Đôi mắt của mẹ

Ngày 25/9/2024, ở tuổi 74, người mẹ ấy đã đi vào giấc ngủ ngàn thu. Cũng từ ngày hôm ấy, bà để lại cho đời nguồn sáng quý giá từ đôi mắt. Bà là Đại úy Quân đội L.T.H.M. – nguyên cán bộ công tác tại khoa Dược, Bệnh viện Quân y 103. Nén nỗi đau buồn, người con trai của bà đã bình tĩnh gọi điện cho Ngân hàng Mô, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 để hiến tặng đôi giác mạc của mẹ mình cho người bệnh đang cần ánh sáng…

Món quà thiêng liêng gửi lại

Ngày 25/9 cũng là một ngày đặc biệt ở Ngân hàng Mô - Bệnh viện Mắt Hà Nội 2. Sáng hôm ấy, các kĩ thuật viên đã có mặt từ rất sớm để thu nhận giác mạc của người hiến. Trước khi mất, bà L.T.H.M đã bày tỏ mong muốn hiến tặng giác mạc của mình để giúp đỡ những bệnh nhân mù lòa. Con trai bà là Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Lê Trung, Phó chủ nhiệm Bộ môn - Khoa Mắt, Bệnh viện Quân y 103 đã thực hiện di nguyện cao cả của mẹ. Ngay sau khi mẹ qua đời, bác sĩ Trung đã liên hệ với Ngân hàng Mô, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 thông báo về di nguyện hiến tặng giác mạc của mẹ. Ngân hàng Mô đã nhanh chóng tiến hành các thủ tục thu nhận và bảo quản giác mạc.

Bác sĩ, Tiến sĩ Nguyễn Lê Trung ôm mẹ trong nỗi xúc động nghẹn ngào khi hai giác mạc của mẹ anh sẽ mang lại nguồn sáng cho người bệnh.

Bác sĩ, Tiến sĩ Nguyễn Lê Trung ôm mẹ trong nỗi xúc động nghẹn ngào khi hai giác mạc của mẹ anh sẽ mang lại nguồn sáng cho người bệnh.

Hôm ấy, ở một góc phòng thu nhận giác mạc, bác sĩ Nguyễn Lê Trung đứng lặng lẽ chứng kiến phút giây đặc biệt. Ca thu nhận giác mạc đã thành công. Người con trai tiến đến bên mẹ, bàn tay anh run run đặt lên vầng trán, lên mái đầu của mẹ. Rồi anh khẽ khàng ôm lấy mẹ, nước mắt trào ra trong nỗi xúc động nghẹn ngào. Những tình cảm nhớ thương, biết ơn mẹ cố kìm nén bỗng vỡ òa. Cảm ơn mẹ đã một đời vất vả để anh có được như ngày hôm nay, cảm ơn mẹ cả lúc mất đi rồi vẫn để lại một phần cơ thể cứu giúp người bệnh. Bao nhiêu tình yêu thương mẹ gửi lại cho người thân, bè bạn và cả những người bệnh mà mẹ chưa một lần quen. Bà là một người mẹ, một người phụ nữ nhân hậu, một nữ quân nhân từng công tác tại khoa Dược của Bệnh viện Quân y 103. Tất cả những ai có mặt trong gian phòng ấy, trong phút giây ấy đều xúc động đến lặng người.

Ngày 27/9, khi lễ tang bà L.T.H.M diễn ra cũng là lúc Ngân hàng Mô điều phối 1 giác mạc cho Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 và 1 giác mạc còn lại cho Bệnh viện Quân y 103. Cũng trong ngày hôm đó, Bệnh viện mắt Hà Nội 2 đã tiến hành phẫu thuật thành công ghép 1 giác mạc mà mẹ bác sĩ Trung hiến tặng.

Kỹ thuật viên của Ngân hàng Mô thu nhận giác mạc hiến tặng của bà L.T.H.M ngày 25/9/2024.

Kỹ thuật viên của Ngân hàng Mô thu nhận giác mạc hiến tặng của bà L.T.H.M ngày 25/9/2024.

Chiều ngày 30/9, tại Bệnh viện Mắt Hà Nội 2, bệnh nhân N.T.V – người nhận ghép giác mạc từ bà L.T.H.M đang được tái khám và làm thủ tục xuất viện. Đã hơn 10 năm mắc bệnh loạn dưỡng giác mạc có tính chất di truyền, bà V phải sống trong cảnh mù lòa. Cả ngày bà chỉ quanh quẩn trong nhà, chẳng thể làm được việc gì, sinh hoạt vô cùng khó khăn khi phải phụ thuộc vào người khác. Bà luôn mặc cảm rằng mình trở thành gánh nặng của gia đình. Bệnh của bà chỉ có thể cải thiện khi có giác mạc lành thay thế giác mạc đã tổn thương.

