Đối mặt Covid-19, những quốc gia này hứng chịu rủi ro tồi tệ hơn cả khủng hoảng tài chính
Khi đại dịch Covid-19 lây lan khiến nền kinh tế toàn cầu chìm trong sự trì trệ, những quốc gia dễ chịu tổn hại nhất đang đối mặt với rất nhiều nguy cơ. Các doanh nghiệp với doanh số sụt giảm phải sa thải nhân viên. Các hộ gia đình thu nhập thấp chỉ dám đi qua cửa hàng thực phẩm. Đầu tư quốc tế cũng sụt giảm mạnh chỉ trong thời gian ngắn.
Khó khăn chồng chất khó khăn
Per Hammarlund, chiến lược gia trưởng tại các thị trường mới nổi của SEB Group – ngân hàng đầu tư tại Stockholm, nhận định: "Điều này sẽ trở nên tồi tệ, hoặc thậm chí tồi tệ hơn cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đối với các thị trường mới nổi."
Ngoài ra, sự khó khăn của các nền kinh tế mới nổi trong bối cảnh dịch bệnh lây lan cũng là mối đe dọa đối với nền kinh tế toàn cầu. Các thị trường mới nổi chiếm 60% nền kinh tế thế giới tính theo sức mua, theo IMF. Những nền kinh tế này giảm tốc cũng kéo tụt tốc độ tăng trưởng của cả thế giới.
Từ Nam Á đến châu Phi, cho đến Mỹ Latinh, đại dịch đang khiến các quốc gia phát triển hứng chịu những khó khăn về tình trạng khẩn cấp y tế cộng động, cùng với đó là khủng hoảng kinh tế, khiến những vấn đề khác cũng trở nên trầm trọng hơn. Những yếu tố tương tự cũng diễn ra ở các quốc gia giàu có, nhưng đối với những nước nghèo – nơi hàng tỷ người "sống chung" với điều kiện khó khăn trong thời gian dài, thì mối đe dọa còn được khuyếch đại hơn nữa.
Những khó khăn ngày càng lộ rõ khi nhiều chính phủ đang chịu gánh nặng nợ, khiến họ khó có thể hỗ trợ những người đang cần sự giúp đỡ. Kể từ năm 2007, tổng nợ công và tư nhân ở các thị trường mới nổi đã tăng từ 70% sản lượng kinh tế hàng năm lên 165%, theo Oxford Economics.
Hơn nữa, đại dịch cũng khiến lượng đầu tư quốc tế vào các thị trường mới nổi sụt giảm mạnh, họ hướng đến những tài sản an toàn hơn như trái phiếu chính phủ Mỹ. Ví dụ như năm ngoái, theo Viện Tài chính Quốc tế (IIF) một nhóm các nước gồm khoảng 12 thị trường mới nổi gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi và Brazil đã chứng kiến dòng vốn đầu tư đạt mức 79 tỷ USD. Còn trong 2 tháng vừa qua, 70 tỷ USD đã "bốc hơi" khỏi những thị trường này. Sự thay đổi bất ngờ này đã làm dấy lên lo ngại rằng một số quốc gia có thể hứng chịu rủi ro lớn và vỡ nợ, đặc biệt là Argentina, Thổ Nhĩ Kỳ và Nam Phi.
Chưa dừng ở đó, sự gián đoạn của ngành công nghiệp trên toàn thế giới cũng khiến nhu cầu đối với các loại hàng hóa sụt giảm mạnh, ảnh hưởng đến các quốc gia sản xuất đồng như Chile, Peru, Cộng hòa Congo và Zambia, và các quốc gia sản xuất kẽm như Brazil, Ấn Độ. Các nhà xuất khẩu dầu đặc biệt dễ rơi vào suy thoái khi giá dầu hiện đang ở mức thấp, gây áp lực cho Colombia, Algeria, Mozambique, Iraq, Nigeria và Mexico. Hiện tại, suy thoái ở Mexico đã diễn ra và hoạt động sản xuất hàng hóa cho Mỹ cũng đang gặp khó khăn.
Tại những quốc gia phát triển, các biện pháp cách ly đã được thực hiện, trong khi chính phủ và các NHTW cũng tung ra những gói chi tiêu và tín dụng hàng nghìn tỷ USD để hỗ trợ nền kinh tế. Nhưng ở những nước nghèo – nơi những gia đình sống chen chúc trong các khu ổ chuột, thì việc cách ly lại gần như là không thể.
Người dân bất chấp dịch bệnh để kiếm sống, công ty du lịch đứng trước nguy cơ phá sản
Ấn Độ - quốc gia với 1,3 tỷ dân, dường như đã thể hiện sâu sắc những khó khăn nêu trên, ngay cả khi số ca nhiễm chỉ xuất hiện với số lượng hạn chế và lệnh phong tỏa toàn quốc chính thức được áp dụng. Vào một buổi chiều gần đây, trên con đường dẫn đến ga xe lửa chính của New Delhi, những người bán hàng rong trên đường chứng kiến sự thay đổi gây ra mối đe dọa cho họ: những con phố đều vắng tanh.
Mahender, 60 tuổi, kiếm sống bằng nghề đánh giày, đang ngủ bên lề đường, đầu tựa vào những chiếc túi vải đựng dụng cụ kiếm sống. Trước khi đại dịch diễn ra, ông kiếm được khoảng 400 rupee (5 USD)/ngày, còn bây giờ chỉ là 100 rupee.
