngành Thận.
Trong suốt thời gian làm việc với bệnh nhân chạy thận, tôi luôn đau đáu trong lòng làm thế nào để người bệnh được điều trị với chi phí tiết kiệm vì bệnh thận thường phải điều trị lâu dài, tốn kém, nhất là đối với những bệnh nhân bị bệnh thận mạn, phải lọc máu liên tục để kéo dài sự sống.
Đối với các bệnh nhân, lúc đầu biết mình mắc bệnh suy thận mãn, hầu hết đều khó chấp nhận được sự thật này. Tôi luôn đặt mình vào vị trí người bệnh để thấu hiểu nỗi đau, những chuyển biến tâm lý, từ đó đưa ra phương pháp chữa trị phù hợp và nâng cao hiệu quả.
- Được biết, ngoài việc khám chữa bệnh, chị còn tham gia công tác giảng dạy đào tạo?
Việc học cũng như giảng dạy - đào tạo là nên làm mỗi ngày. Tôi coi đó là một nhiệm vụ hàng ngày, đơn giản thôi. Khi còn làm ở Đại học Y Dược, tôi có cơ hội giảng dạy sinh viên. Khi đảm nhận vai trò là Trưởng khoa Nội thận, việc hướng dẫn các bác sĩ trẻ và đồng nghiệp là cần thiết.
Giảng dạy tại trường đại học thì cần giáo án, giáo trình. Còn trong công việc chuyên môn, người bệnh là người thầy lớn nhất, chúng tôi cùng học hỏi trên từng ca bệnh và rút những kinh nghiệm quý báu cho quá trình làm nghề của mình.
- Trong suốt quá trình làm nghề, kỉ niệm đáng nhớ nhất của chị là gì?
Lúc mới ra trường và bắt đầu học nội trú, chúng tôi phải tự bước vào đời và trở thành một bác sĩ thực sự, tôi mới hiểu như thế nào là áp lực với một bác sĩ. Tôi rất biết ơn thế hệ anh chị ở Bệnh viện Nhân dân Gia Định, là những người đầu tiên hướng dẫn tôi đi đúng hướng và trưởng thành từng ngày trong nghề.
Kỷ niệm làm tôi nhớ nhất trong cuộc đời làm nghề đó là khi trực tiếp điều hành Khu điều trị Covid-19 trong lúc dịch bùng phát nặng tại TPHCM. Trong sự đau thương và mất mát đó, tôi đã cảm nhận được tình yêu và sự đoàn kết cũng như nhiệt huyết của các đồng nghiệp, chung tay giúp đỡ người bệnh không nề hà việc gì hết. Rất cảm động!
- Là bác sĩ Trưởng khoa bận rộn với công tác chuyên môn, khám chữa bệnh nhưng chị vẫn nuôi dạy tốt con cái đang trong độ tuổi lớn. Bí quyết nào giúp chị có thể cân bằng giữa công việc và gia đình?
Gia đình tôi có hai con đang trong độ tuổi lớn, trong khi chồng cũng là một bác sĩ Nhi đồng khá bận rộn. Tuy nhiên chúng tôi vẫn quy ước ăn cơm cùng nhau, lắng nghe những vấn đề ngày càng nhiều của các con và tìm hướng giải quyết, hoặc có một số vấn đề chúng tôi tự để con quyết định cách xử lý.
Tôi nghĩ, để cân bằng công việc và gia đình là học cách buông bỏ một số việc không quan trọng để tập trung vào thứ quan trọng. Mà việc gì quan trọng thì cần sự thống nhất trong gia đình.
- Chị có lời khuyên gì cho giới trẻ, đặc biệt là những nữ sinh muốn chọn và cống hiến cho nghề y?
Có một người bạn từng nói với tôi "nghề y là một ngành nghề thú vị". Đúng vậy, mỗi bệnh nhân một hoàn cảnh khác nhau, không ai giống ai, bệnh lý phải tìm tòi, suy nghĩ mới thấu. Và dù là nam giới hay phụ nữ, lời khuyên của tôi đối với các bạn trẻ đang chọn học hoặc đang công tác trong ngành y là các bạn hãy tìm thấy sự thú vị trong công việc của mình và làm việc với niềm đam mê mới mẻ mỗi ngày.