Đôi mắt chưa bao giờ 'mỏi' khi dõi theo những dấu chân rừng
Ở tuổi ngoài 80, đôi mắt 'Giáo sư rùa' - PGS.TS Hà Đình Đức vẫn chưa một lần 'mỏi' khi dõi theo hành trình bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam.
Rung động bởi những đôi mắt rùa
Tháng 3/1991, trong một lần đi qua phố Hàng Khay, PGS.TS Hà Đình Đức tình cờ thấy rùa nổi lên trên mặt Hồ Gươm. Nhìn đôi mắt sâu sắc và có phần linh thiêng của rùa, lòng ông vừa phấn khích, vừa xúc động như thể mình đã thân thuộc với “cụ” từ rất lâu. Bảy tháng sau, Công ty Dịch vụ khai thác Du lịch thuộc Sở Văn hóa và Thông tin Hà Nội mời ông tham gia Dự án Khai thác hồ Hoàn Kiếm bảo vệ rùa. Đây là bước ngoặt lớn trong sự nghiệp của vị phó giáo sư, mở đầu cho 25 năm nghiên cứu và cống hiến cho các dự án bảo tồn rùa Hồ Gươm.
PGS.TS Hà Đình Đức đã có tổng cộng 6 công trình nghiên cứu cấp quốc gia, hàng trăm bài chia sẻ trên báo chí về rùa Hồ Gươm, 33 hoạt động bảo vệ không gian văn hóa Hồ Gươm, môi trường sinh thái Hồ Gươm và rùa Hồ Gươm. Song, những con số ấy không khiến ta hình dung hết tình cảm “Giáo sư rùa” dành cho công việc của mình cho bằng ánh mắt trân trọng của ông dành cho cụ rùa.
“Giáo sư rùa” đã dùng đôi mắt của mình, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng để ghi lại từng khoảnh khắc ông thấy cụ rùa. Ông ghim vào trong tâm trí - đôi mắt tâm hồn, lúc “cụ" bò lên trên Tháp Rùa, khi “cụ” nổi trên mặt nước hay khi chính đôi tay ông chạm vào mai “cụ”. Ông còn dùng “đôi mắt” của máy ảnh để lưu giữ những khoảnh khắc ấy. Mỗi bức ảnh đều có giờ, phút, ngày, tháng được chụp. Cho đến nay, bộ sưu tập ảnh của ông về rùa Hồ Gươm cũng là bộ sưu tập lớn nhất.
Giữ cho mình một “đôi mắt xanh non”
Không chỉ có cụ rùa, PGS.TS Hà Đình Đức còn sẻ chia tình yêu động vật đến những loài thú hoang dã. Dẫu tuổi ngoài bát tuần, “đôi mắt” tâm hồn của phó giáo sư vẫn chưa bao giờ mỏi khi dõi theo từng cá thể rừng. PGS.TS Hà Đình Đức là người Việt Nam đầu tiên cùng các chuyên gia quốc tế khởi thảo về Trung tâm Cứu hộ các loài linh trưởng quý hiếm Cúc Phương, có nhiều năm nghiên cứu tinh tinh tại “thủ đô bảo tồn" này.
Khác với đôi mắt rùa, đôi mắt tinh tinh mang màu xanh rì rào của đại ngàn, ẩn chứa nhiều “thông điệp” của thế giới tự nhiên. Việc nghiên cứu động vật hoang dã rất cần sự quan sát, thấu hiểu, gắn kết bằng cả trí lẫn tâm.
Nhằm lan tỏa tinh thần bảo vệ động vật hoang dã qua sự gắn kết của “đôi mắt tâm hồn”, đầu tháng 4 vừa qua, PGS.TS Hà Đình Đức đã đồng hành cùng sự kiện tái hoang dã mang tên “Những đôi mắt xanh non”. Sự kiện do thương hiệu mỹ phẩm cao cấp Menard phối hợp với Vườn quốc gia Cúc Phương tổ chức. “Đôi mắt xanh non” là đôi mắt thuần khiết của động vật hoang dã, là hình ảnh phản chiếu nguyên thủy của rừng và cũng có thể là ánh nhìn của chúng ta khi biết yêu thương, trân trọng từng sinh thể của tự nhiên.
Dù ở giai đoạn nào của cuộc đời, “Giáo sư rùa” vẫn luôn đón nhận mọi loài vật với tâm hồn rộng mở, tấm lòng đơn sơ chẳng vương chút toan tính. Có lẽ nguồn năng lượng nhiệt huyết chưa bao giờ vơi cạn với tự nhiên đã giúp ông giữ được đôi mắt tâm hồn luôn “xanh non” như thế.
Trong khoảnh khắc dìu cá thể rùa sa nhân về rừng, PGS.TS Hà Đình Đức chia sẻ niềm hạnh phúc với những người xung quanh: “Có dịp quay lại Vườn quốc gia Cúc Phương cùng thương hiệu Menard hôm nay, tôi thấy rất vui. Tôi rất ấn tượng với chủ đề “Những đôi mắt xanh non” của chuyến đi này. Nó khiến tôi một lần nữa rung động khi nhìn vào ánh mắt của từng cá thể, sự rung động tinh khôi như những thuở ban đầu, nhưng cảm nhận thêm một tầng nghĩa khác”.