Tên bà V. đã nằm trong danh sách đăng ký chờ ghép từ lâu nhưng nhiều năm qua, nguồn giác mạc hiến tặng trong nước khan hiếm, gia đình lại không có khả năng nhận giác mạc từ nước ngoài nên V. bà cứ chờ đợi mỏi mòn. Đã có lúc bà tắt hy vọng, nghĩ rằng đến hết cuộc đời bà sẽ sống chung với bóng tối, những gương mặt người thân dần phai mờ trong trí nhớ.

Cơ hội tìm lại ánh sáng của bà V. đến một cách bất ngờ khi Ngân hàng Mô - Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 thông báo đã tiếp nhận ca hiến giác mạc của bà L.T.H.M. Giờ đây, bà V. vẫn ngỡ như mình đang mơ khi nhìn thấy rõ ràng mọi vật sau ca ghép giác mạc. Bà chia sẻ: “Vài tiếng sau ca phẫu thuật, bác sĩ bảo tôi mở mắt. Nhìn thấy mọi người trước mặt, tôi vỡ òa sung sướng vì hơn 10 năm tôi chỉ cảm nhận được ánh sáng và bóng tối mà không thấy hình người. Sau khi ghép và điều trị 4 ngày, độ nét tăng lên rõ rệt. Tôi nóng lòng muốn về quê để được nhìn lại họ hàng, người thân”. Ngày ra viện về với gia đình với đôi mắt sáng, thật ý nghĩa khi đúng dịp sinh nhật lần thứ 65 của bà. Bà V. như được tái sinh khi đón nhận món quà thiêng liêng mà Đại úy L.T.H.M gửi lại.

PGS.TS. Hoàng Thị Minh Châu - Chủ tịch Hội đồng chuyên môn Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 là người ghép giác mạc cho bệnh nhân V. PGS. Châu chia sẻ: “Ca ghép giác mạc diễn ra trong khoảng 45 phút, hiện tại tình trạng người nhận ổn, kết quả ban đầu khá khả quan, có thể nhìn được 1/10 và tự đi lại được. Tuy nhiên, đây mới chỉ là kết quả ban đầu, thời gian tới cần phải theo dõi, tái khám thường xuyên theo chỉ định của bác sĩ. Đồng thời phải thực hiện nghiêm ngặt theo tư vấn về chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt như không vận động nặng, tránh tác động từ môi trường khói bụi, va đập vào mắt”.

Những đôi mắt mỏi mòn chờ ánh sáng

Trao đổi với phóng viên Chuyên đề ANTG Giữa tháng, PGS.TS. Hoàng Thị Minh Châu cho biết: “Bệnh nhân N.T.V may mắn là bệnh nhân đầu tiên được ghép giác mạc từ nguồn hiến trong nước ở Bệnh viện Mắt Hà Nội 2. Trước đó, bệnh viện đã ghép giác mạc cho 42 bệnh nhân, nhưng đều là nguồn giác mạc từ nước ngoài”. Theo PGS. Châu, hiện nay ở một số nước phát triển như Nga, Mỹ, việc hiến tặng giác mạc đã trở thành phổ biến và hệ thống ngân hàng mắt rất phát triển. Ví dụ ở Mỹ hiện nay có đến hơn 200 ngân hàng mắt hoạt động hiệu quả. Đặc biệt, ở Mỹ không còn danh sách các bệnh nhân chờ ghép giác mạc. Thậm chí, “nguồn cung” lớn hơn nhu cầu trong nước, nên họ có nguồn giác mạc để phục vụ nghiên cứu và chuyển nguồn giác mạc cho các nước khác.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Thị Minh Châu kiểm tra mắt cho bệnh nhân V. sau khi được ghép giác mạc.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Thị Minh Châu kiểm tra mắt cho bệnh nhân V. sau khi được ghép giác mạc.