Shagun, người phụ nữ 45 tuổi, sống cùng 5 đứa con, đang ngồi trên vỉa hè cắt những trái chuối, dưa hấu và đu đủ để bán trên chiếc xe kéo. Doanh thu của "cửa hàng" đã giảm 1 nửa, chị chỉ có thể mua cơm và loại đậu rẻ nhất cho gia đình, phải pha thêm nước vào sữa cho các con. Shagun chia sẻ: "Chồng tôi thất nghiệp. Tôi cũng không có khoản tiết kiệm nào, chúng tôi chỉ có thể ăn 1 bữa cơm mỗi ngày."
Ngay cả trước khi đại dịch bùng phát, Ấn Độ đã gặp khó khăn khi rơi vào suy thoái kinh tế. Chính phủ của ông Modi đã không thể tạo thêm việc làm như đã hứa hẹn, mà còn có những lời cáo buộc rằng số liệu chính thức về tỷ lệ thất nghiệp không hề minh bạch. Hơn nữa, xung đột giữa Hồi giáo và Hindu giáo hiện vẫn diễn ra căng thẳng.
Argentina là cũng là một quốc gia đã ở trong tình thế nguy hiểm từ trước khi Covid-19 lây lan. Đồng peso đã mất tới hơn 2/3 giá trị trong năm 2018 và 2019, cùng với đó là tỷ lệ lạm phát vượt quá con số 50%. Tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Argentina cũng giảm 2% vào năm ngoái. Nợ chính phủ đạt gần 90% sản lượng kinh tế hàng năm.
Chính phủ mới do Tổng thống Alberto Fernández lãnh đạo phải đối mặt với một loạt những vấn đề gây đau đầu: Làm thế nào để có thể thu hồi cơ chế cắt giảm không mấy được hưởng ứng mà không khiến nhà đầu tư nước ngoài nghi ngại, bởi họ có thể rút vốn bất kỳ lúc nào? Làm thế nào để chính phủ có thể thúc đẩy chi tiêu và thanh toán khoản nợ 57 tỷ USD đi vay từ IMF?
Dẫu vậy, mối nguy hiểm đối với Argentina còn sâu sắc hơn. Trong năm nay, đồng peso đã giảm 6% so với đồng USD, tình trạng nghèo đói cũng trở nền tồi tệ hơn, đòi hỏi sự hỗ trợ từ nguồn lực của chính phủ.
Đối với Alejandro Aníbal Alonso – tài xế taxi 53 tuổi, đang nuôi 2 con nhỏ, thì những rủi ro ngày càng lớn. 2 năm trước, ông đi vay tiền để mua 1 chiếc taxi, lãi suất sẽ thay đổi theo tỷ lệ lạm phát. Khi Argentina rơi vào khủng hoảng, các khoản lãi hàng ngày của ông đã tăng từ 7.800 peso lên tới 25.000 peso.
Tuần trước, chủ nợ đã gửi một tin nhắn đe dọa: "Không được dừng trả nợ kể cả khi virus corona lây lan", trong khi đại dịch đã khiến ông không thể kiếm tiền trong tháng 2 và tháng 3 cũng như vậy. Ông chia sẻ rằng mình đã phải tạm thời gạt đi nỗi sợ dịch bệnh, chấp nhận đến sân bay đón một vị khách đến từ Hà Lan. Alonso nói: "Tôi không thể từ chối bất kỳ chuyến đi nào."
Ở Thổ Nhĩ Kỳ, các công ty thì đang chìm ngập trong nợ nần, phần lớn là các khoản nợ định danh bằng ngoại tệ. Đây là hệ quả của việc Tổng thống Recep Tayyip Erdogan theo đuổi mục tiêu tăng trưởng bằng mọi giá, ông bỏ tù kẻ đối đầu và tịch thu tài sản của họ, bảo vệ những bên đi vay để tài trợ cho những dự án của ông, như một sân bay mới ở Istanbul.
Trong những năm gần đây, nhà đầu tư đã "ôm tiền" tháo chạy, khiến đồng lira lao dốc và nhiều công ty đứng trước nguy cơ phá sản. Đại dịch còn khiến cuộc khủng hoảng đó trầm trọng hơn. Kể từ tháng 1, đồng lira đã mất 10% giá trị, ngành du lịch – chiếm 1/10 nền kinh tế, cũng sụt giảm mạnh.
Tại Cappadocia, một trong những kỳ quan nổi tiếng nhất nước này, Deniz Turgut đồng sở hữu công ty Butterfly Balloons, chứng kiến tình trạng chi phí liên tục tăng và doanh thu thì "biến mất". Năm ngoái, công ty này đón tới 20.000 lượt khách du lịch sử dụng dịch vụ khinh khí cầu. Còn tháng 2 năm nay, họ chỉ có 43 khách hàng, với chưa đến 49 nhân viên vì phải sa thải một loạt.
Trước đại dịch, Nam Phi cũng chìm sâu trong suy thoái, với tỷ lệ thất nghiệm là hơn 29%. Kể từ khi đại dịch bùng phát, đồng tiền tệ của quốc gia này cũng giảm hơn 20%, khiến giá hàng hóa tăng mạnh. Kenya lại là quốc gia phụ thuộc rất nhiều vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, hoạt động thương mại giữa 2 nước giảm hơn 1/3 trong những tháng gần đây.
Tham khảo New York Times