Theo PGS.TS. Châu, ghép giác mạc là phẫu thuật ghép có tỉ lệ thành công cao nhất trong ghép mô, vì giác mạc không có mạch máu. Quá trình ghép giác mạc không đòi hỏi cao về sự tương thích. Một người hiến tặng giác mạc sẽ giúp 2 bệnh nhân tìm lại được ánh sáng. Năm 1824, kĩ thuật ghép giác mạc lần đầu tiên được thử nghiệm trên thỏ. Cuối thế kỉ XIX, các y bác sĩ chú ý đến nguồn giác mạc lành từ mắt tử thi. Sang thế kỷ XX, phẫu thuật ghép giác mạc có những tiến bộ vượt bậc và thực hiện phổ biến tại nhiều nước như Nga, Pháp, Tây Ban Nha,…

Ở Việt Nam, phẫu thuật ghép giác mạc được thực hiện từ những năm 1950. Theo số liệu thống kê trong 16 năm qua (từ năm 2007 đến 2023), cả nước có trên 45.000 người đăng ký hiến tặng giác mạc, trong đó đã có 963 người tặng giác mạc sau khi qua đời ở 20 tỉnh thành trong cả nước. Đó vẫn là con số vô cùng khiêm tốn, vì theo thống kê, có đến 300.000 người mù do bệnh lý giác mạc ở Việt Nam, mỗi năm có khoảng 15.000 người mù mới. Bởi vậy, vẫn còn rất nhiều những đôi mắt mòn mỏi chờ ánh sáng.

Một trong những nguyên nhân khiến nhiều người vẫn còn e ngại việc hiến mô, tạng là do định kiến xã hội đã ăn sâu trong tiềm thức rằng chết phải toàn thây, là sự e ngại đụng chạm vào thân thể người thân sau chết. PGS Châu nhấn mạnh rằng việc hiến giác mạc không phải là hiến cả đôi mắt mà chỉ hiến lớp màng mỏng và khi lấy giác mạc ra không ảnh hưởng đến khuôn mặt người hiến. Phải có hiểu biết đúng thì người dân mới có sự thay đổi về nhận thức và hành vi.

Theo các bác sĩ chuyên ngành mắt, bất cứ ai cũng có thể hiến tặng được giác mạc sau khi qua đời, không phụ thuộc vào tuổi tác, giới tính. Đừng bao giờ nghĩ mình không đủ sức khỏe hoặc quá già để đăng kí hiến tặng mô, tạng sau khi chết, chết não. Ở Việt Nam có trẻ em mới chỉ 4 tuổi đã hiến giác mạc và người cao tuổi nhất là 107 tuổi vẫn hiến được giác mạc để đem ánh sáng cho người khác. Ở Tây Ban Nha, có đến hơn 50% số người hiến mô tạng ở độ tuổi trên 60. Thậm chí có những người hiến trên 80 tuổi. Giác mạc của người hiến tặng có thể lấy ở nhà, bệnh viện hay nhà xác. Giác mạc có thể thu nhận khi người hiến tặng đã qua đời trong khoảng thời gian từ 6-8 tiếng. Những cán bộ của Ngân hàng Mô thường trực 24/24 giờ, sẵn sàng lên đường bất kỳ lúc nào để thu nhận những món quà quý giá do người hiến và gia đình trao tặng.

PGS. Châu chia sẻ thêm: "Chúng tôi muốn phát triển ghép giác mạc từ nguồn trong nước vì thời gian bảo quản ngắn hơn, chất lượng tốt hơn nguồn giác mạc từ nước ngoài. Điều không kém phần quan trọng là chi phí để ghép giác mạc từ nguồn hiến trong nước rẻ hơn, bởi thế nhiều bệnh nhân nghèo sẽ có cơ hội được ghép”. Hàng năm trên phạm vi cả nước có không ít những người tử vong do tai nạn giao thông. Đó là nguồn giác mạc giúp nhiều người tìm lại ánh sáng nhưng thực tế đang bị bỏ phí.

Nghĩa cử hiến tặng giác mạc của Đại úy L.T.H.M không chỉ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của những bệnh nhân bị mù lòa, mà còn mang lại cho họ niềm yêu sống, có động lực vươn lên để sống có ý nghĩa. Điều đó không chỉ mang lại hy vọng cho những người cần ghép giác mạc mà còn lan tỏa thông điệp về ý nghĩa của việc hiến tặng giác mạc trong cộng đồng. Pháp luật quy định rằng bất kì ai từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, không giới hạn giới tính, tín ngưỡng đều có quyền hiến tặng mô, tạng của mình khi còn sống hoặc hiến sau khi chết, chết não và hiến xác. Đó là hành động nhân văn thể hiện trách nhiệm xã hội và lòng nhân ái. Để cuộc sống người bệnh hồi sinh, sự sống được nối dài, cần lắm tinh thần “cho đi là còn mãi” của cộng đồng.

Minh Anh

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/nguoi-trong-cuoc/doi-mat-cua-me-i747752/